Hội nghị COP28 chính thức khai mạc - giữa lợi ích và trách nhiệm, thế giới có thể được 'giải cứu'?. Trong ảnh: Nhà máy điện Jaenschwalde gần Peitz, miền Đông nước Đức. (Nguồn: Getty Images) |
Theo lịch trình của nước Chủ nhà UAE, các sự kiện quan trọng sẽ lần lượt diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12, tuy nhiên cũng có thể kéo dài hơn kế hoạch, như đã từng xảy ra trong các kỳ hội nghị trước đây, nếu các cuộc đàm phán còn chưa ngã ngũ.
Tin liên quan |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và tham dự COP28 |
Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) năm nay sẽ đối mặt nhiều vấn đề nóng và áp lực nhất từ trước tới nay, trong khi đó, mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C được cảnh báo là “không thể thương lượng!
Phần quan trọng nhất của hội nghị sẽ bắt đầu vào ngày 1/12 với hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo kéo dài hai ngày, trong đó khoảng 140 Nguyên thủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ tham dự và trình bày các kế hoạch chống biến đổi khí hậu của quốc gia. Khoảng 70.000 đại biểu từ lãnh đạo các quốc gia và quan chức chính phủ đến các chuyên gia, nhà đàm phán, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà báo, các nhóm xã hội dân sự, nhà hoạt động khí hậu từ khắp nơi trên thế giới, sẽ cùng ngồi lại để tìm đáp án cho câu hỏi “Thế giới có thể làm gì để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu tồi tệ hiện nay?”
Thời điểm then chốt buộc phải hành động
COP28 diễn ra vào thời điểm then chốt cho hành động toàn cầu về BĐKH. Nhiệt độ tăng cao kỷ lục và tác động khủng khiếp của các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, lũ lụt, bão và hạn hán trên toàn thế giới đang khiến việc giải quyết các vấn đề khí hậu ngày càng trở nên cấp bách. Vấn đề cốt lõi cần sớm giải quyết là thế giới phải làm gì để đảm bảo thời tiết không nóng hơn quá nhiều và BĐKH không gây ra thiệt hại nặng nề hơn.
Các nhà khoa học nhận định, thế giới không còn nhiều thời gian hành động để giữ mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Thỏa thuận Paris tại COP21 vào năm 2015. Ủy ban liên Chính phủ về BĐKH (IPCC) của Liên hợp quốc cho rằng, mục tiêu này là rất quan trọng để tránh những hậu quả thảm khốc.
Trước giới truyền thông, ông Johan Rockström, Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam ở Đức nhấn mạnh, COP28 là cơ hội cuối cùng để đưa ra những cam kết đáng tin cậy về việc bắt đầu cắt giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch. “Chúng ta cần có những kết quả đáng tin cậy ở Dubai để bắt đầu giảm lượng khí thải từ dầu, than và khí đốt. Mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C là không thể thương lượng”.
Theo kế hoạch của nước chủ nhà UAE, COP28 sẽ tập trung vào 4 mục tiêu chính. Cụ thể là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, có trật tự và bình đẳng; giải quyết vấn đề tài chính khí hậu; đặt thiên nhiên, cuộc sống và sinh kế của người dân vào trung tâm của hành động vì khí hậu và nỗ lực để đưa COP28 thành hội nghị toàn diện nhất từ trước đến nay.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng dự kiến sẽ là vấn đề chính khi các quốc gia vẫn còn chia rẽ về việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên thế giới. Liên minh châu Âu (EU) đang muốn thúc đẩy một thỏa thuận đầu tiên trên thế giới nhằm loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gồm than, dầu và khí đốt trên toàn cầu.
Tuy nhiên, các khối và các quốc gia khác tham gia đàm phán tại COP28 có thể sẽ phản đối điều này. Những nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn như Saudi Arabia và các nước đang phát triển hiện đang dựa vào nguồn nhiên liệu này để thúc đẩy nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Tài chính khí hậu cũng dự kiến là một vấn đề được quan tâm thảo luận. Trước đó, tại COP27, các bên tham gia đã thống nhất thành lập quỹ chi trả cho những tổn thất mà các nước dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của BĐKH.
COP28 cũng là lần đầu tiên lãnh đạo thế giới sẽ cùng nhau đánh giá việc thực hiện mục tiêu đã đề ra trong COP20 năm 2015.
Theo giới quan sát, thách thức đối với COP28 là rất đáng kể, bởi đã đến lúc thế giới phải nghiêm túc đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện các nội dung của Hiệp định Paris về BĐKH - Thỏa thuận “lịch sử” khi lần đầu tiên thiết lập được một mục tiêu mang tính ràng buộc cho cả thế giới về hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Thu hẹp khoảng cách giữa cam kết và hành động
COP28 gây chú ý dư luận ngay từ bước khởi động, khi nổ ra tranh cãi liên quan tới địa điểm tổ chức sự kiện. UAE là 1 trong 10 quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Trong khi, Chủ nhà còn bổ nhiệm, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và công nghệ tiên tiến của UAE Sultan Ahmed Al Jaber và Giám đốc điều hành một Công ty dầu mỏ hàng đầu, làm Chủ tịch COP28.
Dầu, giống như khí đốt và than đá, là nhiên liệu hóa thạch. Đây là một trong các nguyên nhân chính gây ra BĐKH vì chúng thải ra khí nhà kính đang làm hành tinh nóng lên như carbon dioxide khi đốt dầu để tạo ra năng lượng. Ngoài ra, công ty dầu mỏ của ông Al Jaber vẫn đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất. Tổ chức 350.org nhấn mạnh: “Điều này tương đương với việc bổ nhiệm giám đốc điều hành của một công ty thuốc lá để giám sát một hội nghị về chữa bệnh ung thư”.
Đáp lại, ông Al Jaber cho rằng, mình có vị thế đặc biệt để thúc đẩy ngành dầu khí hành động. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch Công ty năng lượng tái tạo Masdar, có thể giám sát việc phát triển và áp dụng các công nghệ sạch như năng lượng gió và Mặt trời.
Chuyên gia Mia Moisio từ Viện Khí hậu mới chỉ trích, trên thực tế chưa có quốc gia lớn nào có kế hoạch tăng cường chương trình bảo vệ khí hậu của họ trong năm nay. Ngay cả khi tất cả những lời cam kết được thực hiện vào năm 2030, thế giới vẫn đang hướng tới sự nóng lên toàn cầu khoảng 2,4 độ vào năm 2100, so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các sự kiện quan trọng của Hội nghị COP28 tại UAE sẽ lần lượt diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12, hoặc lâu hơn. (Nguồn: COP28) |
Tại COP27, việc đạt được thỏa thuận trong đó các quốc gia giàu có sẽ phải đóng góp tiền vào quỹ khí hậu để bù đắp cho những thiệt hại khí hậu mà họ gây ra, được coi là một bước đột phá. Quỹ này sẽ giúp các quốc gia chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi BĐKH đối phó với những hậu quả của tình trạng này. Giờ đây, quỹ này sẽ phải được lấp đầy như cam kết.
Nhưng vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng, như quốc gia nào sẽ đóng góp tiền, khoản đóng góp là bao nhiêu? Quốc gia nào được hưởng và số tiền họ thực sự nhận được là bao nhiêu?
Theo chuyên gia Jan Kowalzig của tổ chức Oxfam, Thỏa thuận Paris năm 2015 là bước đột phá vào thời điểm đó. Nhưng cho đến nay, những kết quả đạt được vẫn chưa đáng kể. Có quá ít hành động được thực hiện. Nhiều quốc gia tiếp tục phụ thuộc nhiều vào than đá, dầu mỏ và khí đốt nên vẫn chưa thể đưa ra cam kết rõ ràng về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu.
Liệu COP28 có thực sự mang tới những kết quả đột phá? Giới quan sát cho rằng, kỳ vọng về điều này là không nhiều, nhưng thay vì mục tiêu cũ, có thể một mục tiêu mới đầy tham vọng sẽ được thống nhất ở Dubai, nhằm mở rộng năng lượng tái tạo và một nguồn tài chính cụ thể cho những thiệt hại và mất mát do BĐKH.
Hiện chưa rõ kết quả đánh giá việc thực hiện mục tiêu Thỏa thuận Paris như thế nào, nhưng các phân tích chuyên sâu cho thấy, chặng đường để thế giới đạt mục tiêu về khí hậu còn khá dài. Theo dự báo của Liên hiệp quốc, thay vì 1,5 độ C, Trái Đất đang hướng tới mức tăng nhiệt gần 3 độ vào cuối thế kỷ này.
Kể cả mức tăng này cũng chỉ có thể đạt được khi tất cả các cam kết của các quốc gia được thực hiện. Nếu không, mức tăng nhiệt sẽ còn cao hơn nữa. Có vẻ hành động của các quốc gia không giống như cam kết của họ. Do đó, một câu hỏi quan trọng tại COP28 sẽ là làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa cam kết và hành động.
| Nguy cơ vỡ nợ - 'Nút thắt cổ chai’ thường kỳ của Mỹ có thể khiến cả thế giới 'tắc đường' Mọi kịch tính dồn đến đỉnh điểm rồi sẽ lại kết thúc bằng một mức trần nợ mới. Việc nước Mỹ bên "bờ vực vỡ ... |
| Chủ tịch Đại hội đồng LHQ 78: Việt Nam có nhiều thành tựu có thể chia sẻ với thế giới Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) Dennis Francis cho rằng, những thành tựu về đưa người dân thoát nghèo và phát triển ... |
| EU chính thức khởi động thúc đẩy chuyển đổi xanh, triển khai cơ chế điều chỉnh carbon từ 1/10 Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) giai đoạn 1, còn gọi là giai đoạn chuyển tiếp, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi ... |
| Biến thách thức thành cơ hội: Những đóng góp của Quỹ Phát triển Saudi Arabia tại Việt Nam và trên thế giới Đó là tên sự kiện do Đại sứ quán Saudi Arabia phối hợp Quỹ Phát triển Saudi Arabia tổ chức sáng 6/11 tại Hà Nội. |
| Hội nghị COP28: Bàn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch tại chính quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới - cơ hội phá bỏ điều 'cấm kỵ'? Năm 2023 thế giới không ngừng phá các kỷ lục về khí hậu, các quốc gia dễ bị tổn thương gặp hết thiên tai này ... |