Trang web của Đại sứ quán Việt Nam là một kênh thông tin kịp thời đến bà con ở Ấn Độ về dịch Covid-19. (Ảnh chụp màn hình) |
Trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 ở Ấn Độ gây sự chú ý đặc biệt với truyền thông quốc tế trong thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ luôn phải cẩn trọng đảm bảo thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời, cân nhắc thông điệp rõ ràng, nhất quán và phù hợp đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Theo Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ Đỗ Thanh Hải, qua các kênh khác nhau, đặc biệt là báo chí chính thống, Đại sứ quán đã thông tin kịp thời đến đồng bào trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở Ấn Độ mức độ khẩn cấp và nguy hiểm từ làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Ấn Độ, trong đó quan trọng nhất là sự xuất hiện của biến chủng mới B.1.617.
Những câu chuyện thật, hoàn cảnh thật và cảm nhận thật đã góp phần thức tỉnh, lay động trái tim nhiều người, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, việc đưa thông tin chính xác, kịp thời cũng giúp trấn an dư luận trong nước về tình hình của cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ.
Đại sứ quán cũng liên tục cập nhật trên wesbite và các trang thông tin liên quan về hoạt động của Đại sứ quán, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, để đồng bào xa quê hương kịp thời nắm các diễn biến mới, có đủ các hiểu biết để phòng chống dịch, đồng thời hỗ trợ, kết nối cộng đồng.
Trong hoàn cảnh đầy nguy hiểm và rủi ro, người Việt Nam ở Ấn Độ không chỉ đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn, mà còn chủ động phát huy tinh thần tương thân, tương ái để san sẻ, giúp đỡ những người dân địa phương gặp khó khăn.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình chống dịch nhưng Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ luôn có được chỗ dựa tinh thần vững chắc, sự hướng dẫn và chỉ đạo kịp thời từ Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan trong nước.
Tham tán Đỗ Thanh Hải nêu rõ: “Rất may trước khi làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng nổ, với sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan, Đại sứ quán đã tổ chức được 6 chuyến bay, đưa được phần lớn đồng bào Việt Nam ở các nước Nam Á về nước, giảm bớt sức ép từ tâm dịch.
Trong quá trình triển khai công tác, chúng tôi cũng luôn cảm nhận thấy sự cảm thông, chia sẻ và ủng hộ từ đồng bào, nhân dân cả ở trong và ngoài nước”.
Tuy nhiên, song hành với đó là thách thức của công tác truyền thông trong khủng hoảng.
Với những người ở tuyến đầu, trực tiếp đối phó với “cơn sóng thần dịch bệnh”, Tham tán Đỗ Thanh Hải cho rằng, cái khó luôn là phải bình tĩnh, thận trọng để cung cấp thông tin chân thực, đầy đủ và khách quan, không tạo ra tâm lý chủ quan, nhưng cũng hết sức tránh để tạo ra hoảng sợ quá mức.
“Trong thời điểm này, khối lượng thông tin về các chủ đề liên quan đến Ấn Độ và dịch bệnh được tạo ra là rất lớn. Có nhiều bài phân tích tỉ mỉ, khách quan, có trách nhiệm, nhưng cũng có rất nhiều thông tin phiến diện, một chiều, phản ánh không đầy đủ tình hình của sở tại.
Đại sứ quán cũng nhận thấy rất nhiều bài viết mang tính chất ‘câu view’, ‘giật tít’, cóp nhặt hay dịch lại tin tức từ báo chí quốc tế, đôi khi thiếu chân thực, thiên kiến, không nói rõ được bối cảnh chính trị, văn hóa và truyến thống của nước bạn”, Tham tán Đỗ Thanh Hải chia sẻ.
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã gửi lời chúc mừng đến toàn thể phóng viên, biên tập viên Báo Thế giới & Việt Nam: "Tôi rất vui khi thấy thay đổi nhanh và tích cực như thế. Nhờ Báo mà nhóm độc giả quan tâm đến các vấn đề quốc tế ngày càng đông và hình thành được một diễn đàn chuyên thảo luận các vấn đề quốc tế. Xin chúc Báo ngày càng xứng đáng là cơ quan truyền thông của Bộ Ngoại giao!". |