Nhân viên y tế thăm khám bệnh nhân Covid-19 tại một trung tâm y tế ở New Jersey, Mỹ, ngày 16/12. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 19/12, trang tin NBC News đăng bài viết nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã khiến Mỹ, quốc gia giàu có và quyền lực nhất thế giới, bộc lộ nhiều vấn đề.
Theo bài viết, nước Mỹ tê liệt trước cuộc khủng hoảng dịch tễ lớn nhất trong lịch sử. Tác giả bài viết viện dẫn "dữ liệu mới nhất thật đáng sợ. Trong hai ngày đầu tháng 12 có 5.157 trường hợp tử vong mới do Covid-19 được ghi nhận ở Mỹ, nhiều hơn so với toàn bộ tháng 3".
Sự bùng phát Covid-19 đã bộc lộ hàng loạt vấn đề như bệnh viện thiếu tài chính, cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn và các vùng nghèo tàn tạ, hỗ trợ kinh tế cần thiết bị cản trở, nhiều người Mỹ thậm chí không có bảo hiểm y tế, xã hội bị chia cắt bởi cuộc chiến văn hóa và "xung đột sắc tộc".
Viện đánh giá và chỉ số sức khỏe, một trung tâm độc lập về nghiên cứu toàn cầu tại Đại học Washington, dự đoán rằng đến ngày 1/3/2021, số người tử vong do Covid-19 ở Mỹ sẽ vượt 460.000 người.
Giới chuyên gia không loại trừ khả năng rét lạnh và độ ẩm không khí thấp sẽ dẫn đến 250-300.000 ca mắc mới mỗi ngày ở Mỹ.
* Cùng ngày, hãng thông tấn nhà nước Bernama của Malaysia cho biết, nước này hy vọng sẽ nhận được lô đầu tiên vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech vào tháng 2/2021.
Tháng trước, Malaysia thông báo quyết định mua 12,8 triệu liều vaccine, trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ký hợp đồng mua vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech.
Theo thỏa thuận, Pfizer sẽ chuyển cho Malaysia 1 triệu liều đầu tiên trong quý I/2021. Trong 3 quý còn lại, Malaysia sẽ nhận lần lượt 1,7 triệu liều, 5,8 triệu liều và 4,3 triệu liều vaccine.
Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mohamed Azmin Ali cho biết chính phủ đang làm việc với các công ty dược phẩm khác để đảm bảo nguồn cung vaccine.
Ông Mohamed Azmin nhấn mạnh: "Chính phủ đang nỗ lực để tiếp cận nguồn cung vaccine lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Chính phủ sẽ tham vấn Bộ Y tế về số người cần tiêm vaccine".
Pfizer và BioNTech dự kiến sản xuất 50 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong năm 2020 và 1,3 tỷ liều trong năm 2021, cung cấp vaccine cho nhiều nước, trong đó có Mỹ, Đức, Nhật, Canada, Australia và Anh.
Hiện có hơn 150 loại vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng đang được phát triển và thử nghiệm trên toàn thế giới.
Liên quan vaccine ngừa Covid-19, Văn phòng Bộ trưởng phụ trách mua sắm và dịch vụ công của Canada ngày 19/12 cho biết sẽ chưa chia sẻ mức giá mà chính phủ trả cho mỗi liều sau khi bảng giá vaccine của Liên minh châu Âu (EU) đã vô tình bị rò rỉ.
Văn phòng trên khẳng định chính phủ liên bang Canada sẽ "thận trọng" trong việc tiết lộ thông tin liên quan đến hợp đồng mua vaccine do thị trường vaccine phòng Covid-19 vẫn trong tình trạng "cạnh tranh cao".
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các nhà sản xuất vaccine phàn nàn về điều khoản bảo mật trong hợp đồng bị vi phạm, sau khi Bộ trưởng phụ trách ngân sách của Bỉ Eva De Bleeker đã đăng trên Twitter bảng giá vaccine mà Brussels đã mua.
Theo đó, Chính phủ Bỉ đã trả 12 Euro (14,7 USD)/liều trong hợp đồng mua 5 triệu liều vaccince của Pfizer/BioNTech. Mức giá dao động từ 1,78 euro/liều vaccine của AstraZeneca đến 18 USD/liều vaccine của Moderna. Thông tin này sau đó đã được xóa.
Người phát ngôn của Pfizer nói với tờ Le Soir (Bỉ) rằng hành động của Bộ trưởng De Bleeker đã vi phạm nguyên tắc bảo mật của hợp đồng.
Chính phủ Canada cho đến thời điểm hiện nay đã chi hơn 1 tỷ CAD để đảm bảo nguồn cung khoảng 429 triệu liều vaccine với 7 nhà sản xuất. Vụ rò rỉ thông tin trên xảy ra sau khi Canada nhận lô hàng đầu tiên gồm 30.000 liều vaccine của Pfizer/BioNTech vào đầu tuần này.
Ngày 18/12, Thủ tướng Justin Trudeau cũng xác nhận rằng Canada sẽ nhận được 500.000 liều vaccine của Pfizer vào cuối tháng 1/2021.
Các lô vaccine đầu tiên của Moderna dự kiến sẽ đến Canada vào cuối tháng 12 này, mặc dù còn phụ thuộc vào quyết định của Bộ Y tế có phê duyệt loại vaccine này hay không.