Tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân tại phường 5, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh ngày 17/2. (Nguồn: TTXVN) |
Tính đến ngày 18/2, tổng số vaccine đã được tiêm là 190.919.218 liều. Trong đó, số lượng tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 174.168.950 liều: mũi 1 là 70.866.623 liều; mũi 2 là 67.250.297 liều; mũi 3 là 1.443.914 liều; mũi bổ sung là 13.265.091 liều; Mũi nhắc lại là 21.343.025 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.750.268 liều: Mũi 1 là 8.606.707 liều; Mũi 2 là 8.143.561 liều.
Điều chỉnh giá xét nghiệm SARS-CoV-2
Theo Thông tư 02/2022/TT-BYT quy định giá xét nghiệm SARS-CoV-2, do Bộ Y tế mới ban hành và có hiệu lực từ ngày 21/2, mức giá trần mới sẽ giảm cao nhất khoảng 30% so với giá hiện hành.
Thông tư quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 do cơ sở y tế của Nhà nước thực hiện, bao gồm việc lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.
Thông tư áp dụng đối với các trường hợp thanh toán chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; người sử dụng dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 tự chi trả và các trường hợp được ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Không áp dụng đối với các trường hợp lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cộng đồng do ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm
Mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế như sau:
Xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh mẫu đơn: Giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định có mức thanh toán tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm. Như vậy, mức giá mới giảm khoảng 30% so với mức giá theo quy định hiện hành (Thông tư 16) là 109.700 đồng/xét nghiệm.
Hà Nội: Số ca mắc mới tăng mạnh
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18h ngày 18/2 đến 18h ngày 19/2, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng mạnh lên 4.869 ca (tăng 320 ca so với ngày trước đó), trong đó có 1.206 ca tại cộng đồng và 3.663 ca đã cách ly.
Cộng dồn số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay, là 196.416 ca.
Để bảo đảm công tác điều trị cho trẻ mắc Covid-19 trong thời gian học sinh, sinh viên đến trường học tập trung trở lại, Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn khẩn số 79/SYT-NVY về công tác điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 gửi các bệnh viện trong và ngoài công lập; 30 trung tâm y tế của quận, huyện, thị xã.
Theo hướng dẫn điều chỉnh (lần thứ 7) về phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19, trẻ em trên 3 tháng tuổi mắc Covid-19 sẽ được điều trị tại nhà, nếu không đủ điều kiện điều trị tại nhà, sẽ được chuyển điều trị tại cơ sở thu dung quận, huyện.
Ngày 19/2, hơn 1.000 F1 ở Yên Bái dương tính
Trong ngày 19/2, tỉnh Yên Bái ghi nhận 1.150 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có đến 1.052 trường hợp là F1 đã được cách ly trước đó.
Về kết quả điều trị, đến nay đã có 2.514/7.204 người khỏi bệnh, ra viện.
Về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, đối với trẻ em từ đủ 12 - dưới 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi đạt trên 99%; đã tiêm 2 mũi đạt 95,9%. Tỷ lệ người lớn đã tiêm ít nhất 1 mũi đạt trên 99%; tiêm từ 2 mũi trở lên đạt trên 99%; tiêm 3 mũi đạt 86,7%.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), thành phố Yên Bái quyết định tạm dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc, làm đẹp, bán hàng rong, bán vé xổ số dạo, hoạt động luyện tập thể dục thể thao ngoài trời, karaoke, mát-xa, các cơ sở cung ứng tập luyện thể thao trong nhà…
Đối với hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp trên địa bàn thành phố, dừng việc dạy học đối với học sinh mầm non, tổ chức học trực tuyến với các trường tiểu học, trung học cơ sở.
Đối với các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường chuyên nghiệp được tổ chức học trực tiếp nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch...
Cán bộ phụ trách y tế của Trường tiểu học Trưng Nhị, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra thân nhiệt cho học sinh. (Nguồn: Báo SK&ĐS) |
Vĩnh Phúc điều chỉnh hình thức học từ ngày 21/2
Ngày 19/2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành văn bản số 957/UBND-VX2 về đảm bảo an toàn cho học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và tình hình thời tiết rét đậm, rét hại.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở chuyển trạng thái từ học tập trực tiếp sang trực tuyến từ ngày 21/2. Các trường mầm non tiếp tục mở cửa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, tạo điều kiện để phụ huynh yên tâm lao động, sản xuất. Các trường trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên duy trì dạy học trực tiếp, đồng thời tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh thuộc diện F0, F1, kể cả học sinh có yếu tố bệnh nền nếu phụ huynh có yêu cầu và đảm bảo các điều kiện học tập hiệu quả.
Đây được cho là phương án tối ưu, vừa đảm bảo an toàn của tỉnh Vĩnh Phúc cho các đối tượng học sinh, vừa đảm bảo chất lượng dạy - học, đáp ứng nhu cầu của các phụ huynh, gia đình học sinh trước tình hình lây lan dịch bệnh trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh và thời tiết rét đậm, rét hại trong tuần tới.
Trước đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã cho học sinh toàn tỉnh bắt đầu đi học trực tiếp trở lại từ ngày 7/2 và ngày 9/2 tùy theo từng địa bàn. Đến ngày 14/2, 100% trường lớp các bậc, cấp học trên toàn tỉnh đã mở cửa đón trẻ em và học sinh.
Tuy nhiên, liên tiếp những ngày gần đây, tỉnh ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao, trong đó ngày 18/2, tỉnh ghi nhận 2.158 ca F0, còn ngày 19/2 là 1.394 ca (và 12.850 ca bổ sung).
Hà Nam ghi nhận 11 bệnh nhân tử vong, đều chưa tiêm vaccine
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, trong ngày 19/2 trên địa bàn ghi nhận 236 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trong số đó có 195 F0 phát hiện qua sàng lọc y tế và 31 F0 ghi nhận tại khu vực phong tỏa, cách ly tại nhà.
Luỹ kế từ khi xuất hiện ca bệnh BN687.470 ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP. Phủ Lý vào chiều 19/9/2021 đến tối 19/2/2022, Hà Nam ghi nhận 9.365 ca mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp mã.
Trong ngày 19/2, Hà Nam cũng ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 tử vong. 2 bệnh nhân này đã 92 tuổi và 84 tuổi, chưa tiêm vaccine, có tiền sử bệnh nền.
BS. Trương Mạnh Sức - Giám đốc CDC Hà Nam cho biết, cả 11 bệnh nhân tử vong tại Hà Nam đến thời điểm này đều là người cao tuổi (từ 68 đến trên 92 tuổi), có nhiều bệnh nền và đa số chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 do sức khỏe không bảo đảm.
Về kết quả điều trị, đến nay đã có 8.840 người khỏi, ra viện. Hiện toàn tỉnh còn 11.222 trường hợp F1 đang cách ly y tế tại nhà.
Theo CDC Hà Nam, các lễ hội lớn đã được mở trở lại, giao thương buôn bán trở lại bình thường nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao. Khi có các biểu hiện ho, sốt, rát họng, mất vị giác... người dân cần báo cho cán bộ y tế để được xét nghiệm tầm soát Covid-19.
Thanh Hóa tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa trong ngày 19/2, trên địa bàn tỉnh này ghi nhận 930 bệnh nhân mắc Covid-19 mới. Đáng chú ý là từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, số ca bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh tăng mạnh và số bệnh nhân nguy kịch, tử vong do Covid-19 có xu hướng tăng nhanh.
Cùng ngày, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành công điện khẩn về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, các sở, ban ngành trong toàn tỉnh tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm túc chiến lược “5K + vaccine xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác”.
Quảng Trị đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng
Ngày 19/2, tỉnh Quảng Trị ghi nhận thêm 518 ca mắc Covid-19 – cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh này lên 10.129 ca; trong đó 14 ca tử vong. Hiện hàng trăm ca đang điều trị tại nhà và cơ sở y tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng, Tổ Covid-19 cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” rà soát, thống kê các đối tượng chưa tiêm chủng, nhất là những người ở nhóm nguy cơ cao, có bệnh nền để vận động tham gia tiêm chủng đầy đủ; trừ những trường hợp chống chỉ định tiêm...
Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai tiêm chủng lưu động đối với những trường hợp không có khả năng di chuyển tới địa điểm tiêm. Các địa phương cần đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc có đủ vaccine mà không hoàn thành được mục tiêu tiêm chủng thì chịu trách nhiệm trước UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện và phải kiểm điểm, xác định trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể...
| Covid-19 sáng 19/2: Ghi nhận 200 ca mắc Omicron tại 17 tỉnh, thành; Các cơ sở Y tế tiếp nhận điều trị trẻ F0; Khuyến cáo về vaccine cho trẻ 5-11 tuổi Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 200 ca mắc biến thể Omicron tại 17 tỉnh, thành phố. Lần đầu trong hơn 2 năm qua, ... |
| Số ca mắc Covid-19 cao, Nghệ An khuyến cáo người dân không chủ quan trong phòng, chống dịch Toàn tỉnh hiện có 20.842 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, chưa có chiều hướng giảm về số ca nhiễm mới và số ca trong ... |