Các đại biểu Quốc hội Cuba ngày 22/12 đã nhất trí thông qua bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi tiến hành tham vấn ý kiến đóng góp của 1,7 triệu người dân Cuba trong vòng 3 tháng. Truyền thông Cuba cho biết sau khi Quốc hội nước này thông qua, bản Dự thảo Hiến pháp gồm 229 điều này được tiến hành trưng cầu dân ý vào ngày 24/2, thay thế cho Hiến pháp từ năm 1976.
Về cơ bản, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba, hệ thống xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế nhà nước là những điểm then chốt vẫn được duy trì trong Hiến pháp của quốc gia vùng Caribbean này. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định độ tuổi và giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch, sau khi cố lãnh tụ Fidel Castro và người em của ông là Raul Castro lãnh đạo đất nước gần 6 thập kỷ, đồng thời quy định vai trò của người đứng đầu chính phủ.
Quang cảnh phiên họp toàn thể của Quốc hội Cuba ngày 22/12. (Nguồn: Reuters) |
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Cuba đạt 1,2%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra ban đầu, Quốc hội nước này cũng thông qua một số điểm mới về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư từ bên ngoài. Bên cạnh việc đặt ra mục tiêu “đạt mức tăng trưởng kinh tế tối thiểu 1,5% trong năm 2019, phù hợp với những nguồn lực nội tại của đất nước, đầu tư vào phát triển, không tăng thêm mức nợ”, Cuba dự kiến bổ sung những quy định mới liên quan đến hợp pháp hóa doanh nghiệp tư nhân, và mở rộng hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, dự thảo Hiến pháp mới của Cuba đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ công chúng. Một số cho rằng chính phủ chỉ đưa ra những đề xuất mà họ muốn. Nghiêm trọng hơn, một vài nhóm đối lập thậm chí đã lên chiến dịch kêu gọi người dân bỏ phiếu “không” với Hiến pháp mới.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phản đối của người dân Cuba là vấn đề tích luỹ tài sản. Theo đó, tài sản cá nhân, vốn không được ghi trong dự thảo Hiến pháp đầu tiên, đã được bổ sung trong bản dự thảo Hiến pháp này. Theo quy định, tài sản người dân sẽ được đặt dưới sự điều phối của nhà nước và được lồng ghép trong mục tiêu “hướng tới chủ nghĩa cộng sản”. Đây được cho là một điều khoản chưa hợp lý và cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Ngoài ra, Havana cho thấy sự cởi mở hơn trong vấn đề hôn nhân đồng giới, khi ban hành các điều khoản công nhận đời sống hôn nhân là sự kết hợp của hai con người. Nó đã dẫn đến sự tranh cãi trong một xã hội vốn đã chứng kiến nhiều thay đổi về quyền của người đồng tính và chuyển giới trong những năm gần đây. Tuy nhiên, dự thảo này có thể sẽ xóa bỏ định nghĩa về hôn nhân nói chung, mở ra cánh cửa đối với hôn nhân đồng giới.
Trong bối cảnh Cuba đang đứng trước nhiều thách thức kinh tế - xã hội, các đề xuất sửa đổi hiến pháp này được đánh giá là chưa thể giải quyết được triệt để những tồn tại ở Cuba. Song người dân nước này vẫn kì vọng rằng Hiến pháp mới sẽ tạo thêm xung lực mới, thúc đẩy đầu tư nước ngoài, chuyển đổi cơ cấu kinh tế hỗn hợp, và hiện đại hóa xã hội Cuba.