TS. Nguyễn Minh Phong. (Ảnh: NVCC) |
Ông đánh giá như thế nào về tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đến cộng đồng DN Việt Nam?
Trong bối cảnh hiện nay, khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát ở các khu công nghiệp trên cả nước, ngoài các ngành dịch vụ, du lịch, hàng không… bị ảnh hưởng nặng nề thì cũng có rất nhiều nhà máy, DN logistics và vận tải đang đối diện nguy cơ đứt gãy và bị gián đoạn hàng loạt các chuỗi cung ứng hàng hóa, làm tăng áp lực bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2021, so với cùng kỳ năm trước, cả nước có 29,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới, giảm 1,4%; có 14,7 nghìn DN quay trở lại hoạt động, giảm 0,5%; có 40,3 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 15,6%, trong khi chỉ có gần 14,7 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Riêng 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có 59.800 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trải qua hơn 1 năm đối phó với 4 làn sóng dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN. Ông nhận xét gì về các giải pháp này?
Có thể nói, thời gian qua, Chính phủ đã có những giải pháp đồng bộ, thiết thực để đồng hành với DN.
Cộng đồng DN trong nước và nước ngoài tại Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao nhiều quyết sách từ Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ DN kịp thời trong thời gian gần đây, tiêu biểu như: Cắt giảm 30% thuế thu nhập DN (TNDN) cho các DN chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 1/1/2021 tới năm 2025 (miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm); giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, tiền thuê đất và các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.
Đặc biệt, ngày 19/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, tổng giá trị gói lên đến 115 nghìn tỷ đồng.
Có thể nói, các gói giải pháp hỗ trợ đã phần nào giúp DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng sức chống chịu trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường, vượt qua khó khăn, biến nguy thành cơ và góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Đối với DN, nguồn vốn đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Là chuyên gia kinh tế, ông đánh giá như thế nào về các biện pháp hỗ trợ tín dụng cho cộng đồng DN của ngành ngân hàng?
Với vai trò và chức năng của mình, thời gian qua, ngành ngân hàng đã có những hoạt động tích cực, đa dạng và hiệu quả triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đồng hành cùng DN.
Về tín dụng, ngay từ đợt dịch đầu tiên bùng phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 01 ngày 13/3/2020 tạo cơ sở pháp lý và hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ tại thời điểm trước dịch, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục vay mới để thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Về lãi suất, NHNN đã 3 lần liên tục điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô lớn, tổng mức giảm khoảng 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn.
Các TCTD đã triển khai kịp thời các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các dư nợ hiện hữu, triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi (phổ biến giảm 0,5-2,5% so với trước dịch) để hỗ trợ khách hàng.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp những tháng gần đây, ngày 3/6 vừa qua, NHNN ban hành văn bản hỏa tốc về việc triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí cho vay mới.
Sau hơn một năm thực hiện Thông tư số 01, tổng số tiền các TCTD đã hỗ trợ đạt gần một triệu tỷ đồng với gần 400.000 khách hàng. Trong đó, cơ cấu lại 230.000 tỷ đồng nợ cho DN, giảm lãi suất cho DN đạt 7.300 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất thấp đạt 744.000 tỷ đồng.
Nhờ đó, các DN đã giảm được áp lực trả nợ vay ngân hàng, có vốn để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và giảm chi phí hoạt động, có cơ hội tăng trưởng và phát triển trong lúc gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, vận chuyển... do dịch Covid-19.
Các gói giải pháp hỗ trợ đã phần nào giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng sức chống chịu trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. (Nguồn: THILOGI) |
Các giải pháp đã có, tuy nhiên theo ông, hiệu quả của chúng đến đâu?
Trước mắt, việc cơ cấu nợ, giãn thời hạn về trả nợ giúp cả ngân hàng và DN dễ thở hơn. Thống kê từ Báo cáo tài chính của 26 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, tính đến hết quý I/2021, có 11/26 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm so với cuối năm 2020. Hiện có 6 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay dưới 1%.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra PCI 2020 do VCCI công bố cho thấy những cứ liệu đáng quan ngại, khi mà còn 1/4 trong tổng số gần 12.300 DN tư nhân và FDI phản hồi khảo sát cho rằng, địa phương ưu ái các DN nhà nước, gây khó khăn cho DN tư nhân; 1/3 DN cho rằng, chính quyền còn ưu ái cho DN FDI.
Theo VCCI, việc giảm phí, lệ phí có hiệu ứng tích cực, nhưng các quy định về thủ tục vẫn cứng nhắc, đặc biệt trong kiểm tra chuyên ngành.
Thực tế đòi hỏi cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức cho các DN.
Có nghĩa rằng các giải pháp chưa thực sự hiệu quả như mong đợi?
Có một sự thật rằng, so với quy mô tài chính, phương thức, giải pháp và đối tượng các gói hỗ trợ DN và người dân của chính phủ nhiều nước chống dịch Covid-19 năm 2020 và 2021, thì các gói hỗ trợ của Việt Nam còn khiêm tốn và chưa đa dạng bằng.
Bởi vậy, sẽ là không đủ nếu DN bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 không nhận được thêm những giải pháp thiết thực khác, như giảm lãi suất cho vay và linh hoạt hơn các điều kiện tiếp cận thực tế tín dụng ngân hàng.
Vậy trong bối cảnh đó, ông có gợi ý gì về giải pháp quan trọng nhất giúp các DN vượt khó hiện nay?
Trước mắt và cấp thiết nhất hiện nay là cần đẩy mạnh quá trình tiêm vaccine cho người lao động tại các DN; cho phép DN, tổ chức tư nhân được chủ động đàm phán mua vaccine ngừa Covid-19 với các đơn vị cung ứng trên toàn cầu, căn cứ trên danh mục vaccine Bộ Y tế chấp nhận, và tổ chức tiêm phòng Covid-19 cho nhân viên theo đúng hướng dẫn và các yêu cầu an toàn của Bộ Y tế.
Về việc này, ngày 31/5, Bộ Y tế đã có văn bản nêu rõ, Bộ sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 5 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine phòng Covid-19 với các vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt.
Với các vaccine đã được các quốc gia khác phê duyệt, nhưng chưa được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp thì Bộ Y tế sẽ xem xét, phê duyệt trong thời gian 10 ngày làm việc khi nhận được đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine phòng Covid-19.
Đối với các địa phương, đơn vị có khả năng nhập khẩu, tiếp cận nguồn cung vaccine phòng Covid-19 nêu trên, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện cấp phép nhập khẩu, kiểm định và chỉ đạo tổ chức công tác tiêm chủng đảm bảo tiến độ, an toàn, hiệu quả.
Tôi cho rằng, trước muôn vàn khó khăn do Covid-19 gây ra hiện nay, bên cạnh các gói hỗ trợ, tuân thủ nguyên tắc 5K thì vaccine sẽ là phao cứu sinh đối với tất cả chúng ta, trong đó DN nên là một trong những cộng đồng tiên phong thực hiện.
Xin cảm ơn ông!