Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay, ông không muốn có thêm lời hứa nào mà chỉ muốn có vaccine ngừa Covid-19 cho phép mọi quốc gia tiêm chủng ít nhất 40% dân số. (Nguồn: Reuters) |
Tình hình dịch Covid-19
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với gần 41,4 triệu ca Covid-19, trong đó 671.183 ca tử vong. Tiếp sau đó là Ấn Độ với hơn 33,13 triệu ca bệnh, trong đó 441.782 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với hơn 20,92 triệu ca, trong đó 584.458 người không qua khỏi.
Châu Á hiện ghi nhận xấp xỉ 80 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 1.065.42 người tử vong. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ, Iran, Malaysia, Philippines là những nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực này, dao động từ khoảng 12.700 đến 37.800 ca.
Nhiều nước châu Á đang hết sức cảnh giác với biến thể siêu lây nhiễm Delta và đưa ra quyết định tăng cường các biện pháp phòng dịch.
Tại cuộc họp của Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản diễn ra ngày 8/9, các chuyên gia y tế cảnh báo, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng hệ thống y tế nhìn chung vẫn đang trong tình trạng khó khăn, với tỷ lệ sử dụng giường bệnh khoảng 90%.
Theo đó, số ca mắc Covid-19 mới đã giảm nhiều so với trước đây hai tuần, nhưng số ca nhập viện điều trị vẫn ở mức cao, chủ yếu ở độ tuổi 20-50, đồng thời số ca nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng, nhất là độ tuổi trên 70, phải sử dụng máy hô hấp nhân tạo.
Trước tình hình này, Nhật Bản đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp tại 19 địa phương, trong đó có thủ đô Tokyo.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan trong dịp Tết Trung thu, chính phủ nước này quyết định gia hạn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 4 ở khu vực Seoul và vùng phụ cận và cấp độ 3 ở các khu vực khác thêm 4 tuần cho đến hết ngày 3/10.
Châu Âu đến nay có hơn 56,35 triệu bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong đó có 1.185.900 người không qua khỏi.
Dịch bệnh ở Đức có dấu hiệu gia tăng trở lại, trong bối cảnh giới chức y tế cảnh báo, làn sóng dịch thứ tư có thể bùng phát mạnh trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới.
Theo Viện Robert Koch (RKI), số ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua ở Đức là 13.565, cao hơn một chút so với tuần trước đó.
Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ mắc Covid-19 trong 7 ngày tính trên 100.000 dân đã giảm từ 83,8 ca xuống 82,7 trong ngày 8/9, tuy nhiên, con số trên lại cao hơn so với mức một tuần trước đó.
Dự kiến, bắt đầu từ mùa Thu và mùa Đông tới, Đức bắt đầu áp đặt quy tắc 3G trên phạm vi toàn quốc, theo đó tất cả những người tham gia các sự kiện tổ chức trong không gian trong nhà, đều buộc phải trình giấy chứng nhận đã được tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau khi mắc Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Ngày 8/9, tờ Politico dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến đề xuất cộng đồng quốc tế triệu tập một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu nhằm đưa ra phản ứng chung với đại dịch Covid-19.
Theo đó, nhà lãnh đạo Mỹ định lên lịch tổ chức hội nghị thượng đỉnh này gần với tuần lễ cấp cao tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, vốn sẽ bắt đầu vào ngày 20/9 tới.
Ông Biden có thể kêu gọi hội nghị toàn cầu này trong bài phát biểu vào chiều 9/9, khi ông sẽ nêu các bước tiếp theo để đối phó với làn sóng biến chủng Delta tại Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Biden muốn tận dụng hội nghị thượng đỉnh này để thảo luận các biện pháp cải thiện việc sản xuất và phân phối vaccine, trong đó có hợp tác quốc tế về nghiên cứu và phát triển biện pháp đối phó với Covid-19.
Tin cho biết, ông chủ Nhà Trắng không gửi lời mời chính thức tới các nước tham dự hội nghị, song một số nước đã được thông báo về kế hoạch của nhà lãnh đạo này.
Vaccine và tiêm chủng
Bộ Y tế Slovakia thông báo, chính phủ nước này đã cho phép tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả trẻ em từ 5-11 tuổi, bắt đầu từ ngày 9/9. Chương trình này hoàn toàn tự nguyện, dựa trên yêu cầu của các bậc cha mẹ và có sự nhất trí từ bác sĩ riêng của các em.
Mỗi em nhỏ trong độ tuổi theo chương trình này sẽ được tiêm 1/3 liều vaccine của Pfizer/BioNTech và bác sĩ riêng của các em sẽ giám sát liều lượng này.
Tại Đức, Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn và Chủ tịch RKI Lothar Wieler tái khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa Covid-19, cảnh báo nếu không tăng mạnh tỷ lệ tiêm chủng, làn sóng dịch thứ tư có thể bùng phát mạnh vào mùa Thu và mùa Đông này".
Ông Spahn cho biết, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 chưa được tiêm chủng tại các khoa chăm sóc đặc biệt đã chiếm tới hơn 90% số ca mắc mới.
Theo số liệu thống kê mới nhất của RKI, tính đến ngày 8/9, gần 51,3 triệu người ở Đức đã được tiêm chủng đầy đủ, nâng tỷ lệ tiêm phòng dịch tại nước này lên 61,7%, trong đó khoảng 55 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi.
Số liệu tổng kết của Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản công bố ngày 8/9 cho thấy, tiêm vaccine đã giúp giảm 100.000 ca mắc mới và hơn 8.000 ca tử vong tại nước này trong hai tháng 7 và 8.
Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono kêu gọi chính quyền địa phương tiếp tục nỗ lực thúc đẩy chương trình tiêm chủng vaccine trong khi chính phủ sẽ cố gắng đảm bảo nguồn cung vaccine. Dự kiến, sẽ có khoảng 90% trẻ em Nhật Bản từ 12-18 tuổi được tiêm cả 2 mũi trong tháng 10.
Ngày 8/9, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) khuyến nghị các quốc gia châu Mỹ nên ưu tiên việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú nhằm bảo vệ bà mẹ và thai nhi khỏi dịch bệnh và tử vong.
Theo Giám đốc PAHO Carissa Etienne, mặc dù một số nước trong khu vực đã tiêm phòng cho phụ nữ mang thai, song chưa tới một nửa số quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribbean đưa ra hướng dẫn tiêm chủng cho các đối tượng dân số này, trong khi phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng hơn nếu mắc bệnh, dẫn tới khả năng sinh non cao, thậm chí sảy thai.
Quan chức này khẳng định các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt là an toàn trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
Liên quan vấn đề tiêm chủng trong khu vực, giám đốc PAHO cảnh báo, tới nay sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine vẫn đang là vấn đề “không thể chấp nhận được” khi mới chỉ có 28% số dân Mỹ Latinh và Caribbean được chủng ngừa đầy đủ.
Trong khi đó, cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước gia hạn việc tạm ngừng triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu, nhằm cho phép mọi quốc gia tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, một tháng trước ông đã kêu gọi thế giới trì hoãn tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường ít nhất cho đến cuối tháng 9, song cho đến nay, tình hình dịch bệnh không thay đổi nhiều, vì vậy ông kêu gọi các quốc gia gia hạn việc triển khai mũi tăng cường ít nhất cho đến cuối năm nay, để cho phép mọi quốc gia tiêm chủng ít nhất 40% dân số.
Theo thống kê của WHO, trên toàn cầu có 5,5 tỷ liều vaccine đã được tiêm cho người dân, nhưng 80% trong số đó được sử dụng ở các nước có thu nhập cao và trung bình cao. Mặc dù các quốc gia có thu nhập cao đã hứa tặng hơn 1 tỷ liều thuốc, nhưng chưa đến 15% số liều đó đã thành hiện thực.
Người đứng đầu WHO khẳng định không muốn có thêm bất kỳ lời hứa nào nữa, chỉ mong muốn có vaccine phòng Covid-19.
Mặc dù vậy, ngày 8/9, Bộ Y tế Ireland thông báo, nước này sẽ tiêm mũi tăng cường vaccine Covid-19 cho những người trên 80 tuổi và những người trên 65 tuổi sống trong các cơ sở chăm sóc nội trú dài hạn đã được tiêm chủng đầy đủ ít nhất 6 tháng.
| Novavax thử nghiệm kết hợp vaccine, hy vọng 'đánh bại' các biến chủng Covid-19 mới Hãng dược Novavax của Mỹ ngày 8/9 cho biết đang bắt đầu thử nghiệm lâm sàng kết hợp vaccine Covid-19 với vaccine phòng bệnh cúm. |
| Tin thế giới 8/9: Trung Quốc có ý gì khi nói về chính quyền mới của Taliban? Mỹ tính mổ xẻ tất tật 'vụ Afghanistan'? WHO cảnh báo đau đớn Taliban công bố chính quyền mới ở Afghanistan và phản ứng quốc tế, quan hệ NATO-Trung Quốc, Nga-Mỹ, thỏa thuận hạt nhân Iran, Covid-19, bầu ... |