Trong 24 giờ qua (từ 16h ngày 22/2 đến 16h ngày 23/2), Việt Nam ghi nhận 60.355 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó, 17 ca nhập cảnh và 60.338 ca ghi nhận trong nước (tăng 4.467 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 42.145 ca trong cộng đồng).
Khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19. (Nguồn: VGP) |
Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca bệnh gồm: Hà Nội (7.419), Bắc Giang (2.998), Hải Dương (2.944), Hòa Bình (2.595), Bắc Ninh (2.505), Phú Thọ (2.499), Nam Định (2.203), Vĩnh Phúc (2.013), Quảng Ninh (1.868), Hải Phòng (1.816), Ninh Bình (1.739), Hưng Yên (1.617), Yên Bái (1.556), Nghệ An (1.525), Thái Nguyên (1.499), TP. Hồ Chí Minh (1.451), Lào Cai (1.406), Thái Bình (1.385), Lạng Sơn (1.322), Khánh Hòa (1.296), Tuyên Quang (1.277), Đắk Lắk (1.262), Quảng Nam (1.097), Bình Định (1.059), Hà Giang (1.057)…
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.972.378 ca nhiễm, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 30.092 ca nhiễm).
Thủ tướng chỉ đạo khẩn về đẩy mạnh phòng, chống Covid-19
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện gửi các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh thành về việc tiêm vaccine và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong phòng chống dịch Covid-19. Công điện nêu rõ, cần phải thực hiện nghiêm, quyết liệt, hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vaccine, đồng thời kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng trong phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh thành được yêu cầu thần tốc hơn nữa tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên để kịp hoàn thành trong quý I năm 2022. Tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tháng 2 năm 2022. Chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức tiêm vaccine an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bố trí các điểm tiêm chủng tập trung, lưu động, tại nhà để mọi đối tượng được tiêm chủng miễn phí, kịp thời, đúng quy định với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người". Đặc biệt quan tâm đến người cao tuổi, người có bệnh nền, người không đi lại được, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện hợp đồng mua vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo nghị quyết của Chính phủ và các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Y tế cũng được giao kiểm tra về giá, chất lượng đối với các loại vaccine, thuốc, sinh phẩm, kít xét nghiệm… Kịp thời phát hiện các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường, xử lý nghiêm theo pháp luật các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình, chính sách để trục lợi, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Ngoài ra, Bộ Y tế còn được giao nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện và phổ biến ngay hướng dẫn chăm sóc, điều trị hiệu quả tại nhà cho người nhiễm Covid-19, nhất là trẻ em, đối với các trường hợp không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, không gây quá tải cho các cơ sở y tế.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương hoàn thiện và thực hiện nhất quán các quy trình, phương án, hướng dẫn trong tổ chức dạy và học chủ động phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế chính thức công bố giá bán lẻ thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 vừa cấp phép
Chiều 23/2, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã chính thức công bố giá bán thuốc Molnupiravirđiều trị Covid-19 vừa được Bộ Y tế cấp phép. Cụ thể:
- Thuốc Molnupiravir (400 mg) dạng viên nang cứng do Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất có giá là 11.500 đồng/viên. Dạng hộp có 1, 2, 5 vỉ x 10 viên/vỉ.
- Giá của thuốc Molnupiravir (200 mg) dạng viên nang của Công ty Cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar có giá 8.675 đồng/viên. Dạng hộp 10 vỉ x 10 viên.
- Đơn vị thứ 3 được Cục Quản lý Dược Bộ Y tế công bố giá bán là Công ty TNHH liên doanh Stellapharm chi nhánh 1 có giá 12.500 đồng/viên (dạng viên nang cứng), mỗi hộp 1 vỉ hoặc 2 vỉ x 10 viên.
Trước đó vào chiều 17/2, Cục Quản lý Dược đã cấp giấy phép lưu hành có điều kiện cho thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir 400 mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm Việt Nam sản xuất; thuốc Molravir 400 mg của Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam và Movinavir của Công ty Cổ phần dược phẩm Mekorpha.
Theo các chuyên gia, việc có 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước được cấp giấy phép lưu hành trong thời hạn 3 năm đã giúp người mắc Covid-19 mức độ nhẹ và vừa có thêm cơ hội lựa chọn thuốc điều trị.
Hà Nam: Tiếp tục gia tăng nhiều F0 trong ngày
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, trong ngày 23/2 trên địa bàn tỉnh Hà Nam ghi nhận 448 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tăng 68 trường hợp so với ngày 22/2.
Trong số các ca bệnh mới ghi nhận, có 7 trường hợp liên quan đến khu cách ly phong tỏa; 427 trường hợp qua sàng lọc y tế. Trong ngày 23/2, tỉnh Hà Nam ghi nhận thêm một trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong, nâng số tử vong cộng dồn từ ngày 1/1, đến nay là 14 người. Đây đều là các trường hợp chưa tiêm và chưa tiêm đủ liều vaccine.
Quảng Ngãi xử lý nghiêm người cố tình không tiêm vaccine ngừa Covid-19
Tại cuộc họp bàn giải pháp phòng, chống dịch của địa phương chiều 23/2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch linh hoạt, phù hợp, nhất là hướng dẫn cách ly, điều trị đối với bệnh nhân mắc Covid-19.
Trong đó, ngành y tế chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết khi có chủ trương tổ chức tiêm ngay vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quyết định việc học trực tiếp hay học trực tuyến tại địa phương.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thực tế tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương có trường hợp đủ điều kiện tiêm vaccine nhưng lại không tiêm đúng lịch, tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan dịch trong cộng đồng, ảnh hưởng đến công việc và những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch.
“Giao cho các sở, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ người dân cũng cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý. Nếu như, trường hợp nào đủ điều kiện tiêm nhưng không tiêm vaccine phòng Covid-19 thì xử lý kiên quyết, thậm chí là xử lý kỷ luật", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.
F0 đang điều trị tại nhà được hưởng những quyền lợi gì?
Người mắc Covid-19 điều trị tại nhà được xác định là bệnh nhân nên thời gian điều trị tại nhà được xác định là thời gian nghỉ ốm. Bởi vậy, người mắc Covid-19 cũng được áp dụng các chính sách an sinh xã hội, các khoản hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Tra từ khóa "điều trị F0 tại nhà" trên google, chỉ trong 0,68 giây có đến 40.400.000 kết quả. Phần lớn những thông tin được quan tâm là các hướng dẫn về những loại thuốc điều trị, thời gian cách ly, cách chăm sóc F0… Tuy nhiên, những quyền lợi sau đây mà người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà cũng nên biết.
Theo TS.LS Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), người mắc Covid-19 điều trị tại nhà được xác định là bệnh nhân nên thời gian điều trị tại nhà được xác định là thời gian nghỉ ốm.
Bởi vậy, ngoài các quyền lợi, chế độ riêng mà nhà nước quy định dành cho người mắc Covid-19 thì người mắc Covid-19 điều trị tại nhà còn được áp dụng các chính sách an sinh xã hội, các khoản hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Người mắc Covid-19 có thể được hưởng 4 quyền lợi sau:
Thứ nhất, được hỗ trợ đến 3.000.000 đồng từ Công đoàn đối với người lao động đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức.
Theo nội dung Quyết định 3749/QĐ-TLĐ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định đoàn viên, người lao động là F0 không vi phạm quy định về phòng, chống dịch được nhận hỗ trợ: Tối đa 3 triệu đồng nếu/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế theo giấy xác nhận của cơ quan y tế;
Tối đa 1,5 triệu đồng/người nếu điều trị tại nhà từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế dưới 21 ngày theo xác nhận của cơ quan y tế.
Căn cứ vào quyết định này thì Công đoàn của từng tỉnh sẽ có hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục để người lao động nhận khoản tiền hỗ trợ này. Về nguyên tắc, theo quy định của văn bản này thì mỗi người chỉ được nhận một lần khi mắc Covid-19.
"Theo quy định hiện nay về việc cách ly y tế tại nhà đối với F0 thì thời gian cách ly là 7 ngày. Bởi vậy trong trường hợp cơ sở y tế không gia hạn thời hạn cách ly tại nhà (bởi trong 7 ngày người mắc F0 đã âm tính) thì những trường hợp cách ly dưới 21 ngày sẽ không được nhận khoản tiền trợ cấp này.
Còn trong trường hợp những người phải nghỉ việc để điều trị đủ thời hạn quy định nêu trên thì có thể liên hệ với cán bộ công đoàn của cơ quan hoặc công đoàn cơ sở để được thực hiện thủ tục và nhận hỗ trợ theo quy định pháp luật", luật sư Cường chia sẻ.
Thứ hai, tiền bảo hiểm của chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội đối với những người tham gia đóng bảo hiểm xã hội.
Đối với những người lao động có hợp đồng lao động và tham gia đóng bảo hiểm xã hội khi bị nhiễm Covid-19 phải nghỉ việc, có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo Điều 25 (Luật Bảo hiểm xã hội). Thời gian hưởng chế độ ốm đau được quy định tại Điều 26 của Luật này.
Cụ thể: Với những người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì: 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 - dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm. Nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở trở lên.
Trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 (Điều 28, Luật Bảo hiểm xã hội).
Thủ tục người lao động được hưởng khoản trợ cấp này được thực hiện theo Công văn 238/BYT-KCB. Theo đó, F0 cần chuẩn bị bản chính hoặc bản sao giấy ra viện (nếu điều trị nội trú) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (nếu điều trị ngoại trú) sau đó chuyển cho người sử dụng lao động để làm thủ tục hưởng chế độ.
| Hà Nội: Covid-19 tăng mạnh, nhiều trường đại học hoãn học trực tiếp Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, một số trường đại học đã thông báo hoãn lịch học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến. |
| Chương trình Gala bế mạc Olympic Bắc Kinh 2022 thu hút sự chú ý khủng của dư luận. Đặc biệt, màn trình diễn của 'Hoàng ... |