Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đúng vào dịp Tết Nguyên đán 2021, mùa cao điểm đón khách, khiến ngành du lịch một lần nữa lâm vào cảnh thất thu.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đúng vào dịp Tết Nguyên đán 2021 khiến ngành du lịch một lần nữa lâm vào cảnh thất thu. (Nguồn: Youtube) |
Vắng lặng đìu hiu
Khác hẳn với không khí nhộn nhịp, sôi động như những năm trước, Tết năm nay, các địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước… vắng bóng du khách. Nguyên nhân chính bởi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, người dân hạn chế tối đa việc di chuyển, nhất là đi du lịch tới những địa điểm tập trung đông người.
Nếu như mọi năm, từ ngày mồng 3 đến 5 Tết là cao điểm du khách đến với Đà Lạt khiến toàn bộ các dịch vụ du lịch của thành phố này lâm vào tình trạng quá tải nghiêm trọng, nhiều tuyến đường trong nội đô thường lâm vào cảnh ùn tắc kéo dài, di chuyển khó khăn, các khu du lịch đông nghẹt người... thì năm nay, tình trạng đó không còn. Những ngày đầu năm, Đà Lạt vắng tanh du khách, đường sá thông thoáng lạ thường.
Tại TP. Hồ Chí Minh, từ cuối tháng 1/2021, diễn biến mới của dịch Covid-19 khiến hàng loạt tour du lịch Tết Tân Sửu bị hủy, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành lại lâm vào cảnh khó khăn vì phải hoàn lại tiền đặt cọc hoặc dời ngày khởi hành vô thời hạn cho khách hàng nhưng vẫn phải thanh toán tiền cho các đơn vị cung ứng dịch vụ.
Thậm chí nhiều du khách đang hủy các tour dịp sau Tết, cá biệt có khách hủy cả tour dịp tháng 3, tháng 4 do lo ngại dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, báo cáo nhanh của 25 đơn vị lữ hành, đã có 6.300 khách hủy tour do lo ngại dịch bệnh Covid-19; công suất phòng bình quân khối khách sạn trong tuần đầu tháng 2 ước chỉ đạt 22,1%.
Tương tự, lượng khách đến Nha Trang trong dịp Tết giảm mạnh so với cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú trong 5 ngày (từ 30 tháng Chạp đến mùng 4 Tết) là 27.100 khách, chỉ đạt hơn 13% so với dịp Tết 2020 - thời điểm chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Tại đảo ngọc Phú Quốc, những ngày qua cũng chỉ đón khoảng 22 ngàn lượt khách, giảm tới 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Ảnh hưởng dây chuyền
Theo Tổng cục Thống kê, ảnh hưởng dây chuyền bởi dịch Covid-19 nên ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Trong tháng 1/2021, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống cả nước ước tính đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, giảm 4,1% so với cung kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, giảm 15%; doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, giảm 62,2%.
Trong đó, doanh thu của Hà Nội giảm 45,6%; Cần Thơ giảm 50,1%; Đà Nẵng giảm 68,2%; TP. Hồ Chí Minh giảm 69,9%; Quảng Nam giảm 91,3%; Khánh Hòa giảm 95%.
Thời điểm này, Covid-19 thực sự là "cú đấm knock-out" với ngành du lịch, bởi thậm chí, so với bức tranh ảm đạm của ngành năm 2020 - năm lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lượng du khách quốc tế và nội địa, thì hiện tại vẫn là một "nốt trầm" khó hình dung.
Tổng số lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ năm 2020 đạt 97,3 triệu lượt khách, giảm 44% so với năm 2019; số lượt khách do các công ty lữ hành phục vụ là 3,7 triệu lượt khách, giảm 80,1%.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 78,7% so với năm trước, chỉ đạt 3,8 triệu lượt người. Số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế giảm mạnh đã kéo theo doanh thu cho các cơ sở lưu trú và lữ hành cũng sụt giảm nghiêm trọng, ước tính chỉ đạt 61,8 nghìn tỷ đồng, giảm tới 43,2%.
Hệ lụy kéo theo là 90-95% các doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động năm 2020. Có 26.721 hướng dẫn viên, với 16.965 hướng dẫn viên lữ hành quốc tế chuyển sang hướng dẫn nội địa hoặc chuyển nghề.
Hơn 30.000 cơ sở lưu trú với 650.000 phòng trên cả nước nhưng công suất phòng chỉ đạt 20-25% ở các tỉnh, thành phố. Tại một số địa bàn du lịch trọng điểm, nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng vì không cầm cự nổi.
Mong đợi sức bật của lò xo bị nén lâu ngày
Dự báo diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp, bức tranh du lịch toàn cầu những tháng đầu năm 2021 vẫn chưa có dấu hiệu tươi sáng. Vì vậy, các chuyên gia nhận định, thị trường nội địa vẫn giữ vai trò cốt yếu, thị trường du lịch quốc tế cần thời gian khôi phục lâu hơn (3-4 năm) kể cả khi dịch bệnh kết thúc.
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định, trong năm 2021, du lịch nội địa và gần nhà sẽ là xu hướng nổi bật. Sự lên ngôi của du lịch nội địa sẽ thúc đẩy nhu cầu về các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên và du lịch nông thôn.
Bên cạnh đó, UNWTO cũng đề cập một số xu hướng khác như: du lịch thanh niên, thăm bạn bè và người thân, du lịch kết hợp công việc và nghỉ dưỡng (travel for “bleisure”)...
Dù có nhiều yếu tố thuận lợi để thúc đẩy du lịch nội địa nhưng các chuyên gia UNWTO cũng cho rằng đối với phần lớn các điểm đến, du lịch nội địa chỉ giúp phục hồi phần nào ngành du lịch, bởi không thể bù đắp được sự sụt giảm của du lịch quốc tế...
Đứng trước bối cảnh khó khăn này, du lịch Việt Nam cũng đã chuẩn bị tâm thế để bước vào năm 2021 với quyết tâm, nỗ lực tìm một hướng đi phù hợp. Ngành xác định phương châm “Liên kết, hành động và phát triển”, trong đó tiếp tục tập trung khôi phục, phát triển du lịch nội địa.
Các chuyên gia nhận định, địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến xu hướng du lịch mới để có những thay đổi phù hợp. Nhu cầu của khách hàng hoàn toàn thay đổi sau dịch Covid-19, khách đi ngắn ngày, đi nhiều lần, đi nhóm nhỏ, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, sản phẩm combo (máy bay và phòng khách sạn)…
Sản phẩm du lịch hướng đến sức khỏe con người, các loại hình du lịch thể thao, chữa bệnh, sinh thái, yoga, du lịch gần gũi với thiên nhiên sẽ lên ngôi và ngày càng trở nên quan trọng hơn sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch cũng sẽ đi vào có chiều sâu bởi du khách hướng vào các loại hình du lịch có chất lượng và coi trọng nền tảng văn hóa bản địa.
Đây là cơ sở để các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch cho riêng mình. Năm 2021, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng, nghiên cứu, phát triển các loại hình sản phẩm du lịch gắn với lịch sử, văn hóa, kiến trúc trên địa bàn như: du lịch mua sắm, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị), ẩm thực, du lịch đường sông…
Còn Sở Du lịch Hà Nội đang xây dựng Nghị quyết mới về phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện cơ cấu lại toàn diện ngành du lịch Thủ đô. Trong đó, Sở có chính sách thu hút khách từ các tỉnh về Hà Nội, khách của Hà Nội đi các tỉnh, có gói sản phẩm phù hợp từng đối tượng; có kế hoạch tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo mang tầm vóc, trong đó có sự kiện liên quan SEA GAMES 31; tổ chức các festival, lựa chọn Đại sứ du lịch cho Hà Nội, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao tầm khu vực...
Ở khía cạnh khác, Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, hiện du lịch phải thay đổi, lữ hành phải đi đầu, tiên phong, phải suy nghĩ về sự chuyển đổi. Khách du lịch là đối tượng phục vụ của lữ hành, vậy cần nghiên cứu về đối tượng khách hàng, sản phẩm mới sau Covid-19.
Năm 2021, chỉ cần dịch bệnh giảm là du lịch lại bùng lên, như lò xo đang nén chờ sự bùng nổ, hồi phục rất nhanh. Vì vậy, các doanh nghiệp chuẩn bị trước, không bi quan, giữ nguồn nhân lực tốt, có kỹ năng cao nhất để du lịch hồi phục là hoạt động được ngay.
Trong văn bản gửi đến các cơ quan chức năng kiến nghị về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trước thiệt hại nặng từ dịch Covid-19, các hiệp hội du lịch đề xuất Chính phủ xem xét miễn, hoặc giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch đến hết năm 2021, vì hiện nay đa số doanh nghiệp lữ hành không có doanh thu, phải bù lỗ do phát sinh lãi vay và các chi phí khác. Miễn tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021 và 2022, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0%, để giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động cũng như đẩy nhanh tiến độ phục hồi. |