Trụ sở Bộ Ngoại giao Cuba ở Havana. (Nguồn: Oncuba News) |
Tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao Cuba (MINREX) đăng trên trang web chính thức của bộ này khẳng định, việc đưa Havana vào danh sách nêu trên là hành động bất công.
Havana yêu cầu Washington điều chỉnh theo yêu cầu của không chỉ người dân Cuba và nhiều chính phủ, đặc biệt là ở Mỹ Latinh và Caribbean, mà còn cả các tổ chức chính trị, xã hội và tôn giáo ở chính nước Mỹ.
MINREX nhận định, SST là “danh sách hoàn toàn đơn phương và vô căn cứ, với mục đích duy nhất là vu khống và dùng làm cái cớ để áp dụng các biện pháp kinh tế cưỡng bức chống lại các quốc gia có chủ quyền, chẳng hạn như những biện pháp được áp dụng một cách tàn nhẫn chống lại Cuba”.
Tuyên bố nêu rõ: "Sự thật rõ ràng và tuyệt đối là Cuba không tài trợ cho khủng bố nhưng đã là nạn nhân của khủng bố, bao gồm cả chủ nghĩa khủng bố cấp nhà nước…”.
Theo MINREX, chỉ thừa nhận Cuba hợp tác đầy đủ với Mỹ là chưa đủ bởi Havana luôn hợp tác với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuyên bố kết luận rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden có tất cả đặc quyền để hành động trung thực và làm điều đúng đắn.
Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã rút Cuba ra khỏi danh sách những quốc gia không hợp tác đầy đủ với các nỗ lực chống khủng bố của Washington.
Trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã hoan nghênh quyết định của chính quyền Tổng thống Biden thừa nhận "một điều hiển nhiên", song cho rằng bước đi này vẫn chưa đủ xa.
Ông hối thúc Mỹ chấm dứt “mọi toan tính chính trị trong vấn đề này”, cũng như đặt dấu chấm hết cho chính sách “chụp mũ bất công đối với danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố”.
Trong khi đó, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel chia sẻ quan điểm trên mạng xã hội X rằng: “Bằng cách xác nhận những gì được biết rộng rãi, rằng Cuba hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ nên làm những gì đúng đắn và nhất quán với quan điểm đó: loại Havana khỏi danh sách tùy tiện của Bộ Ngoại giao (Mỹ) và chấm dứt các biện pháp kinh tế cưỡng bức đi kèm".