Trong 24 giờ qua (từ 16h ngày 11/1 đến 16h ngày 12/1), Việt Nam ghi nhận 16.135 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 69 ca nhập cảnh và 16.066 ca ghi nhận trong nước (tăng 47 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.889 ca trong cộng đồng).
Các y bác sĩ chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Trung tâm hồi sức Covid-19 tỉnh Vĩnh Long. (Nguồn: SK&ĐS) |
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.958.719 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 19.850 ca nhiễm).
Long An ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên đang cách ly
Ngày 12/1, thông tin từ Sở Y tế Long An cho biết, địa phương đã phát hiện trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.
Cụ thể, ca nhiễm biến thể Omicron này là bệnh nhân có mã số BN1750327, quốc tịch Trung Quốc, là chuyên gia làm việc tại một doanh nghiệp ở huyện Đức Hòa, Long An.
Ngày 25/12/2021, người này nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay QR970, số ghế 31A. Sau khi nhập cảnh người này được đưa đi cách ly tập trung tại Khách sạn Happy 2, huyện Bến Lức, Long An.
Ngày 27/12/2021, người này được lấy mẫu xét nghiệm PCR lần 1 và có kết quả xét nghiệm âm tính. Ngày 31/12/2021, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm PCR lần 2 có kết quả xét nghiệm dương tính và được lấy mẫu bệnh phẩm giải trình tự SARS-CoV-2 gửi về Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 10/1, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh phản hồi kết quả xét nghiệm bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron - B1.1.529.
Trong quá trình từ sân bay về tới khu cách ly bệnh nhân tiếp xúc với 2 người là cán bộ y tế và tài xế đều có mặc đồ bảo hộ, giữ khoảng cách; xe chở chuyên gia có vách ngăn. Sau khi chuyên gia có kết quả xét nghiệm dương tính thì cán bộ y tế và tài xế đã làm xét nghiệm test nhanh và có kết quả âm tính.
Theo ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế Long An, bệnh nhân hiện đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng đang được cách ly tại Khách sạn Happy 2 - Bến Lức, sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu ho, sốt. Ngành y tế tiếp tục cách ly, theo dõi sức khỏe bệnh nhân thêm 21 ngày.
Đà Nẵng sẵn sàng đưa Bệnh viện dã chiến số 2 vào hoạt động
Trước diễn biến phức tạp của dịch, để chủ động công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, ngành y tế Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thiện và sẵn sàng kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 2.
Dưới sự điều khiển và vận hành của Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Dã chiến số 2 tại đường Hà Văn Tính (quận Liên Chiểu) được thiết lập trên cơ sở 4 tòa nhà của Ký túc xá phía Tây. Với quy mô trên 2.000 giường bệnh, cơ sở điều trị được thiết lập đầy đủ công năng như một bệnh viện đa khoa.
Bên cạnh đó, các phòng hồi sức tích cực cũng được thiết lập, đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị khi bệnh nhân có diễn tiến bất thường. Hiện tại, một số phần việc cuối cùng đang được đơn vị thi công khẩn trương hoàn tất. Bệnh viện Đà Nẵng cũng sẵn sàng nhân lực để kích hoạt khi số ca bệnh tăng nhanh. Dự kiến cơ sở y tế này sẽ được kích hoạt để thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn Đà Nẵng.
Hà Nội ghi nhận 670 ca F0 trong cộng đồng
Sở Y tế Hà Nội thông báo từ 18h ngày 11/1 đến 18h ngày 12/1 thành phố ghi nhận 2.948 ca bệnh mắc Covid-19, trong đó có 670 ca tại cộng đồng.
Như vậy, số ca mắc Covid-19 tính từ khi Hà Nội áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 (ngày 24/7) đến nay là 75.598 ca.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 79.615 ca.
Toàn thành phố có hơn 50.000 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (133), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (218), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3079), cơ sở thu dung điều trị thành phố (1330), cơ sở thu dung quận, huyện (5533), theo dõi cách ly tại nhà (40.653). Số bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung là 01 người.
Số ca tử vong trong ngày là 11 trường hợp, tổng số người tử vong do Covid-19 tại Hà Nội từ ngày 29/4 đến nay là 281 người.
Nghệ An: Không cấm công dân từ các địa phương có dịch Covid-19 về quê đón Tết
Sáng 12/1, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2021.
Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội, báo chí và dư luận về có hay không việc Nghệ An cấm công dân của tỉnh từ các địa phương có dịch Covid-19 về quê vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long khẳng định, Nghệ An không cấm công dân của tỉnh đang sống, làm việc ở ngoài tỉnh, kể cả từ các tỉnh có dịch bùng phát mạnh về quê vào dịp Tết.
Tuy nhiên, tỉnh đề nghị công dân phải tuân thủ đúng quy định trong phòng, chống dịch. Tỉnh Nghệ An coi việc công dân trở về quê vào dịp Tết là nhu cầu chính đáng, phù hợp với phong tục, tập quán, là tình cảm gia đình thiêng liêng.
Cũng tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Trần Minh Tuệ cho biết, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các sở, ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch, kịch bản cụ thể; trong đó có việc tổ chức phân công ứng trực, chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện, vật tư y tế, thường xuyên cập nhật thông tin, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống dịch xảy ra trên địa bàn; yêu cầu người dân phải khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương và khuyến khích người dân làm xét nghiệm, có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi trở về địa phương.
| Covid-19: 'Vũ khí' nào hiệu quả trước Omicron? Các thử nghiệm ban đầu cho thấy liệu pháp kháng thể đơn dòng được sử dụng hiện nay để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 ... |
| Những tàu ngầm được vũ trang mạnh nhất của Nga Các tàu ngầm thuộc đề án 949AM sẽ trở thành loại tàu ngầm mang tên lửa hành trình được vũ trang mạnh nhất của Nga ... |