Trong 24 giờ (từ 16h ngày 9/2 đến 16h ngày 10/2, Việt Nam ghi nhận 26.032 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 26.023 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.070 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 8.264 ca trong cộng đồng).
Việc khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà cho F0 được thực hiện bởi Trạm y tế lưu động hoặc Đội y tế lưu động. (Nguồn: SK&ĐS) |
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.430.683 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 24.616 ca nhiễm).
Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho F0 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế
Theo "Hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà" do Bộ Y tế vừa ban hành nêu rõ đối với khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà cho F0 được thực hiện bởi Trạm y tế lưu động hoặc Đội y tế lưu động: Căn cứ vào số ca mắc và khu vực có ca mắc trên địa bàn phường, xã để thành lập các Trạm y tế lưu động hoặc Đội y tế lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu cho người bệnh tại nhà.
Về kê đơn, cấp phát thuốc điều trị triệu chứng cho F0 tại nhà
Nếu F0 sốt:
+ Đối với người lớn: > 38,5 độ hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5 g, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu ăn kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
+ Đối với trẻ em: > 38,5 độ, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 lần.
Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, yêu cầu người mắc Covid-19 thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà để được xử trí.
Nếu F0 bị ho thì dùng thuốc giảm ho khi ho khan nhiều.
Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho F0 tại nhà
Về thuốc hạ sốt, giảm đau Paracetamol:
+ Cho trẻ em: gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80 mg, 100 mg, 150 mg hoặc 250 mg;
+ Cho người lớn: viên nén 250 mg hoặc 500 mg.
Thuốc kháng virus: lựa chọn một trong các thuốc sau:
+ Favipiravir 200 mg, 400 mg (viên).
+ Molnupiravir 200 mg, 400 mg (viên).
Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống: Thuốc không phát sẵn cho người mắc Covid-19, thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ Y tế ban hành và chỉ kê đơn điều trị trong một ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh Covid-19. Lựa chọn một trong các thuốc sau:
+ Dexamethason 0,5 mg (viên nén).
+ Methylprednisolon 16 mg (viên nén).
Thuốc chống đông máu đường uống: Thuốc không phát sẵn cho người mắc Covid-19, thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ Y tế ban hành và chỉ kê đơn điều trị trong một ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh Covid-19. Lựa chọn một trong các thuốc sau:
+ Rivaroxaban 10 mg (viên).
+ Apixaban 2,5 mg (viên).
Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế đưa ra 1 số lưu ý về thuốc kháng virus, thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu.
Thuốc kháng virus dùng sớm ngay sau khi có chẩn đoán xác định mắc Covid-19, tốt nhất trong 5 ngày đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng.
Chỉ định điều trị kết hợp đồng thời thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu khi người bệnh Covid-19 có bất kỳ một trong các dấu hiệu sớm của suy hô hấp và chỉ kê đơn điều trị trong một ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh Covid-19.
Phó Thủ tướng yêu cầu thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Y tế theo đúng kế hoạch thanh tra năm 2022 đã được phê duyệt.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đôn đốc Thanh tra các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm các cuộc thanh tra được thực hiện theo đúng tiến độ, chất lượng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 3 năm 2022.
Vì sao trẻ từ 5-11 tuổi cần tiêm vaccine Covid-19?
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đối với việc sử dụng vaccine, đặc biệt là vaccine được cung ứng, cấp phép trong tình huống khẩn cấp chúng ta đặt ra 3 vấn đề.
Thứ nhất là việc cần thiết phải tiêm. Trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vaccine thì khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn. Khi mắc Covid-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong.
Với trẻ em qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của Covid-19). Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới.
Ngoài ra, theo GS Lân, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm. Hiện nay qua theo dõi với biến thể Omicron, việc lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em đặc biệt chưa tiêm chủng. Vì vậy, việc tiêm chủng này có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.
Và khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác.
Thứ hai là về vaccine. Vaccine được lựa chọn là Pfizer đã được WHO, FDA Hoa Kỳ cũng như Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu phê duyệt. Số nước sử dụng tăng lên hằng ngày và đến nay là 44 nước và 3/4 số nước đó đã sử dụng vaccine.
Đối với vaccine, vấn đề thử nghiệm lâm sàng là vấn đề hết sức thận trọng, đầy đủ. Với vaccine này, các lứa tuổi lớn- 18 tuổi trở lên thử nghiệm trước, sau đấy là lứa tuổi 12-17, và sau đấy là 5-11. Quá trình này được làm một cách hết sức thận trọng, bài bản qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Thứ ba là việc triển khai, tổ chức của Việt Nam, theo GS Lân chúng ta đã có kinh nghiệm từ việc cung ứng đến việc tiêm chủng. Với chương trình tiêm chủng mở rộng, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm tiêm cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong bối cảnh số ca mắc biến thể Omicron tăng trên toàn cầu, kết quả phân tích, đánh giá các dữ liệu tổng hợp cho thấy đa phần trẻ em nhiễm biến thể Omicron đều không xuất hiện triệu chứng hậu Covid-19.
Tuy nhiên, nhiều trẻ em vẫn còn mệt mỏi, đau đầu và bị sốt nhẹ. Những trẻ này cần phải được theo dõi y tế, đặc biệt là được bác sĩ nhi khoa thăm khám thêm trong trường hợp cần thiết.
Hải Dương thêm 4 ca tử vong, Hải Phòng có 119 bệnh nhân nguy kịch
Tại Hải Dương, trong ngày 10/2 địa phương này phát sinh 1.330 trường hợp mới ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, huyện Kim Thành, TP. Hải Dương, thị xã Kinh Môn và huyện Ninh Giang có số ca mắc trên 100 bệnh nhân trong ngày.
Theo ngành Y tế Hải Dương, ngày hôm qua, trên địa bàn Tỉnh có thêm 4 ca mắc Covid-19 tử vong ở TP. Hải Dương, huyện Thanh Miện, huyện Gia Lộc. Đây là những trường hợp tuổi cao, có bệnh nền và có 3/4 ca bệnh chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.
Như vậy, đến hôm nay (10/2), tỉnh Hải Dương có 32 bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong ở TP. Hải Dương, TP. Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện: Bình Giang, Nam Sách, Gia Lộc, Thanh Miện, Kim Thành, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng.
Đối với TP. Hải Phòng, ngày hôm nay phát sinh thêm 1.360 ca mắc mới, có thêm 2 trường hợp tử vong và địa phương này có 119 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng/nguy kịch.
Trong số những ca mắc được ghi nhận trong ngày, có1.149 trường hợp tự đi làm xét nghiệm, 13 ca bệnh nghi ngờ, 79 bệnh nhân test nhanh dương tính, 16 trường hợp xét nghiệm sàng lọc nhân viên y tế, còn lại là trường hợp F1.
Cũng theo ngành Y tế Hải Phòng, tính từ 17h chiều 9/2 đến 17h30 ngày 10/2 trên địa bàn có 2.360 giáo viên, học sinh mắc Covid-19; trong đó 118 ca giáo viên và 2.242 trường hợp là học sinh.
Nam Định vượt mốc 1.000 ca
Sau Tết Nguyên đán, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Nam Định diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng cao.
Cụ thể ngày 8/2 địa phương này ghi nhận 886 trường hợp mắc Covid-19, ngày 9/2 là 938 trường hợp và hôm nay (10/2) ghi nhận 1.189 ca mắc - đây là số ca mắc Covid-19 cao nhất từ trước đến nay ở tỉnh này.
Hiện Nam Định thuộc nhóm 22 tỉnh, thành phố có dịch cấp độ 2 (vùng vàng).
Trước tình hình đó, tỉnh Nam Định yêu cầu các huyện, thành phố kịp thời triển khai các biện pháp để nhanh chóng phát hiện, cách ly, điều trị kịp thời F0, không để lây lan dịch bệnh ra diện rộng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên.
Thực hiện nghiêm việc cách ly F1, điều trị F0 nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà, phải đảm bảo các điều kiện theo hướng dẫn của ngành y tế; đồng thời kiểm soát nghiêm ngặt việc cách ly, điều trị tại nhà theo quy định.
Lào Cai tăng cường quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao
Tỉnh Lào Cai yêu cầu Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai), đảm bảo được tiêm vaccine phòng Covid-19 đủ liều, tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất ngay tại địa phương (xã, phường, thị trấn); tổ chức tiêm lưu động, tại nhà cho người đi lại khó khăn.
Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang diễn biến phức tạp, số ca mắc hàng ngày tiếp tục tăng mạnh sau dịp Tết Nguyên đán. Tính đến ngày 10/2, Lào Cai đã có 9 bệnh nhân tử vong, đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Đặc biệt là đang có sự gia tăng trường hợp chuyển nặng, tử vong và các trường hợp trên đều chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng Covid-19.
Theo báo cáo của Sở Y tế Lào Cai, tính đến hết ngày 8/2, địa phương còn 4.334 người chưa tiêm vaccine, 16.352 người chưa tiêm mũi 2 và 513.965 người chưa tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại.
Để đảm bảo về thời gian và diện bao phủ vaccine theo chỉ đạo của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát kỹ các trường hợp chưa tiêm; triển khai đồng bộ biện pháp nhằm tiêm đủ mũi cho các đối tượng nêu trên, hoàn thành xong trước ngày 28/2.
Các cơ sở y tế, địa phương tiếp tục huy động mọi nguồn lực cho công tác tiêm chủng; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và vật tư tiêm chủng để triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19; tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vaccine để người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ.
Ngày 10/2, Lào Cai ghi nhận thêm 316 ca mắc Covid-19 mới. Như vậy, địa phương ghi nhận tổng cộng 5.046 bệnh nhân Covid-19; trong đó có 3.373 bệnh nhân đã điều trị khỏi và ra viện, 1.673 người đang cách ly, điều trị.
Thanh Hóa: 996 ca mắc mới
Ngày 10/2, Thanh Hóa ghi nhận 996 ca mắc Covid-19, trong đó có 286 ca cộng đồng, 322 ca phát hiện qua sàng lọc tại các cơ sở y tế, 388 trường hợp đang được cách ly theo quy định. Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã ghi nhận 26.940 bệnh nhân Covid-19; 21.999 người điều trị khỏi được ra viện; 35 bệnh nhân tử vong.
Nghệ An: Hơn 2.400 ca mắc Covid-19 mới
Tỉnh Nghệ An ghi nhận 2.407 trường hợp mắc Covid-19 mới, trong đó có 420 ca được phát hiện ngoài cộng đồng.
24h qua, địa phương này có 448 bệnh nhân Covid-19 được xuất viện, thêm 3 ca tử vong. Hiện Nghệ An còn 11.090 bệnh nhân đang điều trị.