📞

Covid-19: Cách ly thế nào cho an toàn với F0 điều trị tại nhà?

Thế Việt 16:23 | 05/02/2022
Nếu một thành viên trong gia đình dương tính với Covid-19, chuyên gia tư vấn cách làm thế nào để người bệnh có thể yên tâm điều trị mà không lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình.
Nếu một thành viên trong gia đình dương tính với Covid-19, chuyên gia tư vấn cách để người trong gia đình cách ly an toàn với người nhiễm. Ảnh minh họa. (Nguồn: Mayoclinic)

Dưới đây là một số điểm cần lưu ý

1. Đảm bảo điều kiện cách ly cho người bệnh Covid-19

Nếu có thể, hãy bố trí phòng ngủ và phòng tắm chỉ dành cho người bệnh Covid-19. Đảm bảo không gian chung có luồng thông không khí tốt. Mở cửa sổ để phòng luôn thông thoáng.

Thông gió tự nhiên là tốt nhất, nhưng cũng có thể sử dụng máy lạnh. Tuy nhiên, nếu đang sử dụng điều hòa trong phòng thì dàn lạnh điều hòa cần được thường xuyên kiểm tra và vệ sinh.

Không sử dụng quạt không khí - vì chúng có thể thổi không khí trực tiếp từ người này sang người khác và giúp lây lan virus.

2. Xác định một thành viên gia đình chăm sóc cho người bị bệnh

Chỉ định một thành viên gia đình khỏe mạnh làm người chăm sóc. Người này sẽ giúp người bệnh Covid-19 làm theo chỉ định của bác sĩ, hỗ trợ các nhu cầu cơ bản và theo dõi các triệu chứng đồng thời tránh tiếp xúc cơ thể không cần thiết.

Tất cả các thành viên khác trong gia đình và vật nuôi nên tránh tiếp xúc với người bệnh. Người chăm sóc phải là người duy nhất trong nhà vào phòng mà người nhà bị bệnh đang cách ly.

Hầu hết những người bị Covid-19 sẽ chỉ phát triển bệnh nhẹ và sẽ không cần bất kỳ sự chăm sóc trực tiếp nào trong khi họ đang cách ly. Trong tình huống này, người chăm sóc sẽ không cần phải vào phòng mà thành viên gia đình đang cách ly. Thay vào đó, họ nên tương tác từ bên ngoài phòng và để thức ăn ngoài cửa.

Điều quan trọng là cả người chăm sóc và thành viên gia đình mắc Covid-19 phải đeo khẩu trang y tế và thực hiện vệ sinh tay sau mỗi lần tiếp xúc.

3. Thực hiện các biện pháp an toàn cho bản thân

Khi bắt đầu thời gian cách ly, cần có đủ khẩu trang y tế trong nhà để mọi thành viên trong gia đình có thể thay khi bị bẩn hoặc ướt hàng ngày trong toàn bộ thời gian cách ly.

Khẩu trang y tế chỉ được sử dụng một lần có nghĩa là chúng phải được thay và vứt bỏ một cách an toàn sau mỗi lần sử dụng và khi bị bẩn hoặc ướt.

Đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh Covid-19 và vứt bỏ đúng quy định. Nếu người chăm sóc cần chạm vào chất dịch cơ thể của người bệnh Covid-19, cần đeo khẩu trang và găng tay dùng một lần; sau đó, tháo và bỏ găng tay trước, rửa tay, tháo và bỏ khẩu trang, và rửa tay lại.

4. Cách đeo khẩu trang đúng

Cần đảm bảo rằng cả gia đình đang đeo khẩu trang đúng cách và tất cả khẩu trang đã được sử dụng đều được vứt bỏ một cách an toàn và ngay lập tức.

Thực hiện theo các bước sau:

- Trước khi chạm vào khẩu trang, hãy rửa tay sạch bằng xà phòng và nước trong ít nhất 40 giây hoặc chất khử trùng tay có cồn.

- Kiểm tra các vết rách hoặc lỗ trên khẩu trang. Nếu khẩu trang bị hư hỏng, không sử dụng.

- Đảm bảo không có khoảng trống giữa khuôn mặt và khẩu trang.

- Kẹp dải kim loại để tạo thành khuôn mũi vừa khít.

- Không chạm vào mặt trước của khẩu trang khi đang đeo. Nếu vô tình chạm vào phải làm sạch tay.

- Khi tháo khẩu trang: Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước trong ít nhất 40 giây hoặc chất khử trùng tay có cồn. Tháo dây đai từ phía sau đầu hoặc tai mà không chạm vào mặt trước của khẩu trang.

- Bỏ khẩu trang ngay lập tức vào túi đựng rác bên trong thùng kín.

- Làm sạch tay một lần nữa.

5. Dọn dẹp nhà cửa và xử lý rác thải an toàn

Trong thời gian cách ly với các thành viên trong gia đình, cần phải dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ cao.

Vì hầu hết các trường hợp nhiễm Covid-19 là nhẹ, thành viên gia đình bị bệnh vẫn có thể tự dọn dẹp phòng riêng của họ, để giảm thiểu nguy cơ cho các thành viên khác trong gia đình.

Làm sạch kỹ lưỡng và thường xuyên, bằng chất tẩy rửa gia dụng, đặc biệt quan trọng nếu trong gia đình có người già hoặc người có nguy cơ cao bị bệnh nặng do Covid-19.

Không dùng chung các vật dụng như bát đĩa, đồ dùng, khăn tắm hoặc giường với người bệnh.

Sau khi sử dụng, hãy rửa thật sạch những vật dụng đó. Làm sạch tất cả các bề mặt như mặt bàn, tay nắm cửa, đồ đạc trong phòng tắm, nhà vệ sinh, điện thoại, bàn phím, máy tính bảng và bàn cạnh giường - mỗi ngày.

Để làm sạch bề mặt hiệu quả, cần lưu ý: Trước tiên, hãy sử dụng xà phòng hoặc chất tẩy rửa gia dụng thông thường rửa sạch. Sau đó, sử dụng chất khử trùng để lau bề mặt.

(theo Bộ Y tế)