📞

Covid-19: Dịch bùng rộng ở Trung Quốc; siêu vaccine mới hiệu quả khủng; Indonesia tiêm chủng cho trẻ 6-11 tuổi

Bảo Hà 16:08 | 03/11/2021
Theo hãng tin Bloomberg, nhiều tỉnh tại Trung Quốc đang tăng cường chống dịch Covid-19 trong bối cảnh nước này ghi nhận đợt bùng phát mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở thành phố Vũ Hán hồi năm 2019.
Dịch Covid-19 đang lan rộng tại nhiều thành phố ở Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang hoành hành tại nhiều địa phương, bất chấp các biện pháp chặt chẽ mà giới chức sở tại đã ban hành nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Đến nay, số ca mắc Covid-19 đã được ghi nhận tại 19 trong số 31 tỉnh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chỉ riêng trong ngày 3/11, Trung Quốc thông báo có 93 ca mắc mới trong cộng đồng và 11 ca bệnh không triệu chứng.

Ba tỉnh mới nhất ghi nhận các ca mắc Covid-19 là Trùng Khánh, Hà Nam và Giang Tô, thuộc khu vực duyên hải miền Đông Trung Quốc. Địa phương ghi nhận nhiều ca mới nhất là Hắc Long Giang (35 ca). Tiếp đến là Hà Bắc (14 ca), Cam Túc (14 ca), Bắc Kinh (9 ca), khu tự trị Nội Mông (6 ca)....

Giới chức Trung Quốc hiện vẫn kiên định theo đuổi chính sách "Zero Covid", bất chấp các đợt bùng phát đang tăng với tốc độ nhanh hơn, lan rộng hơn và vượt qua nhiều biện pháp do Bắc Kinh áp dụng để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian qua.

Tại Indonesia, Lực lượng đặc nhiệm Covid-19 của Indonesia cho biết, chương trình tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 6-11 tuổi ở nước này sẽ bắt đầu từ các khu vực đã đạt được mục tiêu tiêm chủng trước đó của chính phủ.

Chương trình tiêm chủng cho trẻ em là bắt buộc, nhằm thúc đẩy mở cửa hoàn toàn các trường học ở các cấp giáo dục. Trước đó, Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) đã chính thức cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất, cho đối tượng trẻ em từ 6-11 tuổi.

Trong diễn biến khác, Indonesia hôm 1/11 lần đầu tiên phê duyệt loại vaccine mới mang tên Covovax của công ty dược phẩm Novavax (Mỹ), mở đường cho việc sử dụng vaccine này ở các quốc gia khác trên thế giới.

Trưởng khoa Dược của Đại học Namur, đồng thời là thành viên của Lực lượng đặc trách tiêm chủng tại Bỉ, nhà virus học Jean-Michel Dogné, cho biết, vaccine Covovax khác với các loại hiện được cấp phép sử dụng ở châu Âu, đặc biệt là những vaccine ngừa Covid-19 theo công nghệ mRNA.

Vaccine Covovax dựa vào cơ chế tái tổ hợp protein thành các hạt nano để kích hoạt hệ miễn dịch và không chứa virus. Đây là lần đầu tiên có vaccine ngừa Covid-19 sử dụng cơ chế này. Các tá dược dùng để điều chế vaccine Novavax chưa từng được sử dụng trong các loại vaccine khác.

Trong khi đó, vaccine theo công nghệ mRNA của các hãng Pfizer và Moderna cung cấp các thông tin di truyền cho phép cơ thể sản xuất protein gai, loại protein này sẽ nhân lên và kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Nhà virus học Dogné nhấn mạnh thêm, không giống như vaccine mRNA dựa trên công nghệ tương đối mới, vaccine của Novavax sử dụng một quy trình đã chứng minh được giá trị, tương tự như vaccine chống viêm gan B ở người.

Vaccine Covovax cho thấy hiệu quả tổng thể tới 90% trong nhiều nghiên cứu đối với khoảng 30.000 người tại Mexico và Mỹ. Tỷ lệ này cũng tương đương với hiệu quả thu được từ vaccine mRNA, đặc biệt là ở các thể nặng và hiệu quả trong các nghiên cứu lâm sàng với vaccine Janssen của Hà Lan/Bỉ và vaccine của hãng AstraZeneca.

Ông Dogné cho biết thêm, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đang xem xét đơn xin cấp phép vaccine Covovax tại Liên minh châu Âu (EU) và sẽ đưa ra ý kiến trong những tháng tới, rất có thể vào cuối năm nay.

Với Covavax, EU và Bỉ sẽ có thể cung cấp danh mục vaccine đa dạng hoạt động với các công nghệ khác nhau, đủ để thuyết phục những người phản đối tiêm vaccine hiện nay.

Ngoài EU, nhà sản xuất Novavax cũng đã đệ đơn tới Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Canada, Anh và Australia để xin cấp phép phân phối vaccine Covovax. Hãng cũng dự kiến sẽ nộp đơn xin cấp phép tại Mỹ vào cuối năm nay.

(theo Bloomberg, News in 24)