📞

CPJ: Số nhà báo bị giết hại trong năm 2016 vẫn ở mức cao

17:12 | 21/12/2016
Báo cáo của Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ) công bố ngày 20/12 cho thấy, năm 2016, trên khắp thế giới có 48 nhà báo đã bị giết hại.
Phóng viên chiến trường là một công việc đầy nguy hiểm. (Nguồn: Journalism UK)

Báo cáo cho thấy, các nhà báo thiệt mạng chủ yếu ở vùng chiến sự, do nhiều nguyên nhân như bị sát hại, kẹt giữa hai làn đạn, trúng bom đạn trong vùng chiến sự, hoặc gặp nguy hiểm trong khi tác nghiệp.

Syria tiếp tục dẫn đầu các quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với nhà báo với 14 trường hợp bị giết trong năm nay. Trong khi đó, các nước Trung Đông khác đang chìm trong vùng chiến sự gồm Iraq, Yemen, Afghanistan, Somalia và Libya lần lượt đứng ở các vị trí tiếp theo về số nhà báo bị giết hại.

Cũng theo số liệu của CPJ, 9/10 nhà báo bị sát hại là ký giả địa phương chứ không phải phóng viên nước ngoài. Xu hướng này đồng nhất với xu hướng của các năm trước.

Báo cáo của CPJ cũng nhận định, ngay cả tại những nơi mà các nhà báo ít khi trở thành mục tiêu của các vụ giết hại, những hình thức kiểm duyệt và hăm dọa vẫn xảy ra thường xuyên. Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ điển hình khi nước này chiếm tới một phần ba số ký giả bị giam cầm trên thế giới.

Bà Courtney Radsch - Giám đốc Ban vận động của CPJ nói rằng, mặc dù tổng số nhà báo bị sát hại đã giảm so với những năm trước đó, song lý do dẫn đến kết quả này chưa thật sự rõ ràng. Theo bà Radsch, một trong những nguyên nhân khiến số nhà báo thiệt mạng giảm có thể do các cuộc xung đột đã trở nên hết sức nguy hiểm và ngày càng có ít nhà báo đến tác nghiệp trong những vùng chiến sự.

Trong năm 2015, trên khắp thế giới có 110 nhà báo đã bị sát hại, trong đó nhiều vụ diễn ra ở các quốc gia được cho là hòa bình. Việc nhiều nhà báo đã bị thiệt mạng cho thấy Liên hợp quốc cần phải hành động để bảo vệ "người cầm bút".

(theo TTXVN, CPJ)