📞

Covid-19: Bạn biết gì về biến thể Delta - ‘kẻ gian xảo’ đang ‘thống trị’ thế giới?

Hoàng Nam 13:55 | 02/07/2021
Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 dễ lây lan hơn, tốc độ nhanh hơn, các triệu chứng bệnh khác với virus “gốc”, từng được gọi là một "kẻ gian xảo" hay “máy bay chiến đấu du kích".
Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều so với loại virus xuất hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) hay biến thể xuất hiện tại Anh (Alpha) vào năm ngoái.

Trong bài viết đăng ngày 1/7 trên trang ABC, phóng viên Sophie Scott và Leonie Thorne khẳng định, biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, đã thay đổi cách Australia đối phó với đại dịch Covid-19.

Chủng virus này dễ lây lan hơn, gây ra các triệu chứng bệnh khác với những triệu chứng Covid-19 đã được ghi nhận và từng được gọi là một "kẻ gian xảo" hay “máy bay chiến đấu du kích".

Dưới đây là những điều cần biết về loại biến thể virus đang “thống trị” toàn cầu với tốc độ lây lan chóng mặt trên toàn thế giới này.

Biến thể Delta lây nhiễm như thế nào?

Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều so với loại virus xuất hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) hay biến thể xuất hiện tại Anh (Alpha) vào năm ngoái.

Ở Vương quốc Anh, biến thể Delta chỉ mới xuất hiện vào tháng 4 năm nay nhưng đã nhanh chóng chiếm vị trí “thống trị” tại quốc gia này.

Theo các chuyên gia, tốc độ lây lan của biến thể Delta cao hơn khoảng 50% so với biến thể Alpha - vốn đã có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 50% so với virus đầu tiên được tìm thấy ở Vũ Hán.

Giáo sư Stuart Turville, nhà virus học tại Viện Kirby cho biết: “So với chủng ban đầu, chủng Delta có khả năng lây lan cao hơn hai lần.

Tỷ lệ tấn công thứ cấp (số người có nguy cơ bị nhiễm bệnh nếu họ tiếp xúc với người bị bệnh), cũng cao hơn. Cứ 100 người tiếp xúc với người bị nhiễm chủng Delta, thì 12 người trong số đó có khả năng bị nhiễm bệnh. Với chủng Alpha, tỷ lệ này là 8-9 người”.

Các triệu chứng khi nhiễm biến thể Delta?

Hiện nay, các chuyên gia vẫn đang tìm hiểu về biến thể Delta, nhưng các triệu chứng có vẻ khác với virus "gốc".

Trước đây, sốt, ho dai dẳng, mất vị giác hoặc khứu giác là những triệu chứng hàng đầu cần lưu ý. Nhưng với Delta, đau đầu là triệu chứng phổ biến nhất, sau đó là đau họng, sổ mũi và sốt.

Giáo sư Turville nói: "Chúng tôi có dữ liệu đầu tiên từ một nghiên cứu ở Anh có tên là ZOE, nơi những người mắc bệnh chia sẻ về các triệu chứng của họ. Những triệu chứng bệnh nặng như mất khứu giác và khó thở ít phổ biến hơn.

Thay vào đó, mọi người có các triệu chứng giống cảm lạnh thông thường hơn như sổ mũi, đau họng. Những người không được tiêm vaccine phòng Covid-19 có thể bị sốt.

"Vì vậy, dường như mức độ nghiêm trọng ở những người mắc biến thể Delta thấp hơn các biến thể khác”.

Các biến thể của virus SARS-CoV-2 theo cách gọi tên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO):

B.1.1.7: Alpha

B.1.351: Beta

P.1: Gamma

B.1.429: Epsilon

B.1.526: Lota

B.1.617.1: Kappa

B.1.617.2: Delta

Biến thể Delta có nguy hiểm hơn không?

Vì biến thể mới được phát hiện nên chưa có nhiều kết quả nghiên cứu về nó. Giáo sư Turville cho biết, đến nay, dữ liệu về tỷ lệ tử vong do nhiễm biến thể này có vẻ lạc quan hơn các biến thể khác.

Ông nói: “Nhìn vào quá trình theo dõi 28 ngày sau khi nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong khi mắc các biến thể trước là 1,9%. Nhưng cho đến nay, tỷ lệ tử vong khi mắc biến thể Delta được thống kê là 0,3%”.

Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia của Viện Kirby, còn quá sớm để bớt lo lắng hơn về chủng virus mới này.

Người trẻ tuổi dễ mắc chủng Delta hơn?

Theo các tác giả bài báo, có nghiên cứu ở ngoài Australia cho thấy, những người trẻ tuổi có thể dễ bị nhiễm bệnh hơn người lớn tuổi. Nhưng ở những nơi thực hiện nghiên cứu này, chẳng hạn như tại Vương quốc Anh với phần lớn dân số lớn tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ, điều này có thể làm sai lệch kết quả.

Giáo sư Turville cho biết: “Chúng tôi đã nghe nói rằng ngày càng có nhiều trẻ em mắc chủng virus Delta nhưng rất khó để tính toán mức độ nhạy cảm của những đứa trẻ với biến thể này, chủ yếu là do chúng chưa được tiêm phòng”.

Hơn nữa, theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh hạn chế đi lại để ngăn ngừa dịch lây lan, người lớn thường có xu hướng ở trong nhà trong khi trẻ em di chuyển nhiều hơn.

"Vì vậy, tôi muốn nói rằng, chúng ta cần theo dõi và nghiên cứu sâu hơn để thấy được tác động của chủng này đối với trẻ em. Những gì chúng tôi biết là biến thể Delta dường như dễ lây lan hơn cho tất cả mọi người”, Giáo sư Turville nhấn mạnh.

Hiệu quả của vaccine đối với biến thể Delta như thế nào?

Cả vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer và AstraZeneca được sử dụng tại Australia đều có khả năng bảo vệ chống lại biến thể Delta.

Giáo sư Turville cho biết: "Điều thú vị là mặc dù biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn, nhưng vaccine lại có tác dụng đối với virus này.

Dữ liệu từ Public Health England cho thấy, sau tiêm hai liều vaccine ngừa Covid-19 bất kỳ, hiệu quả chống lại biến thể Delta đạt 79% so với 89% ở chủng Alpha. Nhưng hiệu quả của vaccine đối với chủng Delta ở người bị nặng là 96% so với 93% ở chủng Alpha”.

Chuyên gia Turville nhấn mạnh: “Đó là những con số đầy hứa hẹn và thực sự đáng khích lệ. Nhưng cho dù tiêm loại vaccine nào, bạn cũng cần tiêm đủ hai liều để có được sự bảo vệ tốt nhất khỏi các triệu chứng nghiêm trọng”.

Còn Tiến sĩ Kylie Quinn tại Đại học RMIT thì khẳng định: “Các loại vaccine là những công cụ thực sự mạnh mẽ, là sự hỗ trợ tuyệt vời cho các phương pháp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Nhưng điều quan trọng cần ghi nhớ là bạn phải tiêm đủ hai liều. Nếu bạn chỉ tiêm một liều duy nhất của Pfizer hoặc AstraZeneca, tỷ lệ bảo vệ trước virus giảm đáng kể".

Tại sao có biến thể Delta?

Virus đột biến theo thời gian là một quá trình bình thường. Mỗi khi virus lây nhiễm cho ai đó, nó sẽ tạo ra hàng nghìn bản sao của chính nó.

Nhưng đôi khi, thông tin mà nó đang sao chép bị sai và một chút mã di truyền có thể bị thay đổi hoặc bị hoán đổi. Hầu hết thời gian những "sai lầm" nhỏ này không gây ra tác động gì, nhưng đôi khi chúng thay đổi cách thức hoạt động của virus.

Những thay đổi đối với mã di truyền của biến thể Delta đã ảnh hưởng đến protein đột biến ở bên ngoài của virus. Nó được gọi là "đột biến kép" vì nó có hai thay đổi lớn.

Hai thay đổi này cho phép biến thể Delta liên kết với nhau dễ dàng hơn. Đó là lý do khiến Delta dễ lây lan hơn và tốc độ lây lan nhanh đến thế.

Theo các chuyên gia, điều quan trọng cần nhớ là vaccine luôn có tác đụng bảo vệ cơ thể trước virus này và cho đến nay, không có biến thể nào có thể đánh bại vaccine.

(theo ABC)