Trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Việt Nam ghi nhận 835.036 ca mắc. (Nguồn: TTXVN) |
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 839.662 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.529 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 835.036 ca, trong đó có 779.382 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình.
Có 12 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (410.128), Bình Dương (222.082), Đồng Nai (54.989), Long An (33.303), Tiền Giang (14.541).
Tình hình điều trị
- Tính từ 17h ngày 9/10 đến 17h ngày 10/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.528 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 3.513 ca ghi nhận trong nước (giảm 999 ca so với ngày trước đó) tại 41 tỉnh, thành phố (có 1.211 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (-595), Sóc Trăng (-192), An Giang (-180).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (+87), Cần Thơ (+23), Trà Vinh (+21).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 4.435 ca/ngày.
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 10/10 là 21.398, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 782.199.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.014 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.391; Thở ô xy dòng cao HFNC: 788; Thở máy không xâm lấn: 145; Thở máy xâm lấn: 668; ECMO: 22.
Tin liên quan |
Thủ tướng Chính phủ: Khôi phục vận tải hành khách có ý nghĩa đặc biệt |
Trong ngày 10/10 ghi nhận 113 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 119 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.555 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình tiêm chủng
Trong ngày 9/10 có 1.284.099 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 53.231.969 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 38.259.436 liều, tiêm mũi 2 là 14.972.533 liều.
Để đảm bảo sử dụng vaccine nhanh chóng, hiệu quả, tăng nhanh diện bao phủ để kiểm soát tình hình dịch bệnh trong thời gian sớm nhất; Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh, thành phố coi công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay;
Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp nhận vaccine ngay sau khi được phân bổ và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên) đảm bảo an toàn, hiệu quả; Tăng nhanh độ bao phủ mũi 1 và triển khai tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Chùm Covid-19 ở Hà Nam vượt mốc 600 ca, trong đó có 150 công nhân
Ngày 10/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam phát hiện thêm 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại khu cách ly, khu phong tỏa, tại nhà. Lũy kế đến 18h ngày 10/10, sau 21 ngày bùng phát dịch, địa phương này ghi nhận 620 ca mắc Covid-19 (trong đó có 53 ca cộng đồng).
Theo thống kê, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 150 F0 cùng trên 600 công nhân là F1 đang phải cách ly tập trung. Hiện nguy cơ lây nhiễm tại khu công nghiệp vẫn rất cao nên mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được chuyển sang trạng thái ứng phó với dịch Covid-19 cấp độ cao nhất.
Hiện có hơn 70.000 lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nam đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1.
Tính đến chiều 10/10, cộng dồn từ đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 đầu tiên, toàn tỉnh Hà Nam đã có 563.367 lượt người được tiêm phòng. Trong đó có 523.404 người được tiêm mũi 1, số người đã tiêm mũi 2 là 39.963 người.
Trong các ngày 8 và 9/10, ngành y tế Hà Nam đã tiếp nhận 98.736 liều vaccine phòng Covid-19 Sputnik-V để tập trung tiêm cho người dân 4 huyện: Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm và Kim Bảng.
Từ đêm 4/10 đến ngày 10/10, lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận, dẫn hơn 5.800 người từ miền Nam đi qua địa bàn an toàn (trong đó có 1.892 người dân đi bộ cùng 153 trẻ em).
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Hà Nam. (Nguồn: SK&ĐS) |
Chi phí cách ly tại khách sạn Hà Nội cho người dân đến từ TP.HCM
Từ 10-20/10, khai thác đường bay giữa Hà Nội - TP.HCM và Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến/ngày (chở khách 2 chiều).
Hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về Nội Bài và lưu trú tại TP Hà Nội phải đáp ứng nhiều tiêu chí đi kèm, trong đó phải cách ly tập trung 7 ngày tại các khu cách ly tập trung của thành phố hoặc các cơ sở lưu trú (khách sạn) do thành phố công bố.
Hành khách tự đảm bảo các chi phí cách ly và xét nghiệm theo quy định; sau thời gian cách ly tập trung tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Hà Nội cũng công bố danh sách 20 khách sạn được thành lập làm cơ sở cách ly y tế tập trung. Các khách sạn không thuộc diện điều tiết giá theo quy định nhà nước, nhưng được yêu cầu đưa ra mức giá hợp lý, phù hợp cho nhiều trường hợp cách ly.
Trong 20 khách sạn, có 3 khách sạn 5 sao, 7 khách sạn 4 sao, còn lại là 2-3 sao.
Khách sạn trên phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) lấy giá cao nhất từ 1,8 đến 4,6 triệu đồng/ngày đêm (phòng đơn) và 2,7 đến 6,9 triệu đồng/ngày đêm (phòng đôi). Mức này bao gồm cả ăn ba bữa, đồ uống đơn giản và giặt ướt.
Khách sạn ở 17 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) có giá thấp nhất chỉ 1,3 triệu đồng/ngày đêm (phòng đơn), gần 1,9 triệu đồng/ngày đêm (phòng đôi). Mức này đã bao gồm xe đưa đón, ăn 3 bữa/ngày và test Covid-19 2 lần.
Nếu không chọn cách ly tập trung ở các khách sạn trên, hành khách có thể chọn cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của thành phố.
Dự thảo phương án tổ chức hoạt động xe khách giữa TP.HCM và các tỉnh
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã gửi đến Sở Giao thông vận tải các tỉnh dự thảo phương án tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định giữa TP.HCM và các tỉnh.
Theo dự thảo, xe khách giữa TP.HCM và các tỉnh hoạt động trở lại theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 từ ngày 1 - 15/11, khai thác tối đa từ 3 - 5 chuyến/ngày, riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến/ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 15 chuyến/ngày;
Giai đoạn 2 từ ngày 15 - 30/11, khai thác tối đa 10 chuyến/ngày theo nhu cầu đi lại, riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến/ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 30 chuyến/ngày;
Giai đoạn 3 sau ngày 30/11 đến hết tháng 12/2021, tổ chức khai thác vận tải hành khách không quá 50% tần suất khai thác của các tuyến.
| Không để lỡ các cơ hội phát triển Chia sẻ về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân ... |
| Cơ hội phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh thích ứng an toàn Các chuyên gia và tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, nhưng kỳ vọng hoạt động ... |