📞

Covid-19: WHO khẳng định Việt Nam không xuất hiện biến thể lai tạo nào mới

Thế Việt 15:45 | 03/06/2021
Ngày 3/6, tờ Nikkei của Nhật Bản dẫn lời đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park loại trừ khả năng nước ta xuất hiện biến thể lai tạo mới.
Đại diện của WHO tại Việt Nam Kidong Park đã loại trừ khả năng Việt Nam xuất hiện biến thể lai tạo mới gây bệnh Covid-19. (Nguồn: Pixabay)

Theo thông tin được Nikkei đăng tải, ông Kidong Park cho biết, biến thể của virus SARS-CoV-2 được cho là sự lai tạo giữa hai biến thể phát hiện lần đầu tại Ấn Độ và Anh mà Việt Nam phát hiện ra khi giải trình tự gene không phải là một biến thể mới.

Theo chuyên gia WHO, đây là loại thuộc biến thể đang tồn tại ở Ấn Độ.

Ông Kidong Park khẳng định: "Vào thời điểm hiện tại, không có biến thể lai tạo nào mới tại Việt Nam dựa trên định nghĩa của WHO".

Ông Kidong Park cũng cho biết, biến thể tìm thấy ở Việt Nam thuộc biến thể Delta khởi nguồn tại Ấn Độ.

Các virus nói chung và virus SARS-CoV-2 nói riêng, trong quá trình lưu hành, sau nhiều lần sao chép và nhân bản có thể xuất hiện những biến đổi trong cấu trúc của gene, nghĩa là có sự thay đổi ở một hoặc một số vị trí trên bộ gene di truyền so với bộ gene ban đầu của virus, điều này được gọi là đột biến gene.

Khi quá trình lây nhiễm tăng nhanh, quá trình virus sao chép và nhân bản cũng gia tăng, các đột biến gene của virus có cơ hội xuất hiện nhiều hơn, dẫn đến khả năng xuất hiện biến thể cao hơn.

Hiện nay, trên thế giới đã phát hiện khoảng hơn 28.000 đột biến trên gene của virus SARS-CoV-2. Hầu hết các đột biến không làm thay đổi đặc tính của virus, nhưng có một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến đặc tính sinh học như làm tăng khả năng lây nhiễm, giúp virus có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch hay làm tăng khả năng xâm nhập vào các tế bào biểu mô đường hô hấp.

Hiện nay, các biến thể đáng quan ngại (VOCs) bao gồm: Biến thể phát hiện lần đầu ở Anh B.1.1.7 (tên mới là Alpha) đã được ghi nhận ở 155 quốc gia, Biến thể phát hiện lần đầu ở Nam Phi B.1.351 (Beta) đã được ghi nhận ở 111 quốc gia;

Biến thể phát hiện lần đầu ở Brazil P.1 (Gamma) đã được ghi nhận ở 62 quốc gia, và biến thể phát hiện lần đầu ở Ấn Độ B.1.617 gồm 2 nhánh B.1.617.1 (Kappa) và B.1.617.2 (Delta) đã được ghi nhận ở 63 quốc gia.

Theo WHO, các biến thể với lợi thế thích nghi sẽ dần dần thay thế các biến thể cũ theo thời gian.