📞

Covid-19 đã 'quét sạch' 1/3 số doanh nghiệp Nam Á

Khánh Linh 17:33 | 14/04/2021
Không chỉ khiến số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao, đại dịch Covid-19 còn khiến các doanh nghiệp ở Nam Á sụt giảm doanh số lên đến 64%.
Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp Nam Á bị thiệt hại nghiêm trọng. (Nguồn: Getty)

Theo báo cáo vừa được công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), 1/3 số doanh nghiệp ở Nam Á đã không thể duy trì hoạt động trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, các doanh nghiệp đã sụt giảm doanh số bán hàng lên đến 64%.

Số liệu được tổng hợp dựa theo cơ sở dữ liệu toàn cầu của hơn 100.000 doanh nghiệp do WB giới thu thập và phân tích.

Cũng theo báo cáo, các quốc gia ở Nam Á có tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động không đồng đều. Tại Nepal, chỉ còn 46% doanh nghiệp hoạt động, trong khi đó, tỷ lệ này ở Afghanistan và Sri Lanka lần lượt là 60% và 72%. Tác động được nhận thấy rõ rệt ở các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo ở Nam Á.

Khảo sát có tên "Business Pulse" (Chuyển động kinh doanh) của WB được thực hiện tại 30 quốc gia cũng chỉ ra rằng, gần 2/3 số doanh nghiệp Nam Á có khả năng rơi vào tình trạng nợ đọng với tỷ lệ cao hơn đáng kể so với các khu vực khác trên thế giới. Tình trạng nợ đọng trung bình đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ ở Nam Á là gần 70%, đối với các doanh nghiệp lớn là 52%.

Phân tích theo lĩnh vực, các công ty sản xuất dự kiến ​​sẽ giảm 25% doanh số bán hàng, trái ngược với 16% đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và 14% trong lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng không có sự khác biệt trong quản lý nợ đọng giữa các doanh nghiệp do nữ và nam lãnh đạo ở Nam Á.

Báo cáo của WB cũng chỉ ra, hơn 1/2 số công ty ở khu vực Nam Á đã giảm giờ làm, tiền lương, hoặc cho người lao động nghỉ (có lương hoặc không lương) để vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch.

Các công ty Nam Á cũng đang tụt hậu so với phần còn lại của thế giới trong việc ứng dụng chuyển đổi số khi chỉ có 1/4 số công ty trong khu vực mở rộng việc ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Trong khi các doanh nghiệp thế giới có xu hướng thay đổi để đáp ứng các nhu cầu đang thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh đại dịch thì các công ty Nam Á đã tụt hậu trong việc cơ cấu lại tổ hợp sản phẩm của họ, theo kết quả khảo sát.

Báo cáo kêu gọi các chính phủ Nam Á thúc đẩy mối liên kết giữa các công ty nhỏ và các công ty lớn có chiến lược phát triển tốt hơn. Điều này sẽ giúp khắc phục các lỗ hổng thông tin và cho phép các mạng lưới kinh doanh phát triển.

Tiếp cận tín dụng, hoãn thanh toán và giảm thuế là những lựa chọn chính sách ưu tiên nhất của các công ty ở Nam Á và đây cũng là những khuyến nghị được nhiều công ty trong khu vực này đề xuất.

(theo World Bank)