Covid-19 sáng 20/1: Xây dựng lộ trình đón khách quốc tế; Thanh tra việc mua sắm trang thiết bị chống dịch của Bộ Y tế và các địa phương. (Nguồn: VGP) |
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế.
Công điện nêu rõ: để thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành du lịch, nhất là du lịch quốc tế trong bối cảnh cả nước đang thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và từng bước mở cửa nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế an toàn, khoa học, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 155/NQ-CP ngày 8/12/2021 của Chính phủ;
Tổ chức hội thảo chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đối tượng tác động để tạo sự đồng thuận, thống nhất; đẩy mạnh thông tin, truyền thông về việc bảo đảm an toàn cho khách du lịch và thông điệp "Việt Nam là điểm đến an toàn", xây dựng lộ trình cụ thể và thông báo công khai để các chủ thể có liên quan biết, chủ động thực hiện.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện; chuẩn bị về năng lực y tế, sẵn sàng về nhân lực, vật lực, chủ động các phương án, giải pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và xử lý sự cố y tế phát sinh.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Đẩy nhanh việc hoàn thành tiêm vaccine Covid-19
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Công điện số 64/CĐ-TTg ngày 19/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh hoàn thành tiêm vaccine phòng Covid-19; bảo đảm an toàn, hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai “Thần tốc” và “Thần tốc hơn nữa” trong việc tổ chức việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Đặc biệt chú ý tổ chức tiêm an toàn, thuận lợi cho những người có nguy cơ cao; thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc quy định và tổ chức thực hiện các biện pháp y tế, hành chính (như xét nghiệm, cách ly…) liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân bảo đảm tính khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới. (Nguồn: Báo Hà Nội mới) |
Điều chỉnh việc mở cửa trường học an toàn
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc mở cửa trở lại trường học an toàn, ngày 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Trong thời gian khá dài - hơn 2 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động dạy và học để thích ứng với dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho trường học, trong đó có việc dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, sau thời gian dài trẻ không được đến trường, hoặc đến trường rất ít không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ và ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, kinh tế, cũng như tác động nhiều mặt khác.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm vaccine trên cả nước đã rất cao; điều kiện thuốc chữa có cải thiện; điều kiện phòng, chống dịch cũng như hiểu biết và thích ứng của người dân được cải thiện, nâng cao; địa phương có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống, dịch. Với sự khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, phân tích kinh nghiệm các nước, đây chính là lúc cần điều chỉnh trong mở cửa trường học một cách an toàn, như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại Nghị quyết 128/NQ-CP.
Báo cáo tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và công tác tổ chức dạy học tại các địa phương, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trong đợt bùng phát dịch Covid-9 lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến 18/1/2022), toàn ngành có 130.014 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên mắc Covid-19. Đến 17h ngày 18/1/2022, theo số liệu báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện có 4.797 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của ngành đang điều trị.
Về công tác dạy học, đến ngày 18/1, có 14 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp cho học sinh tất cả các cấp học mầm non, phổ thông, chiếm 22,22%. Dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình có 30 tỉnh, thành phố, chiếm 47.61%. Dạy trực tuyến và qua truyền hình có 19 tỉnh, thành phố, chiếm 30,15%.
Theo số liệu thống kê đến ngày 15/1/2022, số học sinh từ 12-17 tuổi được tiêm vaccine mũi 1 là 6.500.033/7.213.883 (đạt 90,10%); mũi 2 là 5.211.874/7.213.883 (đạt 72,24%). Số cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vaccine mũi 2 là 1.225.688/1.494.618 cán bộ giáo viên (đạt 82%); mũi 3 là 422.519/1.494.618 (đạt 28,2%).
Cùng với tiến độ tiêm vaccine cho học sinh 12-17 tuổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần cập nhật, đánh giá mức độ dịch để quyết định linh hoạt việc tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp tại địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.
Thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19
Ngày 19/1, tại Hà Nội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa chủ trì Hội thảo khoa học “Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19” nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, giúp Kiểm toán Nhà nước xác định đúng, chính xác các nguồn viện trợ, tài trợ bằng hiện vật; thu từ dịch vụ xét nghiệm; chính sách thuế, chính sách tín dụng, nguồn lực từ các cơ sở khám chữa bệnh…
Phạm vi kiểm toán bao gồm việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương (Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…); không kiểm toán việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm tại tất cả các đơn vị (nội dung này Thanh tra chính phủ thực hiện), Kiểm toán Nhà nước chỉ tổng hợp số liệu theo báo cáo của các đơn vị.
Thời gian kiểm toán dự kiến từ ngày 16/2 đến 31/3, phát hành báo cáo kiểm toán trước ngày 31/5/2022.
Chiều 19/1, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và một số đơn vị sự nghiệp thuộc bộ. Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2020 đến 31/12/2021, khi cần thiết cơ quan thanh tra sẽ mở rộng cả trước hoặc sau thời gian này. Thời gian thanh tra là 45 ngày làm việc thực tế kể từ khi công bố quyết định. Thanh tra Chính phủ đã lập đoàn gồm 14 người do ông Diêm Đăng Việt, Phó Vụ trưởng Vụ III, làm trưởng đoàn.
Thanh tra Chính phủ cũng đã quyết định thành lập hai đoàn thanh tra khác tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch Covid-19 tại thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Đồng thời, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã ký văn bản gửi các bộ, ngành và 63 tỉnh thành xây dựng kế hoạch thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch Covid-19, sớm báo cáo kết quả để cơ quan này tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Thanh tra Chính phủ đề nghị các bộ, địa phương khi kết thúc thanh tra phải kịp thời ban hành kết luận, trong đó phải xác định rõ vi phạm pháp luật, dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng nếu có, nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp xử lý. Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu phạm tội, các bộ ngành, địa phương phải kịp thời chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 18/1 đến 16h ngày 19/1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.959 ca mắc mới, trong đó 23 ca nhập cảnh; 15.936 ca ghi nhận trong nước (giảm 827 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 10.460 ca trong cộng đồng). Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.078.087 ca mắc, trong đó có 1.789.188 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 36.114 ca tử vong. Tính đến ngày 18/1 đã có 171.638.597 liều vaccine được tiêm, trong đó tiêm mũi 1 là 78.711.478 liều, tiêm mũi 2 là 72.947.487 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 19.979.632 liều. Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 108 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP. Hồ Chí Minh (68), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1), Quảng Ninh (2). Ngày 19/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đã có báo cáo nhanh về ba trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng. Cụ thể, ba trường hợp này là K. (sinh năm 1987), ngụ tại huyện Bình Chánh; T. (sinh năm 1991), ngụ Quận 11 và H. (sinh năm 1976), ngụ quận Gò Vấp. Ba người này đều có tiếp xúc với một người nhập cảnh là chị P. (sinh năm 1981, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại quận Bình Thạnh). |
| Covid-19 sáng 19/1: Thêm địa phương ghi nhận ca mắc Omicron, Bộ Y tế cảnh báo tốc độ lây nhiễm; hơn 80 F0 ở Hải Phòng chuyển nặng Thủ tướng yêu cầu lộ trình cụ thể mở cửa lại trường học, cả nước ghi nhận hàng nghìn F0 trong cộng đồng, Bộ Y ... |
| Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2022: Phục hồi và bứt tốc tăng trưởng, khơi dậy sức bật của các ngành, địa phương và doanh nghiệp Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề "Phục hồi và bứt tốc tăng trưởng: Từ chính sách kích thích kinh ... |