📞

Covid-19 ở Việt Nam tối 8/9: Thêm 12.680 ca mắc mới, 335 ca tử vong; Thủ tướng yêu cầu Hà Nội điều chỉnh bất cập về giấy đi đường

Chu Văn 19:04 | 08/09/2021
Bản tin dịch Covid-19 tối 8/9 của Bộ Y tế cho biết, ghi nhận thêm 12.680 ca mắc mới Covid-19. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước trong 7 ngày qua là 12.862, số người tử vong là 310. Thủ tướng yêu cầu Hà Nội điều chỉnh bất cập về giấy đi đường; TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị hàng hóa, cấp thuốc cho F0 điều trị tại nhà.
Covid-19, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội điều chỉnh bất cập trong việc cấp giấy đi đường, không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.

Thông tin các ca mắc mới Covid-19

- Tính từ 17h ngày 7/9 đến 17h ngày 8/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.680 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 12.663 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (7.308), Bình Dương (3.172), Đồng Nai (814), Long An (372), Tiền Giang (171),

Cần Thơ (83), Đồng Tháp (62), Bình Phước (61), Quảng Bình (53), Tây Ninh (52), Khánh Hòa (48), An Giang (46), Kiên Giang (43), Nghệ An (42), Bà Rịa - Vũng Tàu (42), Hà Nội (40), Đà Nẵng (30), Đắk Nông (28), Bình Định (27), Bình Thuận (26), Đắk Lắk (24), Phú Yên (19), Quảng Ngãi (19), Bạc Liêu (18), Sóc Trăng (13), Trà Vinh (11), Thừa Thiên Huế (9), Bến Tre (6), Bắc Ninh (5), Cà Mau (5), Gia Lai (3), Quảng Nam (2), Ninh Thuận (2), Sơn La (2), Thái Bình (1), Hưng Yên (1), Hà Tĩnh (1), Lạng Sơn (1), Hậu Giang (1), trong đó có 7.851 ca trong cộng đồng.

- Như vậy, trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.530 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh giảm 2 ca, Bình Dương giảm 794 ca, Đồng Nai giảm 131 ca, Long An giảm 118 ca, Tiền Giang giảm 12 ca.

- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 12.862

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 563.676 ca nhiễm, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.730 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 559.346 ca, trong đó có 322.873 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.

+ Có 8 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai.

+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (273.154), Bình Dương (141.765), Đồng Nai (31.179), Long An (26.804), Tiền Giang (11.159).

Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 13.937

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 325.647

2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.479 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.053

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.210

- Thở máy không xâm lấn: 257

- Thở máy xâm lấn: 930

- ECMO: 29

3. Số bệnh nhân tử vong:

- Theo tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 335 ca tử vong tại các tỉnh như sau:

+ TP. Hồ Chí Minh ngày 8/9: 268 ca

+ Tỉnh Bình Dương ngày 8/9: 34 ca

+ Tỉnh Long An ngày 8/9: 8 ca

+ Tỉnh Tiền Giang ngày 8/9: 7 ca

+ Tỉnh Đồng Nai trong 2 ngày 8-9/9: 11 ca

+ Tỉnh Đồng Tháp ngày 8/9: 2 ca

+ Tỉnh Trà Vinh ngày 8/9: 1 ca

+ Tỉnh Vĩnh Long trong 2 ngày 8-9/9: 2 ca

+ Tỉnh Bến Tre ngày 8/9: 1 ca

+ Tỉnh Khánh Hòa ngày 8/9: 1 ca

- Tỉnh Tây Ninh bổ sung số liệu ca tử vong của tháng 8/2021: 99 ca

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 310 ca.

- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.135 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Tình hình xét nghiệm

Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 13.855.509 mẫu cho 40.898.357 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19

Trong ngày 7/9 có 771.937 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 23.577.917 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.809.234 liều, tiêm mũi 2 là 3.768.683 liều.

TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị hàng hóa, cấp phát thuốc để F0 điều trị tại nhà

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị, địa phương chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân trong thời gian tới; cấp phát đầy đủ thuốc hỗ trợ, điều trị cho bệnh nhân F0 tại nhà.

Để kịp thời bảo đảm hỗ trợ y tế và lương thực, thực phẩm cho người dân tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội theo Công điện 1099/CĐ-TTg, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị, địa phương chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân; cấp phát đầy đủ thuốc hỗ trợ, điều trị cho bệnh nhân F0 tại nhà.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu kiểm tra và xử lý kiến nghị của người dân về việc hơn 90% người dân tại khu vực 4/11, tổ 52, ấp Thới Tứ 2, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn chưa nhận được gói hỗ trợ nào, không liên hệ được các đường dây nóng; cán bộ phường yêu cầu người dân phải có chứng nhận tiêm vaccine mũi 1 mới được nhận hỗ trợ; việc điều trị người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Xuyên Á.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội điều chỉnh bất cập trong việc cấp giấy đi đường

Trong Công văn chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.

Để kịp thời triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội theo Công điện số 1099/CĐ-TTg và Công điện số 1102/CĐ-TTg, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6263/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP. Hà Nội triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương về việc trang bị phương tiện học tập, sách giáo khoa phục vụ việc học tập theo hình thức trực tuyến.

Hoạt động nổi bật của ngành y tế trong ngày

- Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc, trong đó xác định thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội thần tốc xét nghiệm cho toàn bộ người dân để phát hiện sớm nguồn lây nhằm cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời; hạn chế phong tỏa trên phạm vi rộng và thực hiện tốt việc chăm sóc điều trị người nhiễm Covid-19 (Công điện số 1346/CĐ-BYT ngày 08/9/2021 của Bộ Y tế).

- Phê duyệt Đề án Tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng Oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 nhằm chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức kết nối chặt chẽ cung-cầu để khai thác và sử dụng có hiệu quả tối đa các nguồn lực sản xuất Oxy y tế trong nước.

Chuẩn bị cơ sở hạ tầng Oxy y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 theo các kịch bản, diễn biến dịch bệnh với phương châm "4 tại chỗ" (Quyết định số 4308/QĐ-BYT ngày 07/9/2021 của Bộ Y tế).

- Chỉ đạo Ngành Y tế địa phương chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung bệnh nhân Covid-19 trong tình huống xảy ra thiên tai; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, không để bị động, bất ngờ (Công văn số 7439/BYT-KHTC ngày 08/9/2021 của Bộ Y tế).

- Tích cực chuẩn bị, rà soát cơ sở vật chất, sẵn sàng cho phương án 1.000 giường hồi sức tích cực (ICU) tại tỉnh Hà Nam (BV Bạch Mai cơ sở 2).

- TP. Hồ Chí Minh tiếp tục xét nghiệm nhanh, miễn phí cho đội ngũ giao hàng công nghệ (shipper) tại hơn 400 trạm y tế lưu động đến ngày 15/9 nhằm tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian thành phố thực hiện "ai ở đâu yên đó".

- TP. Hà Nội đã thực hiện xét nghiệm 817.765 mẫu, đạt 81,78% kế hoạch (từ 1-7/9) lấy mẫu diện rộng đợt 3, trong đó 685.519 mẫu đã có kết quả (11 mẫu dương tính và 685.508 mẫu âm tính), còn lại 132.246 mẫu chưa có kết quả.

- Tỉnh Đồng Nai đang triển khai thành lập Trạm y tế lưu động trước ngày 15/9. Trung tâm y tế các huyện xây dựng, thiết lập các Trạm y tế lưu động trình Uỷ ban nhân dân huyện phê duyệt; làm đầu mối triển khai tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chức tập huấn hướng dẫn chuyên môn cho trạm y tế lưu động.

- Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Thanh Hóa theo Chỉ thị 16 trong vòng 7 ngày, kể từ 0h ngày 9/9 và thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống trong vòng 7 ngày, kể từ 12h ngày 8/9.

(theo Bộ Y tế)