Nhỏ Bình thường Lớn

Covid-19 sáng 3/12: Hà Nội cho học sinh đi học trở lại vào 6/12, đối tượng nào được tiêm liều vaccine bổ sung?

Trong 6 ngày, Hà Nội ghi nhận hơn 1.700 ca mắc Covid-19. Số ca tử vong trong ngày 2/12 ở TP. Hồ Chí Minh tăng cao nhất trong một tháng qua. Từ ngày 6/12, học sinh lớp 9-12 ở Hà Nội được đi học trở lại.

Trong 24h qua (từ 16h ngày 1/12 đến 16h ngày 2/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.698 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 13.677 ca ghi nhận trong nước (giảm 829 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 7.538 ca trong cộng đồng).

Lực lượng y tế tiêm vaccine cho học sinh trường THPT Thành Sen.
Lực lượng y tế tiêm vaccine cho học sinh trường THPT Thành Sen, Hà Tĩnh. (Nguồn: TTXVN)

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.266.288 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.846 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.261.035 ca, trong đó có 1.002.493 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (473.871), Bình Dương (283.287), Đồng Nai (88.230), Long An (38.404), Tây Ninh (30.125).

Trong 6 ngày, Hà Nội ghi nhận hơn 1.700 ca

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành công điện về triển khai các biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Theo đánh giá, từ ngày 11/10 đến 1/12, Hà Nội đã ghi nhận 6.568 ca mắc. Đáng chú ý, từ ngày 25/11 đến ngày 1/12 (trong vòng 6 ngày), thành phố đã ghi nhận 1.751 ca mắc (trung bình 291 ca/ngày), phần lớn các ca mắc đều được phát hiện trong cộng đồng (tỷ lệ khoảng 38% tổng số ca mắc). Trong số các ca cộng đồng, tỷ lệ mắc thứ phát chiếm tỷ lệ khoảng 70%.

Trong khi đó, tại các cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 của thành phố, mặc dù hiện nay, số ca bệnh nặng ở tầng 3 (điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch) chiếm tỷ lệ thấp (dưới 0,8%), tuy nhiên khi số ca bệnh tăng nhanh sẽ là thách thức lớn đối với các cơ sở y tế của thành phố.

Dự báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng nhanh khi các hoạt động kinh tế-xã hội, giao thương hàng hóa và di chuyển của người dân từ các địa phương trên cả nước về thành phố trong những tháng cuối năm tăng cao.

Do vậy, để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Chủ tịch thành phố yêu cầu Sở Y tế hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Cách ly tại nhà đối với các F1 ở 30 quận, huyện trên địa bàn Thủ đô

Hà Nội giao Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai phần mềm quản lý việc thu dung, điều trị F0 tại các cơ sở thu dung, cơ sở y tế và tại nhà (hoàn thành trước ngày 4/12) để triển khai trên toàn thành phố.

Hà Nội quy định từ ngày 17/11, cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế. (Ảnh: TTXVN)
Hà Nội quy định từ ngày 17/11, cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với đó, thành phố cũng tăng cường phân luồng các bệnh viện, hệ thống y tế ngoài công lập, các cơ sở xét nghiệm đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế về các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để triển khai phương án đáp ứng thu dung điều trị và cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị người nhiễm Covid-19 (hoàn thành chậm nhất trong ngày 5/12).

Đáng chú ý, Chủ tịch thành phố giao Trưởng Ban chỉ đạo, Chủ tịch các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phường, xã, thị trấn và các lực lượng chức năng tại cơ sở triển khai phương án mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, cách ly tự nguyện tại các cơ sở lưu trú và cách ly tại nhà trên địa bàn đối với các trường hợp F1 trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã đảm bảo điều kiện theo quy định.

Các địa phương phối hợp Sở Y tế triển khai ngay các cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 thể nhẹ, không triệu chứng theo mô hình Trạm Y tế lưu động của Phương án 263/PA-UBND, đảm bảo mỗi phường, xã, thị trấn có bình quân ít nhất 150 giường bệnh (yêu cầu hoàn thành trong ngày 2/12).

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng đề nghị mỗi người dân, cơ quan, đơn vị nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng, đảm bảo chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. "Người dân cần tuyệt đối thực hiện thông điệp 5K, luôn luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách an toàn tối đa, hạn chế việc tập trung đông người ngoài trụ sở cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học,” công điện nhấn mạnh.

Thành phố cũng khuyến cáo người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 18 tuổi khi chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 cần hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.

Cho phép học sinh đi học trở lại

Ngày 2/12, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng ký ban hành văn thống nhất đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho học sinh khối lớp 10, 11, 12 của các trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19 từ thứ Hai, ngày 6/12 tới.

Công văn nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc cho học sinh khối lớp 10, 11, 12 của các trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trở lại trường học sau thời gian tạm dừng để phòng, chống dịch Covid-19; UBND thành phố thống nhất với đề xuất tại tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, tại các đơn vị xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; trong 14 ngày tính đến thời điểm ngày 30/11 không có các ca F0 trong cộng đồng, cho phép học sinh khối lớp 10, 11, 12 các trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trở lại trường học sau thời gian tạm dừng để phòng, chống dịch Covid-19, bắt đầu từ ngày 6/12.

Cụ thể, đối với các huyện, thị xã: Học sinh các khối lớp 9, 10, 11, 12 đi học trực tiếp; học sinh cấp tiểu học và học sinh khối lớp 6, 7, 8 học trực tuyến; trẻ mầm non nghỉ tại nhà.

Đối với các quận: Học sinh các khối lớp 10, 11, 12 đi học trực tiếp; học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở học trực tuyến; trẻ mầm non nghỉ tại nhà.

Về nguyên tắc thực hiện, trường học phải đạt yêu cầu an toàn phòng, chống dịch; giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng dịch Covid-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp; không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường; học sinh tự mang theo nước uống cá nhân; chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày.

Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Sẽ tiêm 1 mũi nhắc lại sau 6 tháng tiêm đủ liều cơ bản vaccine phòng Covid-19

Theo Bộ Y tế, người dẫn sẽ được tiêm 1 mũi nhắc lại sau ít nhất 6 tháng hoàn thành mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung; sử dụng vaccine cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA.

Đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng hơn 120 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi; trong đó đã có hơn 94% người được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và gần 68% người tiêm đủ 2 liều; một số tỉnh, thành phố đã tiêm đủ 2 mũi cho khoảng 80-90% số người trên 18 tuổi trên địa bàn.

Theo đó, việc tiêm đủ liều cơ bản là rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid -19 nên cần được ưu tiên tối đa.

Về việc tiêm liều bổ sung vaccine phòng Covid-19 được thực hiện đối với các nhóm đối tượng bao gồm: Người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng; người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế…. Việc tiêm nhắc lại sử dụng vaccine cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA; tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vaccine.

Mở lại bay quốc tế sẽ thận trọng hơn vì biến chủng Omicron

Thông tin tại Phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 2/12, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết do biến chủng mới Omicron nên các quốc gia đều xem xét thận trọng hơn và có đánh giá kỹ việc mở lại bay quốc tế.

Vì vậy, theo kế hoạch ban đầu của Bộ Giao thông Vận tải,, dự kiến đầu tháng 12 có thể mở một số đường bay nhưng do biến chủng mới, kế hoạch này cần rà soát lại đồng thời làm việc với các quốc gia để có phương án cuối cùng.

Tuy nhiên, theo ông Đông, việc mở lại bay quốc tế là nhu cầu thực tế, khách quan và không chỉ riêng Việt Nam, nhiều nước cũng xem xét mở lại bay quốc tế nhằm phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy giao thương, du lịch và đi lại của người dân.

Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó có danh sách các quốc gia dự kiến cùng điều kiện mở lại.

Cụ thể, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc thì có 10 quốc gia khác và chia thành 3 giai đoạn khác nhau, với lộ trình khách nhau. Cùng với đó là tần suất khai thác và biện pháp phòng chống dịch kèm theo để đảm bảo nhu cầu đi lại theo cầu của các thị trường đó.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, điều kiện để mở lại chuyến bay trước hết phải xem xét là công tác phòng, chống dịch, tỷ lệ tiêm vaccine của người dân và quan trọng hơn hết là sự đồng thuận của các quốc gia về phương thức kết nối, trong đó hộ chiếu vaccine cũng là công cụ để cơ quan chức năng xem xét việc mở lại các chuyến bay và đưa ra biện pháp cụ thể.

Số ca tử vong trong ngày 2/12 ở TP. Hồ Chí Minh tăng cao nhất trong một tháng qua

Theo ghi nhận, trong suốt tháng 11, số ca tử vong cao nhất ở TP. Hồ Chí Minh là 77 ca, nhưng đầu tháng 12, số ca tử vong đã tăng lên và ngày 2/12 đã tăng cao nhất trong một tháng qua.

TP Hồ Chí Minh đang có 3.089 người được hỗ trợ hô hấp, thở máy xâm lấn.
TP. Hồ Chí Minh đang có 3.089 người được hỗ trợ hô hấp, thở máy xâm lấn. (Nguồn: Báo Tin tức)

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong số 80 người tử vong ghi nhận trong ngày tại TP. Hồ Chí Minh có 9 người chuyển viện từ các tỉnh khác. Trong số những ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh, có 86% kèm bệnh nền, 87,5% có độ tuổi từ 50 trở lên. Không có trường hợp tử vong ở người dưới 18 tuổi và ở phụ nữ mang thai.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, số ca nhập viện tầng 2, 3 trong ngày là 1.249 người, tuy nhiên số ca xuất viện chỉ 1.070 người. Hiện tại các bệnh viện tầng 2, 3 đang điều trị 13.956 người, trong đó có 3.089 người được hỗ trợ hô hấp, thở máy xâm lấn.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đang có 5.666 người đang cách ly điều trị các cơ sở cách ly tập trung và 66.364 người đang cách ly, điều trị tại nhà. Như vậy, hiện Thành phố đang có tổng cộng 85.986 bệnh nhân đang được điều trị, cách ly.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, số trường hợp nhập viện vẫn cao hơn số bệnh nhân xuất viện cùng với đó là số ca nặng, tử vong vẫn đang có khuynh hướng tăng, đặc biệt tập trung ở nhóm có bệnh lý nền, tuổi trên 50... do đó người dân cần thực hiện phòng bệnh không chỉ vì bản thân mà quan trọng là bảo vệ nhóm người có nguy cơ chuyển bệnh nặng nếu mắc Covid-19.

Trước tình hình số ca mắc mới, ca nhập viện và ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn đề nghị các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận người bệnh Covid-19, trong đó yêu cầu các bệnh viện khẩn trương xây dựng quy mô giường bệnh điều trị Covid-19 trước ngày 10/12. Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tuyệt đối không được đùn đẩy hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.

Covid-19 tối 2/12: Thêm 13.698 ca nhiễm mới trong 24 giờ tại 60 tỉnh, thành; CDC Thanh Hóa thông tin về hơn 120 trẻ nhập viện sau tiêm vaccine

Covid-19 tối 2/12: Thêm 13.698 ca nhiễm mới trong 24 giờ tại 60 tỉnh, thành; CDC Thanh Hóa thông tin về hơn 120 trẻ nhập viện sau tiêm vaccine

Tính từ 16h ngày 1/12 đến 16h ngày 2/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.698 ca nhiễm mới, ...

Covid-19: Trung Quốc phát hiện chìa khóa 'hóa giải' đại dịch?

Covid-19: Trung Quốc phát hiện chìa khóa 'hóa giải' đại dịch?

Hãng tin RT của Nga đưa tin, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố phân lập được một loại kháng thể có thể ngăn ...

(tổng hợp)