Tổng thống Nga Putin thông báo tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường. (Nguồn: TASS) |
Tại Nga, phát biểu trong cuộc họp với Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh Gamaleya Denis Logunov, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, ông đã tiêm hai mũi vaccine Sputnik V vào tháng 4 và 6/2021.
Dựa trên khuyến nghị của Trung tâm Gamaleya và giới chuyên môn, nhà lãnh đạo Nga đã tiêm liều tăng cường bằng một loại vaccine khác là Sputnik Light.
Cũng tại cuộc họp trên, Phó Giám đốc Logunov nêu rõ, hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm sau 6-8 tháng từ lúc tiêm, do đó ông kêu gọi người dân Nga tiêm mũi tăng cường để duy trì khả năng miễn dịch của cơ thể.
Được phát triển dựa trên vaccine Sputnik V, vaccine Sputnik Light đạt hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đơn cử như đạt hiệu quả phòng bệnh đến 70% trước biến thể Delta. Vaccine này cũng không gây tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm.
Tại Áo, ngày 22/11, nước này bắt đầu thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc thứ 4 với việc tạm dừng các hoạt động công cộng, trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên áp đặt trở lại lệnh phong tỏa trong mùa Thu này do tình trạng gia tăng đáng báo động trở lại các ca nhiễm mới Covid-19.
Chính phủ Áo cho biết, đợt phong tỏa lần này tương tự như những lần trước, nhưng là lần đầu tiên kể từ khi các chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh được triển khai rộng rãi.
Theo quy định mới, hầu hết các địa điểm tập trung đông người như nhà hàng, quán cà phê, quầy bar, rạp hát, cửa hàng không thiết yếu và tiệm làm tóc phải đóng cửa trong 10 ngày đầu và có thể kéo dài lên đến 20 ngày.
Mỗi gia đình chỉ được phép đại diện một người khi tiếp xúc với người ngoài. Nơi làm việc và trường học vẫn mở cửa, nhưng chính phủ khuyến khích các phụ huynh nên cho trẻ em ở nhà.
Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Y tế Wolfgang Mueckstein cho biết, đây là tình huống mà Áo cần phản ứng ngay lập tức và việc áp đặt các biện pháp ngăn chặn tương đối phiền toái này là lựa chọn duy nhất để giảm thiểu các ca nhiễm.
Trong một diễn biến khác, ngày 21/11, hàng nghìn người tuần hành tại thủ đô Brussels (Bỉ) để phản đối việc chính phủ siết chặt các biện pháp sức phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là việc áp dụng giấy chứng nhận an toàn với Covid-19. Một số ý kiến cho rằng các biện pháp này chính là yếu tố gây chia rẽ xã hội.
Với trung bình gần 10.300 ca nhiễm mới/ngày trong tuần qua, Bỉ đang ghi nhận tốc độ lây lan chưa từng thấy trong một năm qua. Hơn 2.000 bệnh nhân nhập viện, trong đó 25% phải điều trị tích cực - con số cao nhất kể từ tháng 5.
Tuần hành tương tự cũng diễn ra tại quốc gia láng giềng Hà Lan. Kể từ ngày 13/11, chính phủ nước này ra lệnh áp dụng phong tỏa một phần toàn bộ đất nước trong vòng 3 tuần nhằm ngăn chặn đà lây nhiễm của dịch.
Cùng ngày, chuyên gia hàng đầu về môi trường xây dựng Ireland Orla Hegarty, Phó Giáo sư thuộc trường Đại học kiến trúc - Đại học Dublin - nhận định, 50% số người tử vong do mắc Covid-19 nhiễm bệnh tại gần 400 tòa nhà và lẽ ra có thể giảm được nhiều ca tử vong nếu có hệ thống thông gió thích hợp.
Bà Orla Hegarty cho rằng, Nhóm khẩn cấp y tế công cộng quốc gia (Nphet) và ngay cả chính phủ Ireland đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của hệ thống thông gió thích hợp tại các tòa nhà, trong khi đây là một trong những biện pháp quan trọng chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Phó Giáo sư Hegarty nhấn mạnh hệ thống thông gió thích hợp cho các tòa nhà sẽ đảm bảo việc duy trì cung cấp không khí trong lành liên tục. Cùng với các quy định đeo khẩu trang, đây sẽ là biện pháp hiệu quả nhất ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.