Cuba yêu cầu Mỹ dỡ bỏ vòng vây cấm vận đã áp đặt lên quốc gia Caribbean nhiều thập kỷ qua. |
Hôm 21/10, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa nhận được bất kỳ yêu cầu hỗ trợ nào của Havana sau thiệt hại do cơn bão Oscar gây ra.
Đáp trả tuyên bố trên, ngày 23/10, Chủ tịch Cuba viết trên mạng xã hội X: “Mỹ nói rằng chúng tôi không yêu cầu gì cả. Đây là yêu cầu của chúng tôi: hãy dỡ bỏ vòng vây phong tỏa”.
Nhà lãnh đạo cũng cho biết, đã có 41 quốc gia và một số tổ chức quốc tế "thể hiện tình đoàn kết với Cuba - đất nước đang phải đối mặt với gánh nặng kép từ cơn bão và tình trạng khẩn cấp về năng lượng với tâm thế kiên cường đáng khâm phục".
Hôm 18/10, chính phủ Cuba cho biết, sự cố tại Nhà máy điện Antonio Guiteras ở tỉnh Matanzas, miền Tây nước này, đã khiến lưới điện bị sập, gây mất điện trên toàn quốc. Đến nay, Cuba đã khôi phục nguồn điện cho khoảng 70% người tiêu dùng.
Liên quan vấn đề này, hãng thông tấn Sputnik đưa tin, cũng ngày 23/10, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua tuyên bố về sự cần thiết phải chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba.
Tuyên bố do Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga Grigori Karasin trình bày nêu rõ, các thượng nghị sĩ Nga yêu cầu Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và các tổ chức nghị viện quốc tế khác vận động thực hiện nhanh chóng các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ).
Khẳng định đại đa số các nước thành viên LHQ ủng hộ yêu cầu chính đáng của người dân Cuba về việc bãi bỏ chính sách cấm vận do Mỹ đơn phương áp đặt, Thượng viện Nga nói rõ, bao vây cấm vận Cuba là hành vi vi phạm rõ ràng các nguyên tắc và chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ.
Thượng viện Nga cũng ủng hộ việc bãi bỏ Đạo luật Helms-Burton được thông qua tại Mỹ ngày 12/3/1996, bởi văn kiện này vi phạm quyền chủ quyền của người dân Cuba và quyền các đối tác nước ngoài của Havana đối với sự phát triển tự do và cùng có lợi trong quan hệ kinh tế, thương mại và tài chính.
Các thượng nghị sĩ Nga còn yêu cầu ngay lập tức đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.
Kể từ năm 1992, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu một cách có hệ thống ủng hộ việc thông qua các nghị quyết liên quan, song lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba vẫn còn hiệu lực. LHQ dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận về chủ đề này vào cuối tháng 10. |