WHO đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của hãng Sinovac Biotech, Trung Quốc, có tên CoronaVac. (Nguồn: Bioworld) |
Trong một tuyên bố, WHO thông báo: "Hôm nay, WHO đã phê chuẩn vaccine CoronaVac của hãng dược Sinovac sử dụng khẩn cấp, qua đó đưa ra đảm bảo cho các quốc gia, các nhà tài trợ, các cơ quan thu mua và các cộng đồng rằng vaccine này đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, hiệu quả".
Ủy ban độc lập của WHO khuyến cáo sử dụng vaccine của Sinovac cho người từ 18 tuổi trở lên, hai liều cách nhau 2-4 tuần. Không có giới hạn độ tuổi cao hơn vì các dữ liệu cho thấy vaccine này có hiệu quả bảo vệ ở người cao tuổi.
Trước đó, theo kết quả sơ bộ của chương trình miễn dịch cộng đồng tại Uruguay, vaccine CoronaVac đã giúp giảm 97% tỷ lệ tử vong vì bệnh Covid-19, trong khi đó, người tiêm đủ 2 liều có tỷ lệ nhiễm giảm 57% và tỷ lệ phải điều trị tích cực giảm 95%.
Kết quả này được đưa ra sau 2 tuần nước này tiêm đủ hai liều vaccine CoronaVac cho khoảng hơn 712.000 người.
So với các vaccine khác đang được sử dụng, đến nay, có rất ít công bố khoa học về mức độ hiệu quả của CoronaVac và các kết quả thông báo có sự khác biệt rất lớn. Tuy nhiên, vaccine này đã được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc và khoảng hơn 20 quốc gia khác.
Tháng trước, Chile cũng đã thông báo kết quả sơ bộ của chương trình miễn dịch cộng đồng tại nước mình, cho thấy vaccine CoronaVac hiệu quả 67% trong việc ngăn chặn các ca nhiễm có triệu chứng và giảm 80% ca tử vong.
Các kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine này ở Brazil cho thấy hiệu quả 50% đối với ca nhiễm có triệu chứng, trong khi dữ liệu của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy mức độ hiệu quả lên tới 80%.
CoronaVac là loại vaccine kiểu truyền thống, sử dụng virus đã bị vô hiệu để tạo miễn dịch, trong khi vaccine của hãng Pfizer sử dụng công nghệ mRNA.
Trước đó, ngày 7/5, vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc) là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên không phải của một hãng dược phương Tây được WHO phê chuẩn sử dụng khẩn cấp.
Đây cũng là hai loại vaccine ngừa Covid-19 chủ chốt của Trung Quốc, đã được tiêm cho hàng trăm triệu người nước này và một số quốc gia khác.
Quyết định trên của WHO sẽ mở đường cho vaccine thứ hai của Trung Quốc được sử dụng tại các nước nghèo theo cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX), trong bối cảnh cơ chế này đang đối mặt các vấn đề lớn về nguồn cung khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu vaccine.
Vaccine thứ ba của Trung Quốc, do CanSino Biologics sản xuất, đã được trình kết quả thử nghiệm lâm sàng để chờ xét duyệt, tuy nhiên, WHO chưa lên kế hoạch đánh giá vaccine này.