📞

C.P Việt Nam: Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

23:03 | 03/11/2021
‘Tầm nhìn của C.P là trở thành nhà bếp của thế giới’, ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc C.P Việt Nam từng chia sẻ trên tạp chí Forbes. Sau gần 30 năm, C.P Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn ấy, hướng đến phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và công tác xã hội.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng huân chương lao động hạng 3 cho C.P Việt Nam (năm 2018).

C.P xây dựng chuỗi kinh doanh theo hướng bền vững

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV) là thành viên của Tập đoàn Charoen Pokphand (C.P. Group, Thái Lan), được thành lập năm 1993 tại Đồng Nai. Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, ngay từ khi mới đặt chân vào thị trường Việt Nam, C.P đã xây dựng chiến lược kinh doanh theo quy trình chuỗi giá trị gồm ươm giống, nuôi trồng, sản xuất chế biến thức ăn và thu hoạch thành phẩm theo mô hình kinh doanh đa ngành.

Gần 30 năm xây dựng và phát triển, CPV đã tạo việc làm cho gần 30.000 lao động, trong đó 99,03% và nhiều chức vụ quản lý cấp cao là người Việt Nam. Tổng số thuế nộp ngân sách nhà nước từ năm 1994 đến 2020 là 17.200 tỉ đồng. Quan trọng nhất, C.P đã góp phần thay đổi bộ mặt ngành chăn nuôi Việt Nam từ manh mún nhỏ lẻ sang quy mô công nghiệp lớn. Việt Nam hiện đã sở hữu nhà máy sản xuất thức ăn hiện đại ngang tầm thế giới và bắt đầu xuất khẩu sang Hong Kong, Nhật Bản, châu Âu.

C.P. Việt Nam hiện có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trải dài trên toàn quốc với tổng công suất hơn 4,2 triệu tấn/năm; 1 nhà máy sơ chế bắp tại Đắk Lắk và 3 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản (Đồng Nai, Bến Tre, Cần Thơ) với tổng công suất 550.000 tấn/năm; 2 nhà máy chế biến thủy sản tại Huế và Bến Tre cùng 3 nhà máy chế biến thịt tại Hà Nội, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh.

Bên trong một trang trại chăn nuôi gà của C.P. Việt Nam

Mô hình kiềng ba chân

Trong gần 30 năm hiện diện tại Việt Nam, chúng tôi đang hoàn thiện dần mô hình kinh doanh vững chắc như kiềng ba chân với 3 chữ F: FEED- FARM- FOOD.

FEED (Thức ăn chăn nuôi)

Thức ăn chăn nuôi là mảng kinh doanh đầu tiên của C.P. tại Việt Nam, được coi là ‘ngành kinh doanh đầu nguồn’. Hiện nay, CPV có 16 nhà máy thức ăn chăn nuôi và thuỷ sản trên khắp cả nước với tổng công suất hơn 4,2 triệu tấn/năm, tương đương 20% sản lượng toàn thị trường. Mảng kinh doanh này hiện đóng góp khoảng 25% doanh thu cho tập đoàn.

FARM (Trang trại chăn nuôi)

Chăn nuôi đóng góp tới 70% cơ cấu doanh thu của C.P. Việt Nam. Năm 2019, công ty đưa ra thị trường hơn 5 triệu con heo, 200 triệu quả trứng và hơn 80.000 tấn thịt gà với giá trị dinh dưỡng đạt chuẩn. Đây cũng là mảng kinh doanh biến Việt Nam thành ‘ngôi sao sáng’ trong các thị trường của C.P năm 2020.

Trong mảng chăn nuôi, Tập đoàn Thái Lan có chiến lược hợp tác với hơn 3.000 trang trại tại Việt Nam, hỗ trợ con giống có nguồn gen tốt, chuyển đổi mô hình chăn nuôi theo chuẩn của CPV, hỗ trợ thức ăn chăn nuôi từ công ty và được đảm bảo đầu ra, giảm nỗi lo về tài chính cho người dân. Thậm chí, hợp tác với C.P. Việt Nam giúp các trang trại tạo uy tín với ngân hàng, chính quyền địa phương để vay vốn mở rộng sản xuất.

FOOD (Chế biến thực phẩm)

2 nhà máy chế biến thủy sản và 3 nhà máy chế biến thịt của CPV được thiết kế và xây dựng theo chuẩn châu Âu với công nghệ cao, hiện đại, đáp ứng xuất khẩu với các sản phẩm như xúc xích, lạp xường, thực phẩm chế biến sơ, chế biến sẵn. Mảng Food dù mới được C.P. Việt Nam mở rộng khoảng 10 năm nay và chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng sở hữu tiềm năng lớn khi tăng trưởng 48% trong năm 2019.

Tổ hợp nhà máy CPV Food Bình Phước có vốn đầu tư ban đầu 250 triệu USD, công suất thiết kế lên đến 100 triệu con mỗi năm

Gắn kết bảo vệ môi trường và hoạt động vì cộng đồng

Không chỉ hưởng tới phát triển bền vững, C.P. Việt Nam còn tích cực đẩy mạnh các hoạt động xã hội. Từ năm 2010, công ty đã thành lập Quỹ hỗ trợ từ thiện CPV, tham gia Hiến máu nhân đạo với tổng lượng máu tiếp nhận là trên 300.000 đơn vị máu, bên cạnh các hoạt động y tế tình nguyện như hỗ trợ Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam khám chữa bệnh, tặng quà và phục vụ sức khỏe cho người có hoàn cảnh đặc biệt trên toàn quốc, xây dựng nhà lưu trú cho bệnh nhân và thân nhân tại Bệnh viện K Hà Nội.

Về hỗ trợ giáo dục, CPV có nhiều dự án như: trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo; dự án sửa chữa lớp học; ký bản ghi nhớ hợp tác (MoU) cùng các trường đại học phát triển, trao đổi trình độ chuyên môn; dự án trao thiết bị, dụng cụ khoa học hỗ trợ học tập; dự án định hướng học tập, tạo nghề nghiệp (StartUp) cho thanh niên; dự án nhận sinh viên thực tập tại các trung tâm đào tạo của công ty…

CPV cũng có rất nhiều dự án giúp đỡ người tàn tật, người kém may mắn, người cao tuổi, giúp đỡ gia đình có công với tổ quốc, gia đình bị thiên tai (CSR for Poor People), được C.P. Việt Nam thực hiện liên tục kể từ khi thành lập đến nay và được nhà nước và nhân dân Việt Nam ghi nhận.

C.P. Việt Nam vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý như Huân chương Lao động Hạng Ba của Chủ tịch nước, giải thưởng Doanh nghiệp vì nhà nông của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải thưởng Volunteer Award của Liên hợp quốc… Những ghi nhận đó đã thể hiện sự đúng đắn của triết lý “Ba lợi ích” của Chủ tịch Tập đoàn C.P. Thái Lan Dhanin Chearavanont trong đầu tư và phát triển tại Việt Nam: ưu tiên lợi ích quốc gia sở tại, lợi ích người dân, cuối cùng là lợi ích công ty.

Huân chương Lao động Hạng Ba cũng là phần thưởng cho quá trình lao động, cống hiến của đội ngũ lãnh đạo và nhân viên CPV suốt 28 năm qua nhằm xây dựng và phát triển lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam bằng việc tạo ra nhiều con giống chất lượng cao, phát triển mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, chuyển giao khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường. Đồng thời, Huân chương còn là sự ghi nhận vai trò, trách nhiệm xã hội của CPV đã mang lại cho người dân, đặc biệt là người dân có hoàn cảnh khó khăn. C.P. Việt Nam tự hào là “Thành quả ngọt ngào” của tình hữu nghị, hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Thái Lan trong suốt 45 năm qua.