Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội thảo. |
Đó là điều được đông đảo diễn giả là các nhà khoa học, học giả, nhà hoạch định chính sách nhất trí tại Hội thảo “Hợp tác phát triển giữa Việt Nam – ASEAN với LB Nga: Thực trạng và Triển vọng” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 15-16/9 tại Hà Nội.
Những ràng buộc về lợi ích
Xét trên bình diện địa chiến lược, Nga có sự ràng buộc về lợi ích kinh tế, quân sự, hàng hải, an ninh, chính trị, hết sức to lớn với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng. TS. sử học Evgheni Kobelev, đến từ Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng, xét về lịch sử, những lợi ích đó tập trung ở việc tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc đảm bảo an ninh của nước Nga, đảm bảo cơ sở cho việc phát triển và hiện đại hoá toàn bộ khu vực Đông Siberia và vùng Viễn Đông.
Trong khi đó, theo TS.Lương Văn Kế, Đại học Quốc gia Hà Nội, sự hiện diện của Nga ở Đông Nam Á và hợp tác chặt chẽ với các nước khu vực này kể cả hợp tác quân sự - an ninh, nhất là việc sử dụng các hải cảng nước sâu cho hạm đội Thái Bình Dương của Nga, cho phép họ đảm bảo được lợi ích an ninh - kinh tế có ý nghĩa chiến lược và góp phần củng cố an ninh - chính trị sườn phía Đông của mình.
Ý thức được vai trò có tính chất xây dựng và ngày càng tăng của Nga, các nước ASEAN đồng tình với sự tham gia của Nga ngày càng rộng vào các quá trình liên kết ở châu Á và giải quyết những vấn đề quan trọng của khu vực và cùng Nga hành động để đảm bảo sự phát triển hoà bình và an ninh khu vực Đông- Nam Á, củng cố khối liên kết khu vực, xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Theo Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, cả ASEAN và Nga đang thực hiện tốt các sáng kiến hội nhập của mình, bao gồm việc thúc đẩy Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với ASEAN và Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU) đối với Nga.
Thương mại và đầu tư ASEAN - Nga đã và đang gia tăng với tốc độ cao. Tổng thương mại giữa ASEAN và Nga tăng khoảng 9,9% từ 18,2 tỷ USD năm 2012 lên 19,9 tỷ USD năm 2013. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nga vào ASEAN đã tăng đáng kể - khoảng 369,2% năm 2012 (180 triệu USD) và 194% năm 2013 (542 triệu USD)....
Vai trò cầu nối của Việt Nam
Việt Nam là quốc gia vốn có quan hệ hữu nghị truyền thống với nước Nga, có vai trò ngày càng quan trọng trong khối ASEAN. Trong quá trình trở lại Đông Nam Á, Nga coi Việt Nam là một mắt xích quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ với các nước ASEAN.
Bản “Học thuyết đối ngoại của Liên bang Nga” được Tổng thống Putin ký tháng 2/2013 khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng, “đối tác then chốt”, là “ưu tiên chiến lược hàng đầu” của Nga tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng.
Về phía Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Chính sách nhất quán của Việt Nam là cố gắng cùng ASEAN đưa quan hệ ASEAN - Nga phát triển toàn diện nhằm phát huy lợi thế của nhau và góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Thực tế thời gian qua, theo TS. Evgheni, vai trò cầu nối của Việt Nam giữa ASEAN và Nga đã được thực hiện rất tốt. Chẳng hạn, năm 1996, ASEAN đã trao cho Việt Nam vai trò Điều phối viên các quan hệ của ASEAN với Nga và chính trong năm đó Nga đã nhận được quy chế đối tác toàn diện của ASEAN về đối thoại, đặt cơ sở bước đầu hình thành cơ chế đa phương của đối tác đối thoại Nga - ASEAN. Việt Nam cũng đã thực hiện thành công Hội nghị cấp cao lần thứ hai Nga - ASEAN họp tại Hà Nội ngày 30/10/2010. Bằng việc sử dụng uy tín của mình trong ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy việc Nga được tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và trở thành thành viên bình đẳng của tổ chức đó.
Triển vọng hợp tác Việt Nam - ASEAN với Nga là rất lớn và trong sự hợp tác các bên đều có rất nhiều lợi ích, tuy vậy, còn nhiều rào cản làm cho việc hợp tác này còn diễn tiến rất chậm.
Nga đang được ASEAN kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều hơn nữa với tư cách một cường quốc vào việc bảo đảm hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Nhiều học giả cho rằng, để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam– ASEAN với Nga trong thời gian tới, phải nhận thức rõ: Xét trên mọi phương diện, Nga luôn là bạn của Việt Nam- ASEAN. Thứ hai, cần tìm ra rào cản làm chậm hợp tác đồng thời xác định những ưu tiên trong hợp tác để phát huy thế mạnh mỗi bên. Thứ ba, phải thắt chặt đoàn kết nội khối; đồng thời phát triển quan hệ hợp tác với Nga trong chính sách đối ngoại cân bằng với các nước lớn khác tại khu vực.
“Sự trùng hợp các lợi ích quốc gia và các lợi ích địa chính trị của Nga và Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á và thế giới nói chung có cơ sở là sự phối hợp chặt chẽ của hai nước chúng ta trên trường quốc tế. Sự hợp tác giữa nhân dân Nga và nhân dân Việt Nam thấm đượm tinh thần sâu sắc có gốc rễ lịch sử sâu sa và được soi sáng bởi công cuộc cùng nhau đấu tranh vì độc lập và tự do”. Kosov Ju. V., Phó Giám dốc Trường Quản lý Tây Bắc Saint Petersburg. “Việt Nam và các nước ASEAN phần nhiều chưa nhận thức thật sâu sắc Liên bang Nga là một đối tác rất quan trọng rất hấp dẫn và rất thân thiện. Các nhà lãnh đạo Nga cũng phải nhận thức rõ hơn vị trí địa kinh tế - chính trị của ASEAN. Nếu có được nhận thức sâu sắc như vậy các bên cần tiến hành những cuộc gặp gỡ song phương và đa phương để tìm được các kênh hợp tác có hiệu quả nhất”. PGS. TS Lê Ngọc Tòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Khôi Nguyên