📞

Covid-19 không thể ngăn sức sáng tạo của người Việt khắp nơi trên thế giới

MINH SƠN 16:25 | 07/02/2021
TGVN. Năm 2020 thực sự là một năm khó khăn với người Việt Nam ở nước ngoài khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Thế nhưng, dịch bệnh đã không thể ngăn cản sức sáng tạo, phát triển tài năng cũng như tầm ảnh hưởng người Việt khắp nơi trên thế giới...

Startup với robot chăm sóc bệnh nhân

Tiến sĩ Vũ Duy Thức và robot chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

Khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, Tiến sĩ Vũ Duy Thức, đồng sáng lập và CEO của OhmniLabs cho biết, công ty của anh đã làm việc hết sức để chung tay với cộng đồng vượt qua dịch bệnh.

Là startup chế tạo robot có trụ sở chính tại Thung lũng Silicon (Mỹ), công ty của anh Thức đã sản xuất những tấm che mặt bằng công nghệ in 3D gửi tặng cho các bệnh viện trước tình trạng thiếu hụt nhựa PPE. Công ty cũng đưa robot đến nhiều bệnh viện trên thế giới nhằm vừa chăm sóc người bệnh nằm tại viện, vừa giúp bác sĩ và người thân có thể thăm khám bệnh nhân từ xa.

Không chỉ vậy, OhmniLabs cũng ủng hộ nhu yếu phẩm, sản phẩm y tế và tạo ra nền tảng công nghệ sáng tạo giúp kết nối dịch vụ chăm sóc sức khỏe với người bệnh và thân nhân có yêu cầu để giúp họ vượt qua những nỗi đau về thể chất lẫn tinh thần.

Là chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Tiến sĩ Vũ Duy Thức từng đặt nền móng cho nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ có tiếng, trong số đó có Katango và Tappy lần lượt được Google và Weeby.co mua lại. Anh tốt nghiệp loại ưu Đại học Carnegie Mellon và hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh chuyên ngành trí tuệ nhân tạo tại Đại học danh giá Stanford ở tuổi 28. Năm 2017, anh được Silicon Valley Business Journal, một tạp chí kinh doanh có uy tín tại Mỹ, vinh danh là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi có ảnh hưởng lớn nhất tại Thung lũng Silicon.

Những năm gần đây, Vũ Duy Thức có nhiều hoạt động với cộng đồng khởi nghiệp và tích cực đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái trong nước. Anh là đồng sáng lập VietSeeds - tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm mục đích thay đổi cuộc sống của các sinh viên đại học kém may mắn tại quê hương thông qua hỗ trợ tài chính, cố vấn cá nhân và các hoạt động đào tạo kỹ năng sống đa dạng. Ngoài ra, VietAI - tổ chức phi chính phủ do anh đồng sáng lập đang xây dựng một mạng lưới nhân tài trong lĩnh vực AI tại Việt Nam thông qua giáo dục và mạng lưới kết nối.

Kỹ sư được CH Czech vinh danh

Ông Trịnh Tân (bên trái).

Năm 2020, nhân dịp Quốc khánh lần thứ 102 của CH Czech, Tổng thống Milos Zeman đã trao tặng Huân chương hạng nhất vì sự nghiệp phục vụ quốc gia cho một người Việt. Đó là ông Trịnh Tân, tốt nghiệp kỹ sư Đại học kỹ thuật mỏ Ostrava, hiện là Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại CH Czech kiêm Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Bắc Morava và Ostrava, đồng thời là Ủy viên Hội đồng Dân tộc thiểu số tại tỉnh Bắc Morava và Ostrava.

Ông Trịnh Tân được ghi nhận vì đã có quá trình đóng góp tích cực trong việc tăng cường mối quan hệ giữa hai dân tộc Czech - Việt tại tỉnh Bắc Morava, cũng như mối quan hệ giữa hai nước. Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, ông đã có vai trò quan trọng trong việc phối hợp cùng cộng đồng người Việt Nam trao tặng hàng chục nghìn khẩu trang, găng tay bảo hộ cũng như hỗ trợ tài chính cho các bệnh viện, nhà dưỡng lão, các cơ sở phục vụ xã hội ở CH Czech.

Với ông Tân, đây là niềm hạnh phúc, vinh dự không chỉ riêng cá nhân mà của toàn thể cộng đồng người Việt. Ông cho biết, trong nhiều năm qua, bà con người Việt tại tỉnh Bắc Morava và Ostrava nói riêng và CH Czech nói chung đã có nhiều đóng góp thiết thực đối với xã hội sở tại. Đặc biệt, ngay giai đoạn đầu đại dịch Covid-19, cộng đồng người Việt đã chung tay góp sức cùng chính quyền và người dân CH Czech trong cuộc chiến chống dịch thông qua các hoạt động tổ chức may khẩu trang, quyên góp tài chính hỗ trợ các bệnh viện, nhà dưỡng lão và nhân dân sở tại.

Huyền Chip - cô gái “Trí tuệ nhân tạo”

Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chip).

Vào những ngày cuối năm 2020, Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chip) nhận được tin vui khi được bình chọn vị trí thứ năm trong danh sách Top Voices về lĩnh vực Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (Data Science & AI) do LinkedIn bầu chọn. Đây là danh sách những nhân vật có ảnh hưởng, tiếng nói hàng đầu trong nhiều lĩnh vực do LinkedIn phân tích và công bố hàng năm.

Tốt nghiệp Đại học Stanford (Mỹ) với bằng đại học và thạc sĩ ngành Trí tuệ nhân tạo, từng làm việc tại các công ty công nghệ nổi tiếng như Netflix và NVIDIA, Huyền Chip đã gia nhập công ty khởi nghiệp AI Snorke và hiện là kỹ sư Machine Learning (học máy). Cô đã tham gia mạng xã hội LinkedIn hai năm và cảm thấy vinh dự khi hai lần liên tiếp lọt danh sách Top Voices toàn cầu. Năm 2019, cô đứng đầu trong danh sách Top Voices về mảng phát triển phần mềm.

Được biết đến từ cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”, cùng với những thành công trong công việc chuyên môn, trong năm qua cô gái này cũng đồng hành với #Coroconference - sự kiện truyền cảm hứng mùa Covid-19 của ví Momo để ủng hộ quỹ phòng chống Covid-19, cũng như thường xuyên chia sẻ, giải đáp thắc mắc của các bạn trẻ về chuyện học hành và du học trên mạng xã hội.

Người Việt đầu tiên ứng cử vào Quốc hội Hàn Quốc

Bà Nguyễn Ngọc Cẩm

Đó là một trải nghiệm khó quên trong năm 2020 của bà Nguyễn Ngọc Cẩm - người gốc Việt đầu tiên được Ủy ban tuyển chọn nhân tài của đảng Dân chủ đồng hành cầm quyền tại Hàn Quốc lựa chọn là ứng cử viên số 16 trong tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa 21.

Sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, gặp gỡ và kết hôn một kỹ sư người Hàn Quốc, bà Cẩm theo chồng về quê sinh sống từ năm 1998. Năm 2004, bà Cẩm tham gia điều hành một diễn đàn gia đình đa văn hóa Hàn - Việt trên mạng Internet. Bà tư vấn và làm phiên dịch giúp đỡ nhiều cô dâu Việt giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sinh sống tại Hàn Quốc do sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa.

Để thực hiện mong muốn của mình, bà Nguyễn Ngọc Cẩm nỗ lực học hỏi và tìm hiểu ngôn ngữ của đất nước mình đang sinh sống, đồng thời theo học và tốt nghiệp khóa Thạc sĩ Luật, Đại học Konkuk. Sau khi tích lũy được kiến thức cần thiết, bà chính thức trở thành nhà hoạt động vì quyền lợi của người nhập cư tại Hàn Quốc. Cùng với đó, bà cũng nỗ lực trong nhiều lĩnh vực để góp phần tạo nên một xã hội đa văn hóa, tôn trọng lẫn nhau, cải thiện nhận thức xã hội đối với người nhập cư, đóng góp tích cực vào việc xây đắp tình hữu nghị Việt - Hàn.

Được bầu làm Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, bà Cẩm hiện là Ủy viên Ủy ban Xúc tiến Dự án Kỷ niệm 100 năm thành lập Chính phủ lâm thời Hàn Quốc, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ người nước ngoài và Giám đốc điều hành Trung tâm Lao động nước ngoài Seoul.

Với những đóng góp cho cộng đồng người nhập cư tại Hàn Quốc và cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc nói riêng, bà từng nhận được Bằng khen của Tổng thống Hàn Quốc nhân kỷ niệm Ngày Thế giới cùng nhiều giấy khen, bằng khen và kỷ niệm chương của các cấp ban, ngành của Việt Nam.