Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, CPI 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp. Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,39%. Bình quân 6 tháng CPI tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, bà Vũ Thị Thu Thủy cũng nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2016, có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI đó là giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu...
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 6 năm 2016 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,35% so với tháng 12 năm trước.
Biến động về giá lương thực góp phần làm tăng lạm phát. (Nguồn: Doanhnghiepvn) |
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 10 nhóm hàng tăng; trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất tăng 2,99%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,13%... Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%.
Tại cuộc họp báo, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cũng chỉ ra các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 6/2016, trước hết là nhóm giao thông. Đây là nhóm có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính.
Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 6 tăng chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu và vé tàu hỏa: giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng vào các ngày 20/5/2016 và ngày 4/6/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước; vé tàu hỏa tăng 2,51%; giá vé ô tô khách tăng 0,32% so với tháng trước do tháng 6 là kỳ nghỉ hè nên nhu cầu đi lại của người dân tăng.
Thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,27%, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,03%. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,14% do nhu cầu xây dựng năm nay tăng cao cùng với xu hướng giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng.
Nhu cầu tiêu dùng thiết bị và đồ dùng gia đình phục vụ mùa hè tăng nên giá một số mặt hàng tăng như: máy điều hòa nhiệt độ tăng 0,76%; tủ lạnh tăng 0,33%; quạt điện tăng 0,46%.
Giá gas tính bình quân cả tháng vẫn tăng 0,61% so với tháng trước do ảnh hưởng từ đợt tăng giá trong tháng 5 (mặc dù ngày 01/6/2016 giá gas được điều chỉnh giảm 1.500 đồng/bình 12 kg do giá gas thế giới bình quân tháng 6/2016 vừa công bố ở mức 347,5 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với tháng 5/2016).
Tháng 6 cũng là thời điểm học sinh nghỉ hè nên nhu cầu du lịch tăng. Chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 0,48% so với tháng trước; đồng thời, nhu cầu tiêu dùng của người dân về một số mặt hàng quần áo phục vụ mùa hè cũng tăng cao.
Bên cạnh đó, chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,36% do ảnh hưởng bởi tâm lý người tiêu dùng lo ngại về hiện tượng cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung nên có phần dè dặt khi tiêu dùng sản phẩm cá đánh bắt, đã chuyển sang tiêu dùng thịt gia súc, gia cầm. Thời tiết nắng nóng, khô hạn cũng đã ảnh hưởng đến diện tích rau trồng nên giá rau tăng cao kéo dài ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Tuy nhiên, có một số nguyên nhân khiến cho CPI giảm trong tháng 6, đó là: giá gạo giảm 0,24% do các tỉnh miền Bắc vừa thu hoạch xong mùa vụ, các tỉnh miền Nam đang thu hoạch lúa Hè Thu nên sản lượng dồi dào. Giá thủy hải sản tươi sống giảm 0,22% do tiêu dùng giảm. Giá thiết bị điện thoại giảm 0,29% do giảm giá một số mặt hàng mẫu mã cũ.
Cũng trong tháng 6, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Đến ngày 15/6, giá vàng trong nước tăng nhẹ, dao động ở mức 3,434 triệu Đồng/chỉ. Tính bình quân tháng 6, giá vàng trong nước giảm 0,01%.
Tỷ giá VND/USD trong tháng này khá ổn định, xoay quanh ngưỡng 22.300 VND/USD do cung cầu trong nước không có biến động lớn. Cán cân thương mại trong các tháng đầu năm 2016 thặng dư lớn, nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào, cùng với chính sách hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giúp cho tỷ giá VND/USD tiếp tục được giữ ổn định.
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 6/2016 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, lạm phát cơ bản so với cùng kỳ năm trước tăng 1,8%.
Trong tháng 6, lạm phát chung của tháng có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản của tháng, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố khách quan, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu. Bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung và lạm phát cơ bản gần tiệm cận với nhau, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Dự báo CPI tháng 7, Vụ Thống kê giá cho biết sẽ tăng nhẹ so với tháng 6, do một số yếu tố như: giá thực phẩm tăng; giá xăng dầu tăng nhẹ do giá dầu diezel tăng; giá vật liệu xây dựng tăng; giá nước sinh hoạt tăng; kỳ thi cao đẳng, đại học diễn ra trên toàn quốc; đồng thời, tháng 7 là tháng du lịch nên tác động đến giá các mặt hàng dịch vụ tăng.
Dự báo về CPI cả năm 2016, các chuyên gia của Vụ Thống kê giá cho biết, Tổng cục Thống kê sẽ còn phải tính toán với các giả định có các yếu tố ảnh hưởng như: mức tăng của giá dầu thô thế giới; giá dịch vụ giáo dục và giá dịch vụ y tế được điều chỉnh ra sao.
Tổng cục Thống kê cũng dự báo, giá lương thực, thực phẩm sẽ tăng vào cuối năm do nhu cầu tăng. Tuy nhiên với nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào nên giá các mặt hàng này không tăng đột biến.
Để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay ở mức dưới 5% như Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê cũng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.