📞

Covid-19 sáng 9/10, Bình thường mới ở TP. Hồ Chí Minh, dịch nghiêm trọng tại Hà Nam; Triển khai thí điểm 23 đường bay nội địa

Chu Văn 07:27 | 09/10/2021
Đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 827.033 ca, trong đó có 754.303 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.337 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
Máy bay Vietnam Airlines được tiến hành khử trùng để phòng tránh virus SARS-CoV-2. (Nguồn: CTV/Vietnam+)

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tích lũy cao trong đợt dịch này gồm: TP. Hồ Chí Minh (407.399), Bình Dương (220.480), Đồng Nai (53.752), Long An (33.165), Tiền Giang (14.433). Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.337 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

Bình thường mới ở TP. Hồ Chí Minh

Tham gia chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" để trả lời trực tiếp các thắc mắc của người dân về chủ đề Khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới, tối ngày 8/10, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, từ nay đến ngày 15/10, nếu tình hình dịch ổn định thì sẽ tính toán thêm, để không nói “bình thường mới” mà là "bình thường”.

Được biết 8 ngày qua, kể từ khi mở cửa trở lại, thành phố phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, sản xuất kinh doanh trở lại, song "không thể tiêu diệt ngay virus", thậm chí sau này sẽ có nhiều biến chủng mới, do đó phải chấp nhận sống và làm việc với tình trạng có dịch trong thời gian nhất định mà không thể nói trước bao lâu.

+ Ngày 8/10 TP. Hồ Chí Minh đã tiêm được 72.375 người. Tại các điểm tiêm đều trật tự, ổn định.

+ Từ khi TP. Hồ Chí Minh bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 đến hết 8/10 đã tiêm được 12.118.174 mũi tiêm, trong đó 5.069.498 người tiêm mũi 2.

+ Người trên 18 tuổi đã tiêm 1 mũi là: 97,8%; người tiêm đủ 2 mũi là: 70,3%; người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi là: 74,89%; người trên 50 được tiêm 2 mũi là 66,04%.

+ Vaccine Vero Cell đã được tiêm cho 2.954.889 người.

Theo bà Thắng, trong điều kiện bình thường mới này, tất cả các chủ thể trong xã hội đều phải thích nghi linh hoạt cuộc sống, phát triển kinh tế hợp lý với tình hình dịch bệnh. Thành phố đã có những bước chuẩn bị, như tập trung vaccine cho các khu công nghiệp để hoạt động sau ngày 1/10 với tỉ lệ tiêm 2 mũi với tỉ lệ cao và các chuỗi cung ứng cũng đa số tiêm đầy đủ mũi 2. Đến nay, đã gần 70% người dân trên 18 tuổi ở thành phố đã tiêm mũi 2, cơ bản đủ điều kiện hoạt động trở lại.

Thành phố cũng đã làm việc với hệ thống các ngân hàng để ban hành các thông tư 01, 03 và 14 để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tập trung vào các hạng mục chính là giãn, giảm, khoanh nợ và không cho nhảy nhóm nợ đối với các doanh nghiệp đang vay vốn. Riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh, cá nhân có nhu cầu tiếp cận vốn cần liên hệ với các ngân hàng chính sách, các tổ chức hội đoàn ngay trên địa bàn đăng ký nhu cầu.

Những ngày này, TP. Hồ Chí Minh cũng chuẩn bị kế hoạch phân công các ngành y tế tiếp nhận chuyển giao khi lực lượng chi viện rút về và lộ trình chuyển đổi các bệnh viện Covid-19 theo hướng tái cấu trúc ngành y tế.

Tính đến 6/10, TP. Hồ Chí Minh có 20 quận, huyện và TP. Thủ Đức đề nghị công nhận kiểm soát dịch. Hiện thành phố còn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh chưa đề nghị công nhận kiểm soát được dịch Covid-19.

Điều kiện thí điểm 23 đường bay trên toàn quốc

Kế hoạch khai thác các chuyến bay được thực hiện thí điểm từ ngày 10/10-20/10 với 23 chuyến khứ hồi/ngày (46 chuyến/ngày). Bao gồm 10 chuyến khứ hồi từ TP. Hồ Chí Minh đi các địa phương, 6 chuyến khứ hồi từ Hà Nội, 4 chuyến từ Đà Nẵng và 3 chuyến từ Thanh Hóa.

Đó là thông tin từ cuộc họp trực tuyến toàn quốc về việc triển khai phục hồi các chuyến bay thương mại vận chuyển hành khách nội địa trong nước, giữa Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Lãnh đạo các Bộ Giao thông Vận tải, Y tế, Quốc phòng, Công an; 63 tỉnh, thành phố và các hãng hàng không Vietnam Airline, Bamboo Airway, VietJet Air, Pacific Airline.

Theo đó, quá trình triển khai phải bảo đảm thận trọng, tiến hành từng bước và mở rộng dần, trước hết là tổ chức thí điểm từ ngày 10 đến 20/10 và 50% số ghế. Trong giai đoạn 10 ngày thí điểm, dự kiến sẽ chỉ có các chuyến khứ hồi từ TP. Hồ Chí Minh đi các địa phương; khứ hồi từ Hà Nội; khứ hồi từ Đà Nẵng và khứ hồi từ Thanh Hóa. Số chuyến bay và địa phương tham gia chính thức vào giai đoạn thí điểm sẽ được Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh, thành thông báo sau.

Điều kiện được đưa ra là hành khách phải tiêm đủ liều vaccine (thẻ xanh trên sổ Sức khoẻ điện tử/PC-Covid hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19); đồng thời, có kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay...

Trong quá trình di chuyển từ cảng hàng không về nơi cư trú, lưu trú, hành khách luôn thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người; chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú. Tự theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú, lưu trú ít nhất 7 ngày (theo quy định cụ thể của từng địa phương).

Địa phương xét nghiệm vào ngày thứ hai kể từ khi khách về nơi cư trú, lưu trú đối với hành khách về từ vùng dịch.

Riêng Hà Nội đề nghị cho phép thành phố cách ly 7 ngày đối với hành khách tại khu cách ly của thành phố, hoặc tại các khách sạn do thành phố chỉ định (Hà Nội sẽ thông báo cụ thể các khách sạn được đón người cách ly).

Dịch nghiêm trọng tại Hà Nam

Đợt dịch Covid-19 lần này tại Hà Nam bị đánh giá khá nghiêm trọng với số lượng người mắc nhiều, lan rộng trên địa bàn tất cả các huyện, thị, thành phố. Đặc biệt có nhiều học sinh, công nhân trong các khu công nghiệp mắc bệnh. Ngoài ra, còn có 13 trường hợp cán bộ y tế nhiễm bệnh trong quá trình tham gia phòng chống dịch.

Hiện CDC Hà Nam đang phối hợp với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Dã chiến số 1 tiếp tục thu dung, cách ly, quản lý điều trị các ca bệnh.

Trong ngày 8/10, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã ghi nhận thêm 46 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 13 ca cộng đồng. Như vậy, kể từ ca bệnh BN687.470, ở xã Phù vân, TP. Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính vào chiều 19/9, đến 18 giờ ngày 8/10, Hà Nam ghi nhận 596 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã.

Ngành y tế Hà Nam đang khẩn trương truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các ca cộng đồng và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Ngay sau khi có ca bệnh Covid-19 đầu tiên, 100% công nhân KCN Châu Sơn (TP. Phủ Lý) đã được xét nghiệm sàng lọc, điều tra dịch tễ các trường hợp F1, F2, thực hiện khoanh vùng dập dịch. Đến nay, gần 100 công nhân đã xác định nhiễm SARS-CoV-2, trên 600 công nhân đang là F1 phải cách ly tập trung… Việc bảo đảm an toàn cho người lao động và sản xuất ở KCN Châu Sơn được quan tâm nhất lúc này.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 831.643 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.448 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 827.033 ca, trong đó có 754.303 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình, Lào Cai.

+ Có 9 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (407.399), Bình Dương (220.480), Đồng Nai (53.752), Long An (33.165), Tiền Giang (14.433).

Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19

(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 994

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 759.482

2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.361 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.594

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 848

- Thở máy không xâm lấn: 156

- Thở máy xâm lấn: 741

- ECMO: 22

3. Số bệnh nhân tử vong:

- Trong ngày ghi nhận 114 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (78), Bình Dương (17), An Giang (7), Đồng Nai (3), Long An (3), Đồng Tháp (1), Ninh Thuận (1), Kiên Giang (1), Bạc Liêu (1), Tây Ninh (1), Cần Thơ (1).

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 128 ca.

- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.337 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tình hình xét nghiệm

- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 181.202 xét nghiệm cho 308.169 lượt người.

- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 19.806.777 mẫu cho 55.416.974 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19

Trong ngày 07/10 có 1.498.557 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 50.558.288 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 36.901.468 liều, tiêm mũi 2 là 13.656.820 liều.

(Tổng hợp)