Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trên biển Baltic. (Nguồn: Sputnik) |
Bloomberg dẫn lời người đại diện công ty cho biết, những chiếc tàu này đã rời biển Baltic. Công ty từ chối bình luận về việc dự án sẽ hoãn lại trong bao lâu.
Trước đó, ngày 21/12 (giờ địa phương), Bộ Tài chính Mỹ thông báo lệnh trừng phạt hai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đã có hiệu lực. Washington yêu cầu các công ty đang thực hiện đặt ống chấm dứt ngay công việc. Công ty Allseas đã tạm dừng thi công.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dự định đặt hai tuyến đường ống với tổng công suất 55 tỷ m³ khí một năm từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức. Tham gia thi công dự án là các công ty châu Âu. Gazprom trước đó đã nhiều lần tuyên bố có kế hoạch hoàn tất việc xây dựng tuyến đường này vào năm 2019.
Những nước tích cực phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là Ukraine (do lo ngại mất nguồn thu nhập từ việc trung chuyển khí đốt của Nga), Mỹ (do đang thúc đẩy việc bán khí đốt hóa lỏng sang Liên minh châu Âu (EU)), Ba Lan, Latvia và Litva.
Các quốc gia này gọi Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án mang tính chính trị và đe dọa an ninh năng lượng châu Âu. Phía Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng dự án này hoàn toàn mang tính thương mại, cạnh tranh và không hề có ý chấm dứt việc trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sang EU.
Liên quan đến Dự án này, tại Ukraine, phe nghị sĩ đảng Đoàn kết châu Âu tại Quốc hội nước này, đứng đầu là cựu Tổng thống Petro Poroshenko đã triệu tập phiên họp Hội đồng an ninh và quốc phòng, yêu cầu áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại việc cung cấp trực tiếp khí đốt từ Nga.
Trước đó, Moscow và Kiev đã thỏa thuận hai bên sẽ rút lại các đơn kiện hiện nay và không đưa thêm yêu sách kiện tụng mới về những thỏa thuận hiện đang còn hiệu lực, đồng thời ký kết hợp đồng tiếp tục trung chuyển khí đốt có thời hạn 5 năm, bao gồm 65 tỷ m³ khí trong năm 2020 và sau đó, mỗi năm trung chuyển 40 tỷ m³ khí trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2024 theo mức giá cạnh tranh.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Alexey Orzhel, các gói thỏa thuận đạt được không bao gồm điều khoản cung cấp khí đốt trực tiếp cho Kiev, tuy vẫn để ngỏ khả năng này.