Chốt liên ngành phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương đã đi vào hoạt động. (Nguồn: Lao động) |
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, từ khi triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 đợt 2 (ngày 14/4), đến ngày 9/5, toàn tỉnh Hải Dương đã có 44.498 người được tiêm, đạt 54,9%. Trong đó có 10.626 trường hợp phản ứng sau tiêm, chiếm 23,9% (chủ yếu là đau sưng tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, đau cơ, đau khớp).
13.223 trường hợp phải hoãn tiêm (chủ yếu do chưa bảo đảm sức khỏe để tiêm); 4.196 người chống chỉ định. Hiện đã có 7 trong tổng số 12 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành kế hoạch tiêm. Số vaccine còn lại sẽ tiêm xong trước ngày 15/5 như chỉ đạo của Bộ Y tế.
Nếu đợt 1, Hải Dương chỉ tiêm cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch thì đợt 2 mở rộng tất cả các đối tượng còn lại trong Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Ngoài ra, Hải Dương còn mở rộng tiêm cho các đối tượng là người đã, đang sống trong các khu vực phong toả, cách ly y tế trong đợt đầu năm 2021; các huấn luyện viên, vận động viên từ 18 tuổi trở lên trong các đội tuyển dự thi đấu các giải quốc gia, quốc tế các môn thể dục, thể thao; người cung cấp dịch vụ du lịch, bưu chính viễn thông, dịch vụ ngân hàng, kho bạc; các tiểu thương buôn bán ở các khu chợ, người làm việc trên các bến xe, tuyến xe, nhân viên giao hàng tiếp xúc với nhiều người…
Cũng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngày 9/5, UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định thành lập Chốt liên ngành cấp tỉnh gồm các thành phần sau tham gia: công an, quân sự, y tế, giao thông vận tải và các tổ chức đoàn thể để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Thời gian thực hiện kể từ 17h ngày 9/5. Riêng 4 chốt liên ngành kiểm soát người, phương tiện ra, vào địa bàn huyện Cẩm Giàng thực hiện từ 14h ngày 9/5.
Chốt liên ngành cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra, vào địa bàn tỉnh; yêu cầu người, phương tiện vào địa bàn tỉnh phải khai báo y tế, phun khử khuẩn theo quy định; kiên quyết không để người và phương tiện đến từ các tâm dịch ở địa phương khác vào địa bàn tỉnh.
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hải Dương giao Giám đốc Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các ngành: Quân sự, Giao thông vận tải, Y tế, các tổ chức đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí lực lượng tại các chốt đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra, vào địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh cử cán bộ làm chốt trưởng để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất về Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh xem xét, quyết định.
Lực lượng y tế bố trí đảm bảo mỗi chốt có 4 máy đo thân nhiệt, 2 bình khử khẩn trở lên; đủ cơ số khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, dung dịch phun khử khuẩn, găng tay y tế, quần áo bảo hộ phòng, chống dịch... Lực lượng công an bố trí nhà bạt, bàn ghế và các trang thiết bị liên quan tại các chốt; các lực lượng khác chủ động bố trí trang, thiết bị phòng, chống dịch khi đến làm nhiệm vụ.
Khi hết ca thực hiện nhiệm vụ, các thành viên các chốt phải ăn, nghỉ, sinh hoạt tập trung tại khu cách ly để phòng, chống lây nhiễm theo quy định.
UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí nơi cách ly tập trung và đảm bảo điều kiện sinh hoạt, ăn, nghỉ cho thành viên các chốt liên ngành cấp tỉnh trên địa bàn.
Cùng ngày 9/5, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã ra thông báo về việc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ 0 giờ ngày 10/5, tỉnh Hải Dương sẽ tạm dừng hoạt động đối với xe ô tô du lịch. Đối với xe ô tô, phương tiện kinh doanh vận tải khách gồm xe buýt, xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe taxi; các bến phà và bến khách ngang sông chỉ được chở tối đa 50% số chỗ nhưng không được quá 20 người/xe/chuyến.
Đối với xe từ 5 chỗ ngồi chở xuống chỉ được phép chở tối đa không quá 3 người (gồm cả lái xe). Xe từ 5 chỗ đến 9 chỗ ngồi chỉ được phép chở tối đã không quá 4 người (gồm cả lái xe)... Trên các phương tiện vận tải phải có bản hướng dẫn phòng, chống dịch Covid -19 dán tại nơi lên xuống (trừ xe taxi). Đối với xe vận tải hàng hóa thì chỉ có lái xe trên cabin.
Đối với xe ô tô của các tổ chức, cá nhân (trừ xe ưu tiên và xe của lực lượng chức năng đi làm nhiệm vụ phòng, chống dịch) thì chỉ được phép chở tối đa 50% số chỗ nhưng cũng không được chở quá 20 người/xe; xe từ 9 chỗ ngồi đến 5 chỗ ngồi chỉ được chở tối đa không quá 4 người (gồm cả lái xe) và xe dưới 5 chỗ ngồi chỉ được chở tối đa không quá 3 người (gồm cả lái xe).
Các hành khách, lái xe khi ngồi trên phương tiên lưu thông phải thực hiện nghiêm “thông điệp 5K” của Bộ Y tế và mở kính chắn gió khi lưu thông. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng giao Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch trên gắn với điều kiện kinh doanh vận tải, an toàn giao thông.