Trong 24 giờ (từ 16h ngày 15/2 đến 16h ngày 16/2), Việt Nam ghi nhận 34.737 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 34.723 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.936 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 25.026 ca trong cộng đồng).
Cả nước hiện có 2.826 bệnh nhân nặng đang điều trị. |
Theo số liệu cập nhật của Bộ Y tế, 63 tỉnh thành đều ghi nhận ca mắc mới Covid-19, với tổng 34.737 F0, trong đó 11 tỉnh thành có số mắc mới vượt 1.000 ca mỗi ngày. Cụ thể: Hà Nội (3.888) ca mắc mới, Thái Nguyên (2.497), Hải Dương (1.598), Quảng Ninh (1.536), Hải Phòng (1.487), Phú Thọ (1.332), Ninh Bình (1.316), Nam Định (1.281), Vĩnh Phúc (1.274), Bắc Ninh (1.209), Nghệ An (1.188).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.606.824 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 26.396 ca nhiễm).
Hà Nội: 463 xã phường ghi nhận ca mắc mới
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua, Thủ đô ghi nhận 3.888 ca bệnh (808 ca cộng đồng; 3.080 ca đã cách ly).
Bệnh nhân phân bố tại 463 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (294), Hoàng Mai (256), Nam Từ Liêm (223), Hoài Đức (186), Chương Mỹ (180). Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 183.105 ca.
F0 tăng nhanh, Hải Phòng dồn sức chống dịch
Liên tục những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại Hải Phòng tăng từ 1.400 đến 1.600 ca mắc mới mỗi ngày. Các cơ sở y tế và các địa phương trên địa bàn thành phố đang điều trị trên 49.000 ca mắc Covid-19, trong đó trên 95,7% số bệnh nhân điều trị tại nhà.
Số ca mắc Covid-19 tăng cao, không chỉ các bệnh viện mà cả các trạm y tế lưu động tại các quận, huyện của thành phố Hải Phòng đều quá tải. Hải Phòng hiện có 237 trạm y tế lưu động, với 5 nhân viên/trạm. Trung bình, mỗi trạm y tế lưu động phải quản lý, điều trị hơn 100 F0 tại nhà, trong khi vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch, tiêm chủng tại địa phương.
Để kịp thời đáp ứng công tác phòng chống dịch, UBND thành phố Hải Phòng đã huy động 600 sinh viên các trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Hải Phòng và Cao đẳng Y tế Hải Phòng hỗ trợ các trạm y tế lưu động. Trong số này có nhiều sinh viên đã từng tham gia các đoàn công tác của Hải Phòng hỗ trợ các địa phương chống dịch.
Cùng với đó, thành phố cũng chỉ đạo thành lập các tổ chăm sóc cộng đồng hỗ trợ các trạm y tế lưu động. Trước mắt, các quận, huyện: Lê Chân, An Dương, Hải An, Ngô Quyền sẽ thành lập thí điểm mỗi địa phương từ 5-7 tổ chăm sóc cộng đồng; sau khoảng 10 ngày sẽ tổng kết, đánh giá hiệu quả và nhân rộng trên địa bàn thành phố.
Cùng với tăng cường nhân lực trong phòng chống dịch, Sở Y tế Hải Phòng tích cực làm việc với Bộ Y tế đế bổ sung vaccine, thuốc kháng virus; đẩy nhanh các thủ tục mua sắm vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch. Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang, quan điểm của thành phố là không lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch nhưng cũng không quá hoảng sợ, lo lắng; thành phố sẵn sàng kinh phí cho công tác phòng chống dịch.
Hải Dương ghi nhận 41 bệnh nhân tử vong, số ca mắc Covid-19 có chiều hướng giảm
Trong 2 ngày qua, tình hình dịch trên địa bàn Hải Dương có dấu hiệu giảm dần số ca mắc. Trong hôm 16/2, địa phương này phát sinh thêm 1.599 trường hợp mắc mới và 2 bệnh nhân tử vong.
Cụ thể, toàn tỉnh có 987 ca F1, 304 trường hợp ho sốt cộng đồng, 277 bệnh nhân sàng lọc cộng đồng, 9 trường hợp sàng lọc tại cơ sở y tế, 1 bệnh nhân nhập cảnh và 21 trường hợp về từ các tỉnh khác.
Cũng theo ngành Y tế Hải Dương, trong ngày hôm nay tiếp tục ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 tử vong ở huyện Kim Thành và thị xã Kinh Môn. Những bệnh nhân này có bệnh nền và chưa được tiêm phòng vaccine phòng Covid-19.
Tính đến ngày 16/2, Hải Dương đã có 41 bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, TP. Hải Dương có số ca tử vong nhất với 8 bệnh nhân, huyện Gia Lộc 5; huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang mỗi địa phương có 1 trường hợp.
Hà Nam: Ghi nhận 229 F0
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, ngày 16/2, trên địa bàn tỉnh Hà Nam ghi nhận 229 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Nâng tổng số ca bệnh cộng dồn toàn tỉnh Hà Nam đến thời điểm này lên 8.701 trường hợp.
Như vậy, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần số ca F0 trên địa bàn tỉnh Hà Nam tăng mạnh. Chỉ tính riêng từ ngày 9/2 đến 16/2, Hà Nam ghi nhận 1.737 ca mắc Covid-19 mới. Con số này cao gấp đôi so với những ngày trước Tết (mỗi ngày trung bình 100 F0).
Nam Định: 1.281 ca dương tính với SARS-CoV-2
Theo thông tin từ Sở Y tế, trong ngày 16/2, tỉnh Nam Định phát hiện thêm 1.281 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 1.018 ca ghi nhận trong cộng đồng.
Cụ thể huyện Hải Hậu 224 ca; thành phố Nam Định 179 ca; huyện Vụ Bản 133 ca; huyện Ý Yên 203 ca; huyện Nam Trực 61 ca; huyện Xuân Trường 73 ca; huyện Nghĩa Hưng 95 ca; huyện Trực Ninh 60 ca; huyện Giao Thủy 197 ca; huyện Mỹ Lộc 56 ca.
Thái Bình: Ghi nhận số F0 tăng vọt
Thông tin từ CDC Thái Bình cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Thái Bình vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là sau thời điểm Tết Nguyên đán đến nay, trên 70% các thôn, tổ dân phố và tất cả 100% các xã, phường trên địa bàn tỉnh đều ghi nhận các ca bệnh dương tính mới.
Cụ thể, ngày 16/2, toàn tỉnh Thái Bình ghi nhận 836 ca F0 mới tại 8 huyện, thành phố, trong đó có 336 ca cộng đồng, 500 ca trong vùng cách ly y tế.
Hơn 1.000 F0 mỗi ngày, Vĩnh Phúc nỗ lực phòng dịch ở khu công nghiệp
Trước tình trạng số ca mắc Covid-19 tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã có yêu cầu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp mở đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, góp phần hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, ngày 16/2, Vĩnh Phúc ghi nhận 1.274 ca F0 mới, trong đó có 5 trường hợp trong khu cách ly, 841 ca phát hiện ngoài cộng đồng, 428 trường hợp cách ly tại nhà hoặc khu phong tỏa.
Toàn tỉnh hiện có 10.757 bệnh nhân đang điều trị, có 2.307 trường hợp F0 theo dõi, điều trị tại nhà, nơi lưu trú.
Để đảm bảo chuỗi cung ứng, sản xuất và an toàn cho người lao động, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho tất cả công nhân, người lao động, khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được quay trở lại doanh nghiệp làm việc; đồng thời thực hiện nghiêm, tuyệt đối không để cán bộ, nhân viên, người lao động tổ chức tiệc tùng, lễ chùa, lễ hội, vui chơi, du lịch.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K+ vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức” và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; phối hợp với Ủy ban Nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố, Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế trong việc vận chuyển người mắc Covid-19 tại các doanh nghiệp đến nơi điều trị.
Các doanh nghiệp thường xuyên thực hiện việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 một cách phù hợp theo quy định.
Tỷ lệ mắc Covid-19 ở người dưới 18 tuổi của Việt Nam là 19,2%
Tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Tính từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, tỷ lệ mắc của trẻ dưới 18 tuổi của nước ta là 19,2%; trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi, có 8% trẻ 6- 12 tuổi, có 2,8% trẻ từ 3- 5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0- 2 tuổi. Trong số các trẻ mắc Covid-19, đến nay cả nước đã ghi nhận 165 trường hợp trẻ tử vong (chiếm 0,42% so với tỷ lệ tử vong chung)".
Theo đó, con số trên cho thấy, tuy tỷ lệ tử vong ở trẻ em mắc Covid-19 thấp nhưng đã có ghi nhận. Qua theo dõi cũng cho thấy, trẻ mắc Covid-19 cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có các trường hợp gặp tình trạng hậu Covid-19, di chứng của Covid-19.
Đặc biệt, với biến chủng Omicron, nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 có nguy cơ lây nhiễm cao hơn các trẻ được tiêm.
Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), qua phân tích 2.478 ca là trẻ em mắc Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có 165 trường hợp trẻ ở mức độ nặng, nguy kịch; trong số này có 13,9% trẻ thừa cân, béo phì, 8,5% có bệnh đi kèm… Vì vậy nhóm trẻ thừa cân, béo phì, nhóm đang điều trị bệnh nền mạn tính, nhóm trẻ bị suy giảm miễn dịch… cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Thanh Hóa: 781 ca mắc mới
Ngày 16/2, Thanh Hóa ghi nhận 781 ca mắc Covid-19, trong đó có 280 ca cộng đồng, 256 ca phát hiện qua sàng lọc tại các cơ sở y tế, 245 trường hợp đang được cách ly theo quy định.
Thanh Hóa đã ghi nhận 31.564 bệnh nhân Covid-19; 26.641 người được điều trị khỏi bệnh; 47 bệnh nhân tử vong.
Hà Tĩnh, Quảng Bình ghi nhận hơn 500 ca dương tính với SARS-CoV-2
Trong ngày hôm qua (16/2), Hà Tĩnh ghi nhận 544 ca mắc Covid-19; trong đó có 341 ca cộng đồng, các trường hợp còn lại đã được cách ly trước đó.
Từ 1/1 đến nay, Hà Tĩnh phát hiện 4.989 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.796 ca cộng đồng, 281 ca trong khu vực phong tỏa, các ca còn lại đã được cách ly trước đó.
Trong ngày 16/2, tại Quảng Bình ghi nhận 574 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 443 ca cộng đồng. Trong ngày, tại Quảng Bình cũng có thêm 315 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh.
Đến nay, Quảng Bình đã ghi nhận 12.029 ca mắc Covid-19, trong đó 7.967 người đã khỏi bệnh, 3.924 người đang tiếp tục điều trị.
Về công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, Quảng Bình có 98.26% người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1 và 94,06% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi.
| Moderna thử nghiệm mũi tiêm tăng cường chống biến thể Omicron tại Anh Ngày 16/2, Viện Nghiên cứu y khoa quốc gia (NIHR) thông báo, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ sẽ thử nghiệm mũi tiêm tăng cường ... |
| Tỷ lệ mắc và tử vong do Covid-19 ở trẻ em Việt Nam như thế nào? Theo Bộ Y tế, tỷ lệ mắc Covid-19 của trẻ dưới 18 tuổi so với số mắc chung của toàn quốc là khoảng 19% tương ... |