Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội. (Nguồn: TTXVN) |
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.035.138 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.506 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021) đến nay:
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.030.096 ca, trong đó có 861.699 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tính từ 16h ngày 14/11 đến 16h ngày 15/11, Việt Nam ghi nhận 8.616 ca nhiễm mới, trong đó 13 ca nhập cảnh và 8.603 ca ghi nhận trong nước (tăng 440 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố (có 3.950 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 8.341 ca/ngày.
Tình hình điều trị
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 15/11: 1.205, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 864.516. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.950 ca.
Từ 17h30 ngày 14/11 đến 17h30 ngày 15/11 ghi nhận 101 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 84 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.183 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.
Thừa Thiên-Huế thêm 81 ca mắc mới
Tối 15/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, vừa ghi nhận thêm 81 ca Covid-19. Trong đó, phát hiện tại khu cách ly tập trung 8 ca, giám sát y tế tại nhà 2 ca và tại cộng đồng 71 ca.
Trong 71 ca mắc Covid-19 phát hiện tại cộng đồng, hầu hết là các trường hợp ở TP Huế. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Thừa Thiên Huế ghi nhận số ca mắc trong cộng đồng cao kỷ lục.
Trước đó, ngày 13/11 tỉnh này ghi nhận 65 ca và ngày 14/11 ghi nhận 68 ca. Trong ngày, tỉnh cũng ghi nhận 1 ca tử vong.
Như vậy, tính đến nay, Thừa Thiên-Huế có 1732 ca F0. Hiện đang điều trị 573 ca, đã điều trị khỏi 1154 ca và 5 ca tử vong.
Lơ là trong công tác phòng chống dịch, 3 xã ở Thanh Hóa bị phê bình
Trong những ngày qua, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa diễn biến hết sức phức tạp.
Huyện đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu lãnh đạo các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong việc rà soát nắm bắt thông tin, hướng dẫn khai báo y tế, phân luồng cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và quản lý chặt chẽ công dân từ các địa phương khác trở về, không được bỏ sót, bỏ lọt đối tượng.
Tuy nhiên, tại các xã Xuân Lai, Xuân Phú, Nam Giang vẫn thực hiện không nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch, vẫn còn để xảy ra tình trạng vi phạm như: Không thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm theo quy định, còn để công dân đang cách ly tại nhà đến Trạm y tế lấy mẫu xét nghiệm.
Quản lý không chặt chẽ các đối tượng đang cách ly tại nhà, có tình trạng người đang cách ly đi ra ngoài nhà hoặc để người khác vào nhà người đang cách ly, sau đó đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh hoặc làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng…
Ngày 15/11, Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân đã phê bình tập thể, cá nhân do lơ là, thực hiện không nghiêm các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch, bệnh Covid-19 trên địa bàn các xã Xuân Lai, Xuân Phú, Nam Giang.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa, ngày 15/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 21 ca Covid-19 mới.
Tính từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận 1.602 bệnh nhân Covid-19 cộng dồn; 990 người điều trị khỏi được ra viện; 9 bệnh nhân tử vong.
Một quận nội thành Hà Nội có gần 100 F1 được cách ly tại nhà
Theo Dân trí, hiện tại quận Nam Từ Liêm có gần 100 F1 đang được cách ly tại nhà. Đây đều là những trường hợp thuộc 4 nhóm ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhóm đối tượng này bao gồm: Người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em, phụ nữ đang mang thai.
Trường hợp F1 cách ly tại nhà phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và chấp hành nghiêm các quy định đối với F1 cách ly tại nhà.
F1 cách ly tại nhà cũng sẽ được thực hiện xét nghiệm Covid-19 định kỳ. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, hiện quận Nam Từ Liêm cũng đang gấp rút triển khai thành lập 10 trạm y tế lưu động. Trước mắt, trạm y tế lưu động phường Phú Đô sẽ được đưa vào hoạt động đầu tiên.
Thời gian tới, Hà Nội có kế hoạch điều trị các F0 không triệu chứng tại các trạm y tế lưu động, thay vì vào bệnh viện điều trị tập trung.
Tính từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, quận Nam Từ Liêm đã ghi nhận tổng cộng 296 F0. Ổ dịch tại phường Phú Đô hiện là "điểm nóng" trên địa bàn quận.
Bùng phát từ 9/11, đến nay, chùm ca bệnh liên quan đến ổ dịch này đã ghi nhận 183 F0, trong đó có 162 trường hợp có địa chỉ tại Nam Từ Liêm.
Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 6.331 ca, trong đó, số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 2.318 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 4.013 ca.
Bên trong Bệnh viện dã chiến số 10 TPHCM, tháng 8/2021. (Nguồn: Bộ Y tế) |
Vì sao Sở Y tế TPHCM đề xuất mở lại bệnh viện dã chiến?
Chiều 15/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức buổi họp báo nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Buổi họp báo diễn ra trong bối cảnh, dịch Covid-19 tại TPHCM có xu hướng phức tạp trở lại.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, vừa qua, đơn vị đã có ý kiến đề xuất mở rộng các khu cách ly tập trung thuộc khu vực quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Điều này nhằm giúp Thành phố thêm phần chủ động, đặc biệt trong điều kiện số ca F0 có dấu hiệu tăng nhanh.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, hiện nay, dịch Covid-19 tại Thành phố tương đối ổn định, tuy nhiên, số ca mắc mới có xu hướng tăng những ngày gần đây. Việc đề xuất triển khai các khu cách ly cấp quận, huyện nhằm thực hiện tinh thần của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 về "đi trước một bước và trên một mức", giành thế chủ động trong bất kỳ tình huống nào.
Nguyễn Hữu Hưng thông tin thêm, hiện nay, toàn địa bàn có 16 bệnh viện dã chiến cấp thành phố và đến cuối năm sẽ chỉ còn 3 bệnh viện. Như vậy, để đáp ứng, xử lý nhanh khi xuất hiện các F0, từng quận, huyện cần thành lập các bệnh viện dã chiến của địa bàn mình.
Trước đó, tại buổi họp giao ban giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố với các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, kiến nghị sớm triển khai lại các khu cách ly quận, huyện. Ngoài ra cần có thêm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị F0.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong những ngày vừa qua, một số địa phương trên địa bàn TPHCM có số F0 tăng cao, cụ thể là huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, TP Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp. Tính riêng 3 ngày gần đây, huyện Bình Chánh và Hóc Môn là 2 nơi có nhiều trường hợp nhiễm nhất.
Ông Nguyễn Hữu Hưng thông tin thêm, theo đánh giá mới nhất, thành phố thuộc cấp độ 2 của dịch Covid-19. Đối với từng địa bàn, thành phố có 10 địa phương thuộc đạt cấp độ một, giảm 3 địa phương so với tuần trước; 11 địa phương đạt cấp độ 2, tăng 4 địa phương; 3 địa phương thuộc cấp độ 3.
Như vậy, số địa phương thuộc cấp độ một (vùng xanh) của dịch Covid-19 tại TPHCM đã giảm so với tuần trước đó. Bên cạnh đó, số địa phương thuộc cấp độ 2 (vùng vàng) đã tăng lên.