📞

Covid-19: 'Sóng thần’ càn quét, thế giới mắc kẹt giữa bất đồng, sai lầm và cái giá của việc giải cứu kinh tế

Hoàng Nam 14:11 | 24/11/2020
TGVN. Cái giá tính bằng triển vọng phục hồi kinh tế chính là điều đẩy cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 tại châu Âu, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, vào tình thế khó khăn hơn.
Cái giá tính bằng triển vọng phục hồi kinh tế chính là điều đẩy cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 vào tình thế khó khăn hơn. Trong ảnh: Bên trong một bệnh viện dã chiến được thiết lập tại Cung điện băng Krylatskoye để chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở Moscow, Nga. (Nguồn: Reuters)

Nếu như vào cuối năm 2019, giới chuyên gia đã từng đưa ra dự báo về những gam màu lạc quan trong bức tranh triển vọng thế giới năm 2020, như sự thịnh vượng toàn cầu đang tăng lên, các quốc gia đều cải thiện điều kiện sống, xung đột bạo lực giảm bớt,… thì cú sốc mang tên Covid-19 xuất hiện từ cuối năm 2019 đến nay đã khiến nền kinh tế nhiều nước nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung chao đảo, và triển vọng phục hồi vẫn rất bấp bênh.

Liên tiếp những kỷ lục buồn

Kể từ sau những ca mắc bệnh đầu tiên trên thế giới được ghi nhận ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, đến nay, sau 1 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, thế giới đã có gần 60 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 1,4 triệu ca tử vong.

Trong hơn 11 tháng qua, đã có lúc dịch có dấu hiệu lắng xuống như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, hay các nước châu Âu, nhưng rồi sau đó lại nhanh chóng bùng phát trở lại. Rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu hiện đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai, thậm chí thứ ba, gia tăng đến chóng mặt. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tốc độ gia tăng theo cấp số nhân số ca mắc mới Covid-19 kể từ đầu tháng 10.

Mỹ vẫn đang quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 khi mỗi ngày đều có thêm khoảng 150 nghìn ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng hơn 70% so với 2 tuần trước đó. Hồi tháng 3, khi đại dịch bùng phát lần đầu tiên, người ta chỉ biết đến New York là tâm dịch của nước Mỹ và virus SARS-CoV-2 hoành hành chủ yếu ở những bang bờ Đông gần New York. Nhưng lần này, đại dịch đã lan tới 49 trong tổng số 50 bang của nước Mỹ, đặc biệt ở khu vực Bờ Tây và Trung Tây. Hiện số ca mắc ở quốc gia này đã vượt qua con số 10 triệu (vào ngày 9/11), 11 triệu (vào ngày 15/11), và vượt 12,5 triệu ca (ngày 23/11).

Ở châu Âu, làn sóng dịch thứ hai đang phủ bóng đen lên toàn bộ châu Âu khi châu lục này liên tục "lập kỷ lục buồn" về số ca mắc mới mỗi ngày cao nhất thế giới.

Vào tháng 10, lần lượt Tây Ban Nha, rồi Pháp… trở thành hai nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) "ghi tên" vào danh sách các quốc gia có hơn 1 triệu ca mắc Covid-19. Sang đến tháng 11, Pháp đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc 2 triệu ca nhiễm Covid-19 (vào ngày 17/11). Nga sau đó cũng trở thành quốc gia thứ hai ở châu Âu (sau Pháp) có hơn 2 triệu ca nhiễm (vào ngày 21/11).

Trong khi đó, Đức vốn là nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới (tính trung bình cứ 100.000 dân Đức có 33,9 giường bệnh đặc biệt; trong khi con số đó ở Italy là 8,6), nhưng rồi Đức cũng đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai này…

Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge nhận định châu lục này đang chứng kiến tình trạng “bùng nổ” bệnh nhân Covid-19 khi chỉ trong vòng vài ngày, tổng số ca mắc mới cứ tăng thêm 1 triệu ca. Nghiêm trọng hơn là thời điểm khó khăn nhất châu Âu dường như vẫn ở phía trước. Làn sóng dịch bệnh thứ hai ập đến cũng khiến triển vọng phục hồi kinh tế vừa nhen nhóm trong quý III/2020 đã vội đi vào ngõ cụt. EU giờ đây cảnh báo tình hình kinh tế sẽ không thể trở về mức bình thường trước năm 2023.

Khu vực châu Á kể từ tháng 10 cũng liên tục ghi những "dấu mốc buồn" khi châu lục đông dân nhất thế giới này trở thành khu vực thứ hai có hơn 10 triệu ca nhiễm, chỉ sau Mỹ Latinh.

Có thể thấy, cái giá tính bằng triển vọng phục hồi kinh tế chính là điều đẩy cuộc chiến chống dịch bệnh tại châu Âu, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, vào tình thế khó khăn hơn. Các chính phủ đã phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai. Và điều này chắc chắn lại ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi kinh tế của các nước.

Nhìn trên góc độ toàn cầu, giới chuyên gia kinh tế của Viện Tài chính quốc tế (IIF) mới đây đưa ra dự báo đáng lo ngại: Tỷ lệ nợ/GDP sẽ tăng tới 365% trong những tháng tới, kèm theo bình luận đây sẽ là đợt “sóng thần nợ càn quét thế giới”.

Cho tới cuối năm 2020, theo IIF, tổng nợ toàn cầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục, là 277.000 tỷ USD. Dự báo dựa trên thực tế nợ toàn cầu là hơn 272.000 tỷ USD trong quý III/2020.

Vẫn theo IIF, gánh nặng nợ sẽ đặc biệt nặng nề ở các thị trường phát triển, khi tỷ lệ nợ/GDP tại khu vực này đã tăng vọt lên 431% so với tỷ lệ 380% cuối năm 2019. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế thế giới sẽ giảm 4,4% trong đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.

Bất đồng, rủi ro và những sai lầm

Trong báo cáo thường niên công bố tuần trước, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các chính phủ và ngân hàng trung ương đã hứa sẽ chi ra 19,5 nghìn tỷ USD để "ngăn đà suy giảm của nền kinh tế thế giới", trong đó các chính phủ đã công bố những biện pháp kích thích trị giá gần 12 nghìn tỷ USD (tính đến tháng 9/2020) và các ngân hàng trung ương đã chi ít nhất 7,5 nghìn tỷ USD để giảm bớt tác động của đại dịch đối với nền kinh tế của họ.

Tuy nhiên, bất chấp quy mô và tốc độ chưa từng có tiền lệ của cuộc giải cứu, bao gồm cắt giảm thuế, trả lương, cấp các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Hoạt động kinh tế và việc làm ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả ở Mỹ và châu Âu, vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với trước khi đại dịch xảy ra.

Dù các "ứng viên" vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2 cho thấy triển vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện trong năm tới, nhưng chúng vẫn không được kỳ vọng giúp ích nhiều cho các quốc gia trong tương lai gần. Và những trở ngại đối với việc đảm bảo hỗ trợ tài chính bổ sung có thể làm hỏng sự phục hồi vốn đã mong manh. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết "các quốc gia hiện phải đối mặt với một chặng đường dài được dự báo là sẽ khó khăn, không bằng phẳng, bất ổn và dễ bị thất bại".

Tại Mỹ, nơi số lượng ca nhiễm virus vẫn đang "bùng nổ". Quốc gia này đã bị mất khoảng 10 triệu việc làm kể từ khi đại dịch bắt đầu và một số bang hiện đang áp dụng các biện pháp hạn chế mới để kiềm chế sự gia tăng số ca lây nhiễm, khiến cho sự phục hồi càng trở nên khó khăn.

Trong khi đó, EU đang phải đối mặt với những bất đồng nội bộ, gây trì hoãn việc phê duyệt cuối cùng dành cho quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ Euro (tương đương gần 900 tỷ USD), vốn đã phải mất nhiều tháng để đàm phán và dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021. Mới đây nhất, tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của EU về Covid-19 (ngày 19/11) thảo luận biện pháp ứng phó với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai đang diễn biến phức tạp ở khu vực, các nhà lãnh đạo EU vẫn không thể đạt được nhất trí về quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ Euro này, mặc dù vẫn biết nhu cầu của nhiều nước được giải ngân hàng tỷ Euro hỗ trợ thúc đẩy kinh tế trong thời kỳ dịch Covid-19 vẫn hoành hành, là hết sức cấp thiết.

Trong bối cảnh một số quốc gia đang cần được giúp đỡ nhiều hơn để phục hồi sau cuộc khủng hoảng nhưng vẫn chưa thể nhận được, các nhà kinh tế cho rằng việc giảm bớt sự hỗ trợ của chính phủ quá sớm sẽ làm suy yếu sức hồi phục sau đại dịch. Mặc dù các ngân hàng trung ương được kỳ vọng cũng sẽ tung ra nhiều gói kích thích hơn nữa để cố gắng thúc đẩy nền kinh tế, nhưng họ hiện vẫn đang thiếu một kênh để gửi tiền trực tiếp đến các hộ gia đình.

Theo Neal Shearing, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics, rút hỗ trợ tài khóa sớm là "rủi ro lớn nhất" mà các nền kinh tế sẽ phải đối mặt trong ngắn hạn. Theo ông, đây sẽ là một sai lầm, gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế.

(theo TTXVN)