Tác động của dịch Covid-19 đã góp phần làm bộc lộ những lỗ hổng của nền kinh tế toàn cầu siêu kết nối. (Nguồn: Doc-research) |
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã bắt đầu một cuộc tấn công mới, giải pháp 'đảo ngược toàn cầu hóa - deglobalization' ở một chừng mực nào đó được cho là phát huy tác dụng trong kiềm chế dịch bệnh lây lan, song quá trình này cũng tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng như xung đột địa chính trị hay gia tăng chi phí sản xuất…
'Deglobalization'
Tác động của dịch Covid-19 đã góp phần làm bộc lộ những lỗ hổng của nền kinh tế toàn cầu siêu kết nối. Bởi vậy, một làn sóng rút khỏi xu thế toàn cầu hóa là điều không thể tránh khỏi. Ở một mức độ nào đó, quyết định này có thể có lợi cho các quốc gia ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, tương lai mới sẽ như thế nào còn phụ thuộc vào khả năng xây dựng và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương toàn diện, sâu sắc và hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến một điều chỉnh lớn trong xu thế toàn cầu hóa là do lỗ hổng trong các mô hình sản xuất dựa trên chuỗi cung ứng toàn cầu với quy mô lớn và phức tạp. Việc phụ thuộc quá lớn vào các nhà cung ứng trên phạm vi toàn cầu và không có giải pháp thay thế đã khiến nhiều nhà sản xuất gặp khó khăn trong việc duy trì dòng chảy của chuỗi giá trị. Và cuộc khủng hoảng Covid-19 cho thấy, chuỗi cung ứng có thể đứt gãy bất cứ lúc nào, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Trên thực tế, Trung Quố - quốc gia vốn được biết đến như một trung tâm lớn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài sản xuất các mặt hàng tiêu dùng phổ biến như điện thoại di động, hàng gia dụng, Trung Quốc còn là nhà cung cấp các thành phần chế biến dược phẩm lớn nhất thế giới. Kết quả là, khi dịch bệnh bùng phát từ quốc gia này, nguồn cung sản xuất gần như tất cả các sản phẩm y tế trên thế giới bị gián đoạn.
Hiển nhiên, các sắc lệnh phong tỏa và tạm đóng cửa kinh tế phát đi từ Bắc Kinh đã có ảnh hưởng đến nền sản xuất toàn cầu. May mắn thay, việc cơ bản khống chế được dịch bệnh đã giúp Trung Quốc dần trở lại nhịp sống bình thường, khôi phục được phần nào sản xuất trong nước. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo chắc chắn sự gián đoạn tương tự trong giai đoạn tới, nếu xảy ra, sẽ không nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài hơn.
Một sự gián đoạn như vậy có thể do một dịch bệnh hay thảm họa tự nhiên nào đó, giống như dịch Covid-19, hoặc cũng có thể đến từ các quyết định chính trị.
Điều này thậm chí đã nhen nhóm ngay từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát, khi Mỹ lấy cớ an ninh quốc gia để ngăn chặn sự mở rộng của Huawei. Một số chính phủ cũng đang có động thái tăng cường kiểm tra các khoản đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh các hoạt động chiến lược nhằm hồi hương các chuỗi cung ứng sản xuất. Cách tiếp cận này sẽ tăng cường khuyến khích việc chuyển đổi sản xuất hàng hóa về các nước, thay vì tập trung tại một quốc gia, lãnh thổ nào đó. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này cũng đem đến những rủi ro nghiêm trọng, từ chi phí sản xuất tăng vọt cho đến xung đột địa chính trị.
Hợp tác đa phương?
Gia tăng chi phí sản xuất là điều không thể tránh khỏi. Nhiều nền kinh tế đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và ít nhiều sẽ gây ra hiện tượng sản xuất dư thừa. Điều này có thể không quá khó khăn với các nền kinh tế lớn, nhưng các nền kinh tế vừa và nhỏ có thể sẽ phải chịu áp lực chi phí rất lớn. Bên cạnh đó, các quốc gia phải cố gắng dự trữ nguồn cung hàng hóa quan trọng cũng sẽ gặp khó khăn về chi phí.
Thậm chí, những lo ngại về vấn đề khí hậu, các khoản thuế, phí môi trường có thể làm căng thẳng thêm quan hệ thương mại quốc tế, thể hiện rõ nhất qua các động thái trả đũa lẫn nhau. Viện lý do an ninh quốc gia để giảm thương mại và đầu tư nước ngoài có thể dẫn tới căng thẳng chính trị, kéo nhiều nền kinh tế đi vào suy thoái.
Trên tờ Project Syndicate, Kemal Derviş, cựu Bộ trưởng các vấn đề kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là quản trị của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cho rằng, giải pháp cho vấn đề này có thể là các hình thức hợp tác đa phương có tính tích cực.
Chẳng hạn, WHO có thể đứng đầu phát triển một hệ thống cảnh báo sớm đại dịch, phát triển chính sách san sẻ chi phí, dự trữ thiết bị y tế, triển khai các gói tài chính hỗ trợ phát triển vaccine... Bằng cách này có thể cung cấp một nền tảng vững chắc hơn cho các quốc gia trong tư thế sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở quy mô toàn cầu, thay vì mỗi quốc gia phải “đơn thương, độc mã”.
Như nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Carmen Reinhart nhận định, dịch Covid-19 đã làm lộ rõ những bất ổn của xu thế toàn cầu hóa. Nhưng ở mức độ nào đó, sự đổi mới liên tục là cần thiết để tăng cường hiệu quả hợp tác toàn cầu, góp phần giảm thiểu các chi phí và tối đa hóa nhiều lợi ích từ an ninh, phát triển bền vững, tăng trưởng của các nền kinh tế. Tất nhiên, việc xây dựng mô hình hợp tác đa phương mới không phải đơn giản, đôi khi được xem là bất khả thi, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh rủi ro nào, thử nghiệm luôn là một lựa chọn không tồi.