Giới chuyên gia cho rằng, vaccine Covid-19 dạng xịt mũi có thể là một trong những liệu pháp hữu hiệu nhằm giúp khống chế đại dịch. (Nguồn: University of Houston) |
Tình hình dịch Covid-19
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới đã ghi nhận 399.559 ca mới, trong đó Mỹ chiếm nhiều nhất với 86.072 ca, tiếp theo là Anh với 36.100 ca và Thổ Nhĩ Kỳ là 27.688 ca.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tới nay, Mỹ là quốc gia chịu sự tác động nặng nề nhất với hơn 43,1 triệu ca mắc, trong đó có 694.619 ca tử vong, vượt số nạn nhân tử vong ở nước này trong đại dịch cúm toàn cầu năm 1918 là 675.000 ca.
Số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ hiện chiếm 14% số ca tử vong trên toàn cầu trong đại dịch này, dù dân số Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới.
Con số thống kê trên được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ hiện trải qua làn sóng lây lan thứ 4 của dịch Covid-19 do biến thể Delta gây ra, với đa số ca tử vong ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Hiện khoảng 24% số người Mỹ trưởng thành, tương đương gần 60 triệu người, vẫn chưa tiêm mũi vaccine đầu tiên ngừa Covid-19.
Tuy nhiên, ngày 20/9, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố nới lỏng mới về nhập cảnh.
Theo đó, từ tháng 11 tới, người từ Liên minh châu Âu (EU) và Anh nếu đã được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 sẽ có thể đến Mỹ, kể cả những người được tiêm vaccine đầy đủ theo các chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine chưa được cấp phép tại Anh.
Chính sách mới đánh dấu kết thúc lệnh cấm đi lại kéo dài 18 tháng được áp dụng từ thời chính quyền tiền nhiệm của ông Donald Trump khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ.
Tại châu Á, Thống đốc Jakarta của Indonesia Anies Baswedan khẳng định, cộng đồng quốc tế kinh ngạc về khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 của nước này đạt được thông qua sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ và người dân, với mục tiêu chung là đánh bại virus.
Trước đó, người phát ngôn về Chương trình tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi tuyên bố, Indonesia hiện được xếp hạng mức độ 2 dựa trên tình hình đại dịch được cải thiện, sau khi bị xếp hạng tối đa ở mức độ 4 vào tháng 7/2021.
Mặc dù vậy, chính phủ quyết định tiếp tục kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 1-4 tại Java và Bali cũng như tại các địa phương khác bên ngoài hai hòn đảo đông dân này thêm 2 tuần, từ ngày 21/9-4/10, nhưng sẽ nới lỏng các hạn chế trong một số lĩnh vực.
Tại Áo, Thủ tướng Sebastian Kurz cho hay sẽ đưa ra các quy định khác nhau về đeo khẩu trang ở nơi công cộng đối với những người đã được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng.
Từ ngày 15/9, tại các cửa hàng bán lẻ, tất cả khách hàng chưa tiêm vaccine Covid-19 phải đeo khẩu trang FFP2, người đã tiêm vaccine không bị bắt buộc nhưng được khuyến cáo nên tiếp tục đeo khẩu trang.
Trong các siêu thị và phương tiện giao thông công cộng, khẩu trang FFP2 sẽ là bắt buộc đối với tất cả mọi người, không được phép sử dụng khẩu trang vải. Vi phạm quy định về khẩu trang sẽ bị phạt 90 Euro.
Trong khi đó, Vatican tuyên bố, từ ngày 1/10 tới, những người muốn vào khu vực này cần phải có thẻ xanh Covid-19 chứng nhận đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc phục hồi sau khi mắc Covid-19.
Tuyên bố của Vatican được đưa ra trong bối cảnh Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên công bố sắc lệnh bắt buộc tất cả nhân viên công vụ và những người lao động trong khu vực tư nhân phải có thẻ xanh Covid-19 từ 15/10.
Rome đang tìm cách thuyết phục người dân tích cực tiêm chủng, qua đó giảm khả năng lây lan Covid-19 ở một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch.
Cùng ngày 20/9, Italy đã bắt đầu tiêm liều vaccine Covid-19 thứ ba cho khoảng 3 triệu người được coi là dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng, như những bệnh nhân ung thư và người được ghép tạng.
Cơ quan dược phẩm AIFA của Italy khuyến nghị nên sử dụng 2 loại vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna cho mũi tiêm thứ ba.
Tại Israel, Bộ Y tế thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đi lại tới Mexico từ ngày 27/9 do quốc gia Bắc Mỹ đã giảm đà lây lan dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, lệnh cấm đi lại vẫn có hiệu lực đối với Brazil, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Vaccine và tiêm chủng
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn gia tăng kể cả ở những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, các nhà khoa học trên thế giới đã và đang tích cực nghiên cứu vaccine dạng xịt mũi nhằm cung cấp khả năng miễn dịch trực tiếp đến khu vực dễ bị lây nhiễm dịch bệnh nhất.
Giới chuyên gia cho rằng đây có thể là một trong những liệu pháp hữu hiệu nhằm giúp khống chế đại dịch, bởi nó kích thích phản ứng miễn dịch trực tiếp tại mũi, làm giảm nguy cơ lây truyền cho người khác.
Vaccine dạng xịt cũng sẽ góp phần làm giảm khả năng bị virus xâm nhập vào phổi do tải lượng virus thấp hơn, đồng nghĩa khả năng chuyển biến nặng cũng ít hơn.
Bên cạnh đó, vaccine xịt mũi được cho là dễ dàng sử dụng ngay tại nhà cũng như không gây tâm lý sợ kim tiêm.
Trong nghiên cứu của Đại học Tours (Pháp) trên chuột được công bố tuần trước, 100% số chuột được xịt vaccine đã sống sót sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi những con không sử dụng vaccine đều chết.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để đánh giá 8 loại vaccine xịt mũi nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Trong số này, vaccine dạng xịt của Đại học Hạ Môn, Đại học Hong Kong và Công ty Dược sinh học Wantai Beijing đều của Trung Quốc đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2.
Trong khi đó, ngày 20/9, hãng Pfizer/BioNTech cho biết, vaccine Covid-19 của họ tạo phản ứng miễn dịch mạnh đối với trẻ em từ 5-11 tuổi, phù hợp với mức đã được quan sát ở độ tuổi 16-25 và nhìn chung có thể so sánh với nhóm tuổi cao hơn.
Hãng đang lên kế hoạch đề nghị cấp phép sử dụng vaccine này đối với trẻ em trong độ tuổi trên tại Mỹ, châu Âu và nhiều nơi khác trong thời gian sớm nhất.