Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Cần Thơ. (Nguồn: Dân trí) |
Gần 50 triệu liều vaccine đã được tiêm
Thông tin trên cổng tiêm chủng vaccine Covid-19 cho biết đến ngày 7/10, Việt Nam đã tiêm chủng được 49,967,935 liều vaccine Covid-19.
Theo Bộ Y tế, đến ngày 5/10, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên của khu vực miền Bắc là 45,8%; miền Trung là 42,6%; Tây Nguyên là 15,4% và miền Nam là 59,2%.
Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP. HCM, Long An, Bình Dương là 6 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 mũi vaccine cho trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 826.837 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.399 ca nhiễm). Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.223 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. |
Có 3 địa phương có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 mũi vaccine cho từ 80-90% dân số từ 18 tuổi trở lên là Lạng Sơn, Đà Nẵng, Đồng Nai.
Hà Nam, Bắc Ninh, Yên Bái, Phú Yên là 4 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 mũi vaccine cho từ 50-70% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine Covid-19, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương cho biết dự kiến thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp nhận số lượng vaccine nhiều hơn trước, do đó để chủ động sẵn sàng cho việc tiếp nhận, bảo quản và triển khai tiêm vaccine nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, tránh lãng phí theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện, chuẩn bị sẵn sàng hệ thống trang thiết bị, dây chuyền lạnh tại các tuyến để đảm bảo việc tiếp nhận, bảo quản các loại vaccine Covid-19.
Các bệnh viện sẵn sàng thích ứng
Thông tin tại Hội nghị tập huấn trực tuyến triển khai Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 phiên bản lần thứ 7 cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc qua 700 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố/quận/huyện/thị xã, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, ngày 6/10, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4689/QĐ-BYT về việc "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19".
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trong thời gian qua, cả hệ thống khám chữa bệnh đã nỗ lực không ngừng, nhiều thầy thuốc đã xa gia đình, người thân để vào tâm dịch phục vụ công tác điều trị người bệnh Covid-19 hàng tháng trời.
Đã có khoảng 20.000 lượt thầy thuốc trên cả nước vào hỗ trợ TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và nhiều tỉnh, thành khác của phía Nam để phục vụ chống dịch.
Tuy nhiên, PGS. TS Lương Ngọc Khuê cũng bày tỏ "không thể nào chúng ta theo đuổi chính sách Zero Covid-19", đặc biệt trong điều kiện của biến chủng Delta hiện nay. Do đó, chúng ta xác định phải sống chung với dịch an toàn và linh hoạt với Covid-19.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: "Các bệnh viện phải luôn trong tâm thế tách đôi để sẵn sàng đối phó, thích ứng với biến chủng Delta, một bên tập trung khám chữa bệnh thông thường, một bên là chống dịch Covid-19. Các bệnh viện phải luôn trong tâm thế chủ động chống dịch, tránh để bị động, chuẩn bị sẵn về oxy y tế để tránh đứt gãy công tác khám chữa bệnh”.
Giảm số lần xét nghiệm
Một trong những nội dung được điều chỉnh thay đổi trong "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 "là điều kiện xuất viện với bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn như sau:
Trường hợp không có triệu chứng lâm sàng trong suốt thời gian điều trị được ra viện khi: Đã cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tối thiểu 10 ngày; có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với Covid-19 hoặc nồng độ virus thấp vào ngày thứ 9.
Trường hợp có triệu chứng lâm sàng, được ra viện khi: Đã cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tối thiểu 14 ngày; các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với Covid-19 hoặc nồng độ vi rút thấp vào trước ngày ra viện.
Trường hợp cách ly điều trị trên 10 ngày và có kết quả xét nghiệm RT-PCR nhiều lần có nồng độ vi rút Ct < 30 được ra viện khi: Đã cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 đủ 21 ngày tính từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2; các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên.
Trước đây, theo Hướng dẫn tại Quyết định 3416, người bệnh Covid-19 phải lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR tối thiểu 2 lần liên tiếp.
Như vậy, Hướng dẫn mới đã điều chỉnh giảm số lần xét nghiệm Covid-19 khi xác định điều kiện xuất viện với bệnh nhân Covid-19.
Cảnh báo lộ mã QR thẻ xanh Covid
Trong những ngày gần đây, nhiều người dân chia sẻ ảnh Thẻ thông tin Covid từ ứng dụng PC-Covid lên mạng xã hội mà không che mờ mã QR hoặc in mã QR chứng nhận tiêm chủng lên giấy, thẻ nhựa để tiện trình thông tin cho cơ quan chức năng.
Việc người dân chia sẻ ảnh Thẻ thông tin Covid từ ứng dụng PC-Covid lên mạng xã hội được cảnh báo dễ bị kẻ xấu lợi dụng khai thác thông tin cá nhân vì mục đích xấu. (Nguồn: SK&ĐS) |
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu - chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia cho biết, việc làm này sẽ rất ảnh hưởng đến người sử dụng vì chỉ cần quét mã QR là sẽ hiện tất cả thông tin danh tính bao gồm họ tên, ngày sinh, số CMND, tình trạng tiêm chủng… mà không cần bất kỳ thủ tục gì.
Khi bị lộ mã QR, một người nào đó có thể sử dụng hình ảnh mã QR lấy được để khai báo ở các địa điểm, việc này ảnh hưởng đến công tác chống dịch và có thể làm hại đến bản thân người bị lấy thông tin.
Ngoài ra, kẻ xấu sẽ thu thập danh sách thông tin rồi mang lên các diễn đàn của hacker để trao đổi, mua bán hoặc trực tiếp sử dụng thông tin đó vào các mục đích như lừa đảo trên MXH hoặc bôi nhọ danh dự, lừa tiền. Kẻ xấu có thể dùng để lập hồ sơ giả và vay tiền ở các tổ chức tín dụng.