Covid-19 lan rộng khắp thế giới trong 2 năm qua. (Nguồn: The Guardian) |
Không còn là đại dịch
Nhiều chuyên gia dự đoán rằng sự lây lan của virus SARS-CoV-2 cuối cùng sẽ giống như bệnh cúm mùa.
Theo TS. Ofer Levy, Giám đốc Chương trình Precision Vaccine tại Bệnh viện Nhi Boston, có khả năng chúng ta sẽ thấy làn sóng Covid-19 này đến rồi đi.
Tình hình dịch bệnh trong đầu năm 2022 sẽ khả quan hơn hiện tại khi các ca bệnh không còn nằm ngoài tầm kiểm soát cũng như các bệnh viện không phải đối mặt với nguy cơ quá tải bệnh nhân.
Khi mùa Thu và mùa Đông tới, thế giới sẽ chứng kiến sự gia tăng đột biến của các bệnh do virus, bao gồm cả virus SARS-CoV-2 gây ra, nhưng nó sẽ giống như một chu kỳ dịch bệnh hơn là một đại dịch.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với CNN vào tháng 11/2021, TS. Arnold Monto, Giáo sư Dịch tễ học tại Đại học Michigan cho biết, hiện vẫn chưa có một phép đo lường cụ thể nào quyết định một căn bệnh phát triển lên thành dịch bệnh hay đại dịch.
Việc xác định ranh giới giữa hai định dạng này không hoàn toàn dựa trên quy tắc mà phụ thuộc vào những gì chúng ta kiểm soát sự bùng phát của căn bệnh đó.
Trong trường hợp của Covid-19, điều khác biệt là vaccine được sản xuất sớm và hiệu quả hơn trong ứng phó với đại dịch so với các đại dịch trước đó.
Nhưng chính bởi tính chất khó lường của virus SARS-CoV-2 mà tương lai của dịch Covid-19 ngày càng trở nên khó đoán hơn.
Với sự thay đổi trong cơ chế lây nhiễm cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới, Covid-19 giờ đây lây lan rộng rãi và đồng đều trên toàn thế giới.
Điều này khiến việc tuyên bố điểm kết thúc của đại dịch cũng trở nên khó khăn hơn.
“Nín thở” chờ đợi
Theo ông Monto và các nhà y tế công cộng khác, trong tương lai, thế giới có thể theo dõi sự lây lan của SARS-CoV-2, loại virus gây ra Covid-19, tương tự như giám sát bệnh cúm mùa.
Theo các nhà khoa học, Covid-19 cuối cùng có thể chuyển sang dạng bệnh theo mùa. |
Các chuyên gia vẫn chưa biết liệu mô hình của SARS-CoV-2 có phải là “theo mùa” hay không, nhưng họ tin rằng hầu hết các virus đường hô hấp khác đều bắt đầu hoạt động như vậy.
Ngoài ra, đã có tiền lệ khi một số biến thể của virus SARS-CoV-2 cũng mang cơ chế lây nhiễm theo mùa.
Tuy nhiên, ông Monto cho biết, cần tiếp tục chờ đợi để khám phá thêm về giai đoạn đặc hữu của loại virus này, giai đoạn mà nó thường xuyên xuất hiện nhưng không ảnh hưởng quá nghiêm trọng như đang thấy trong đại dịch.
Vào đầu năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, các quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự đoán rằng virus SARS-CoV-2 có thể trở thành một loại virus đặc hữu trong cộng đồng và không bao giờ biến mất.
Trong một phiên điều trần vào tháng 11/2021 với Ủy ban Y tế, Giáo dục và Lao động Thượng viện Mỹ, TS. Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, đã nói: “Những gì chúng tôi hy vọng đạt được là dù virus SARS-CoV-2 không thể bị loại bỏ hoàn toàn, nhưng nó sẽ không có tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng hay cách con người vận hành cuộc sống của mình”.
Cần nhiều nỗ lực hơn
Để Covid-19 có thể chuyển từ đại dịch sang dịch bệnh, các quốc gia cần tăng cường khả năng miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2.
Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người cần được tiêm phòng hơn.
Hiện riêng tại Mỹ, khoảng 62% tổng dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Một số ít đã được tiêm mũi tăng cường (mũi 3).
Tuy nhiên, còn một bộ phận người dân Mỹ từ chối tiêm phòng hay đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Việc tiêm phòng Covid-19 tại Mỹ đã bắt đầu cách đây một năm. |
Theo ông Landrigan, người đã làm việc tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ trong 15 năm, để kiểm soát sự lây lan của virus sởi trong cộng đồng, tỷ lệ miễn dịch cần đạt được là 95%.
Thậm chí sau đó vẫn diễn ra những đợt bùng phát nhỏ lẻ, thường do khách du lịch lây nhiễm virus cho một nhóm người ở một địa điểm cụ thể.
Đối với bệnh cúm, CDC Mỹ khuyến cáo tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên tiêm phòng hằng năm.
Tuy nhiên, trong mùa cúm 2019-2020, chỉ khoảng một nửa số người, tức 51,8%, tuân thủ khuyến cáo.
Trung tâm này ước tính bệnh cúm đã gây ra khoảng 12.000 đến 52.000 ca tử vong mỗi năm từ năm 2010 đến năm 2020.
Cho đến nay, hơn 800.000 người Mỹ đã chết vì virus SARS-CoV-2.
Vì vậy, trong tương lai, cuộc chiến tiêu diệt virus này hằng năm có thể rất giống với cuộc chiến chống lại bệnh cúm.
Kịch bản cho năm 2022
Một trong những ý tưởng được nêu lên là khi bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra trở thành bệnh đặc hữu, một hệ thống theo dõi tương tự như hệ thống giám sát bệnh cúm có thể được sử dụng để theo dõi mầm bệnh.
TS. Stephen Parodi, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, trả lời phỏng vấn CNN vào tháng 11/2021: “Chúng tôi có thể điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19 giống như chúng tôi làm với bệnh cúm theo mùa. Đây là loại bệnh mà chúng tôi có thể sẽ gặp một số lượng ca nhất định vào mùa Đông.
Tuy nhiên, chúng tôi biết cách bố trí nhân viên và vật tư y tế cho phù hợp, trái ngược với sự gia tăng khủng khiếp của các ca nhiễm Covid-19 chúng tôi đang đối phó ở đây”.
Dù sự chuyển đổi từ đại dịch sang dịch bệnh được kỳ vọng nhìn thấy trong năm 2022, vẫn còn nhiều mục tiêu cần được hoàn thành, nhất là đối với các địa phương nơi khả năng miễn dịch ở mức độ thấp.
Bên cạnh đó, bệnh cúm cũng là một loại bệnh khó có thể đoán trước.
Dù đã có vaccine tiêm phòng, hằng năm vẫn có một số lượng lớn các ca bệnh được ghi nhận.
Tuy nhiên, theo lời ông Monto, điều trị các dịch bệnh như cúm mùa sẽ dễ dàng hơn do các bác sĩ đã có kinh nghiệm từ trước.
Chính vì vậy, nếu sự chuyển dịch có xảy ra, đây vẫn là một tín hiệu đáng mừng, ít nhất là so với tình hình hiện tại, khi các chuyên gia phải đối mặt với sự phát triển của một mầm bệnh hoàn toàn mới là virus SARS-CoV-2.
| Người Đức muốn chính phủ ưu tiên chống đại dịch Covid-19 Theo kết quả trưng cầu ý kiến được công bố ngày 2/1, đa số người dân Đức muốn chính phủ mới tập trung chống đại ... |
| Đại dịch Covid-19: Hai năm nhìn lại Hai năm trôi qua, thế giới vẫn chưa thực sự kiểm soát hoàn toàn đại dịch Covid-19. Trong quãng thời gian đó, virus SARS-CoV-2 đã ... |