📞

Cuba: Ưu tiên phát triển nhóm ngành tư nhân

20:53 | 15/04/2016
Nền kinh tế Cuba hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc khi chính phủ và các đối tác quốc tế, đặc biệt là Mỹ, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp Cuba phát triển.
Gia đình Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro xem bóng chày tại Cuba. (Nguồn: CNN)

Chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ Obama tới Cuba đã nêu bật cả những căng thẳng vẫn đang diễn ra giữa Havana và Washington và khả năng về một mối quan hệ được cải thiện. Mặt khác, trận đấu bóng chày mang tính bước ngoặt giữa đội Tampa Bay Rays và đội tuyển quốc gia Cuba là một ví dụ minh họa sinh động cho khả năng về những mối quan hệ thân thiết hơn.

Nhưng kết quả quan trọng hơn nhiều đối với người dân Cuba sẽ là một sự chuyển biến của nền kinh tế bấp bênh của Cuba - điều mà Mỹ có thể giúp biến thành hiện thực.

"Cuộc chơi" thay đổi

Người ta hiểu rõ rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ sẽ là một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi. Việc này phụ thuộc vào Quốc hội Mỹ, và, ít nhất vào lúc này, có vẻ như khó có khả năng xảy ra. Nhưng một loạt cải cách then chốt (và bị đánh giá thấp) khác có vẻ khả thi hơn nhiều: Mỹ có thể có các bước đi thực tế và thiết yếu để giúp Cuba phát triển một hệ thống tài chính có đầy đủ chức năng. Tương lai của nền kinh tế nước này phụ thuộc vào nó.

Cách mạng Cuba được đánh giá cao về các thành tựu của nó trong việc nâng cao trình độ giáo dục và chăm sóc y tế. Nhưng cuộc cách mạng này đã không đem đến các phương diện kinh tế khác, và phải phụ thuộc vào sự trợ giúp từ Liên Xô, và sau đó là Venezuela. “Giai đoạn đặc biệt” rất khó khăn của những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh viện trợ nước ngoài, đe dọa sẽ tái diễn trong thời kỳ này khi nền kinh tế Venezuela sụp đổ.

Để đối phó với thực tế mới này, Cuba cần phải phát triển khu vực tư nhân hiện đang sử dụng gần 28% lực lượng lao động. Do tình trạng tài chính của chính phủ và việc mất đi sự bảo trợ của Venezuela, nhà nước cần phải thực hiện cắt giảm mạnh hơn nữa trong việc chi trả lương chính phủ.

Tạo điều kiện "tự làm chủ"

Quán bia ở Cuba đầy ắp khách sau động thái "nới lỏng" cấm vận của Mỹ. (Nguồn: Daily Mail)

Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, người ta đã rỉ tai nhau rằng  các doanh nghiệp nhỏ do tư nhân điều hành của hòn đảo này, hay còn gọi là “những người tự làm chủ”, là khu vực sôi động nhất của nền kinh tế Cuba. “Những người tự làm chủ” chỉ được phép hoạt động trong các hạng mục được chính phủ chấp thuận, bao gồm các cửa tiệm làm tóc, nhà hàng và hướng dẫn du lịch.

Để mở rộng khu vực tư nhân, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và phát triển nền kinh tế, Chính phủ Cuba đã dần mở rộng danh sách các lĩnh vực được phép. Nhưng các doanh nghiệp nhỏ cần nhiều hơn là sự cho phép về pháp lý để hoạt động.

Như ở bất kỳ một nước nào khác, việc tạo dựng một cơ sở kinh doanh ở Cuba sẽ đòi hỏi phải có quyền tiếp cận vốn. Hiện nay, nhiều người Cuba bắt đầu có được nguồn vốn ban đầu dưới hình thức tiền gửi từ người thân ở Mỹ. Nhưng nếu tài trợ nước ngoài dưới hình thức này vẫn là nguồn vốn chính cho “những người tự làm chủ”, họ sẽ chỉ góp phần tạo ra một tầng lớp bị phân tầng giữa người giàu và người nghèo.

Mỹ cần phải thực hiện một số bước đi để giúp kích thích khu vực tư nhân còn non trẻ của Cuba, giúp nền kinh tế Cuba phát triển theo một cách thức độc lập hơn với chính quyền trung ương. Bộ Tài chính Mỹ đưa ra tuyên bố hồi tháng 1/2015 rằng một loạt hạn chế các dự án trợ giúp cho tài chính vi mô (các khoản cho vay nhỏ cho doanh nghiệp) ở Cuba sẽ được dỡ bỏ, tuy nhiên cho đến giờ vẫn chưa có dự án nào xuất hiện.

Trong khi đã có một sự nới lỏng các hạn chế đối với ngành ngân hàng, một loạt dịch vụ ngân hàng của Mỹ vẫn bị cấm đối với người Cuba. Những sự ngăn cấm này cũng cần phải được loại bỏ. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng được loại bỏ, sự sẵn lòng của Chính phủ Cuba cho phép các ngân hàng Mỹ hiện diện ở nước này là điều không chắc chắn.

Tổng thống Obama cũng cần dỡ bỏ các hạn chế còn tồn tại đối với các ngân hàng đang hoạt động ở Cuba và làm rõ với các ngân hàng và các tổ chức tài chính vi mô rằng công việc như vậy ở Cuba là có thể thực hiện được và sẽ được hoan nghênh. Dĩ nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra nếu Chính phủ Cuba cho phép các ngân hàng nước ngoài phục vụ người dân Cuba đối với cả hoạt động ngân hàng đại chúng lẫn phục vụ “những người tự làm chủ”.

Hút vốn nước ngoài

Nền kinh tế Cuba đang "khát" nguồn vốn đầu tư nước ngoài. (Nguồn: Knowledge.wharton)

Tăng trưởng thực sự không thể diễn ra chỉ bằng việc mở rộng doanh nghiệp nhỏ. Đầu tư nước ngoài và công việc kinh doanh của các tập đoàn lớn của nước ngoài sẽ có tính chất thiết yếu để tạo thêm công ăn việc làm và bơm vốn vào nền kinh tế Cuba.

Các doanh nghiệp Mỹ nhìn chung vẫn bị ngăn cấm làm ăn với Cuba – và sẽ vẫn bị hạn chế khắt khe chừng nào mà lệnh cấm vận do Quốc hội Mỹ đặt ra vẫn còn – nhưng các nước khác từ lâu vẫn có thể làm ăn buôn bán và đầu tư ở quốc đảo này.

Khi các hạn chế của Mỹ được nới lỏng, chẳng hạn như việc Cuba được loại ra khỏi danh sách các nhà nước bảo trợ khủng bố vào tháng 5/2015, các công ty nước ngoài đã có thể hoạt động ở Cuba dễ dàng hơn.

Nhưng vẫn còn một loạt giao dịch, đặc biệt là các giao dịch bằng đồng USD, đang được tiến hành có nguy cơ phải chịu những án phạt nghiêm khắc từ Bộ Tài chính Mỹ. Tổng thống Obama cần phải sử dụng quyền được toàn quyền quyết định của Tổng thống để nới lỏng các chính sách như vậy.

Dĩ nhiên, vốn nước ngoài sẽ không đến Cuba cho đến khi nước này giải quyết được tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng tài chính hợp lý, kiểm toán minh bạch và những sự đảm bảo về mặt pháp lý.

Nhưng một vấn đề lớn mà Cuba đang phải đối mặt là trong khi nước này có quá ít ngân hàng, nước này lại có quá nhiều loại tiền tệ: chính xác là hai. Trong khi hầu hết người dân Cuba được trả tiền bằng đồng Peso của Cuba (CUP) và có thể mua các loại hàng hóa cơ bản bằng đồng tiền này, các mặt hàng xa xỉ hầu hết được định giá bằng đồng peso chuyển đổi (CUC), một đồng tiền có giá trị hơn nhiều được cố định tỷ giá theo đồng USD và có thể dễ dàng kiếm được từ khách du lịch.

Sự sắp xếp hai loại tiền tệ này dẫn đến tình trạng méo mó nghiêm trọng về việc định giá tiền tệ và những sự thiếu hiệu quả về kinh tế, chưa nói đến việc chia tách nền kinh tế thành khu vực CUP và CUC.

Chính phủ Cuba đã nói rằng họ cam kết loại bỏ hệ thống rối rắm này, thống nhất hai đồng tiền vào ngày được tuyên bố là “ngày số 0” (“day zero”). Nhưng đây sẽ là một nhiệm vụ đầy thách thức, với nhiều tác động đến sự ổn định tiền tệ, cán cân tài chính và sự bất bình đẳng. Để hoàn thành được công việc này, Havana sẽ nỗ lực hết sức để tìm kiếm sự trợ giúp về mặt kỹ thuật từ các thể chế tài chính quốc tế, bắt đầu với Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB).

Và Mỹ có thể giúp Cuba bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ của nước này với IDB, cũng như cho phép Cuba trở thành một nước thành viên của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB). Tổng thống Obama cần phải tỏ rõ rằng Mỹ sẽ không ngăn cản sự trợ giúp về mặt kỹ thuật và những mối quan hệ gần gũi hơn giữa Cuba với các thể chế tài chính quốc tế.

Trong khi ở Cuba, Tổng thống Obama đã có một lập trường rõ ràng về việc ủng hộ mở rộng các quyền tự do chính trị và dân sự. Quyền tự do kinh tế và cơ hội để cải thiện địa vị của con người trong cuộc sống cũng là một quyền quan trọng, đặc biệt là bởi mức sống của Cuba là tương đối thấp.

Chính phủ Cuba cần phải tạo điều kiện cho người dân hiện thực hóa những ước mơ và khát vọng kinh tế bằng cách cho phép khu vực tư nhân mở rộng và khuyến khích các công ty nước ngoài hỗ trợ sự phát triển. Và giờ là lúc để Mỹ làm những gì có thể để biến điều đó thành hiện thực.

(Theo Brookings.edu )