Lần đầu tiên, lễ cầu an được chùa Phúc Khánh (Hà Nội) được tổ chức trực tuyến và phát trên fanpage và YouTube. (Nguồn: Vietnamnet) |
Không còn nỗi lo “phản cảm”
Có một thực tế trong nhiều năm qua là cứ mở đầu các lễ hội Xuân, người ta lại phải than phiền về hoạt cảnh “loạn” tại nhiều nơi, không chỉ gây đau đầu cho các nhà quản lý mà còn gây bức xúc mạnh mẽ trong dư luận xã hội.
Nói về tình trạng này, PGS.TS. Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, sự phát triển quá đà của hoạt động lễ hội như nhà chùa làm lễ dâng sao giải hạn, nhà sư làm đồng cốt, bán hàng “chặt chém” vẫn thu hút người hành hương… Những biến tướng này đã làm dung tục hóa nơi thờ tự hoặc làm mất đi nét đẹp văn hóa của việc đi lễ đầu năm.
Thế nhưng, hai mùa Covid-19 qua, căn bệnh “trầm kha” ấy dường như biến mất. Không còn cảnh xô xát hay chen lấn, việc đi lễ chùa đầu năm trong điều kiện Covid-19 đã trở lại nét đẹp vốn có là thăm viếng chùa cho tâm hồn được thanh thản, hanh thông và gạt bỏ những gì không tốt trong năm cũ. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm để các nhà quản lý có thể nhìn nhận lại những sai lạc và lộn xộn để dựng lại nề nếp cho lễ hội những năm về sau.
Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, việc đốt nhiều vàng mã, biến các lễ hội thành nơi “buôn thần bán thánh” là khuôn mặt xấu xí của nhiều lễ hội trong những năm qua. Số đông người dân đều mong muốn biết được ý nghĩa thực sự của nguyên bản lễ hội, nhưng nhiều người thực hành nghi lễ hiện nay không hiểu bản chất của lễ hội. Bởi vậy, ông cho rằng việc nhìn nhận lại các lễ hội cần chấn chỉnh từ việc hành lễ đầu tiên, sau đó mới bàn đến vấn đề “cuồng tín” của người dân.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cũng tin rằng, những biến tướng của các lễ hội dân gian hiện nay sẽ không bền và sẽ nhanh chóng bị mất đi. Và qua bài học từ dịch bệnh, những phong tục không đẹp ấy có thể thay thế bằng một hình thức nhân văn khác.
Hướng về “Phật tại tâm”
Không thể phủ nhận những mất mát về mặt tín ngưỡng tâm linh của người dân khi thiếu vắng đi các lễ hội Xuân. Thế nhưng, theo nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy, nếu không có điều kiện tới đền chùa, mỗi người đều có thể tự thức tỉnh bản chất tâm linh trong con người mình. Người dân cũng có thể tìm thấy sự bình yên bằng việc thắp hương, vái vọng từ trong tâm mình.
Có thể thấy dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn thói quen đi lễ hội đầu năm của nhiều gia đình so với những năm trước đây. Thay vì đi tới tận cửa các di tích, nhiều người đã quyết định theo dõi các hoạt động tâm linh qua mạng Internet và chú trọng thực hiện việc thờ cúng tổ tiên tại nhà.
Bên cạnh việc soi chiếu lại tâm, hoàn cảnh dịch bệnh cũng là một cơ hội để cho người dân, sau một quá trình quá tải về lễ hội đầu xuân, có thể trở về nhà và kết nối với chính gia đình của mình.
Chẳng hạn, Lễ cầu an năm nay đã được chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội) tổ chức theo hình thức trực tuyến và phát trực tiếp cùng lúc trên fanpage và kênh YouTube của nhà chùa.
Ở Hàn Quốc, sư cô Thích Nữ Giới Tính, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam cũng thường xuyên tụng Kinh Cầu an đầu năm qua kênh YouTube để người dân và các Phật tử có nghe và tụng trì tại gia đình mình.
“Hướng vào nếp sống tâm linh của từng gia đình, đó cũng là cách để cân bằng lại đời sống văn hóa tâm linh trong cộng đồng. Hoàn cảnh hiện nay là dịp để phía Phật giáo giảm bớt những tổ chức phần hội bên ngoài, tập trung nhiều hơn những thời khóa lễ tụng cầu nguyện để chuyển năng lượng lành đến cho xã hội. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã dạy: “Phật tại tâm”. Bản mệnh con người vẫn là số 1 và giữ gìn sức khỏe là quan trọng nhất, Thượng tọa Thích Không Nhiên (Thừa Thiên-Huế) nói.
Không còn cảnh xô xát hay chen lấn, việc đi lễ chùa đầu năm trong điều kiện Covid-19 đã trở lại nét đẹp vốn có là thăm viếng chùa cho tâm hồn được thanh thản, hanh thông và gạt bỏ những gì không tốt trong năm cũ. |
Củng cố niềm tin thế tục
Khoảng lặng do Covid-19 là cần thiết để chấn chỉnh lại văn hóa tín ngưỡng của người dân. Theo PGS.TS. Lê Quý Đức, củng cố niềm tin thế tục sẽ góp phần làm giảm các “biến tướng” tiêu cực của hoạt động lễ hội.
“Điều quan trọng nữa là chúng ta cần làm cho xã hội giảm thiểu tối đa tiêu cực và những căng thẳng xã hội như tai nạn giao thông, bệnh tật, ô nhiễm môi trường, tham nhũng... dẫn đến những hành động thái quá và cuồng tín tại chốn tâm linh. Con người cần củng cố niềm tin thế tục và tin vào những giá trị của cuộc sống thực”, ông Đức chia sẻ.