📞

Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn bảo vệ đề tài khoa học về đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập

Nam Dương 21:29 | 30/10/2024
Ngày 29/10, tại Hà Nội, Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn, Bộ Ngoại giao đã bảo vệ cơ sở Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Cơ sở pháp lý và thực tiễn của việc hoàn thiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập: Kiến nghị cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Ngoại giao".
Toàn cảnh Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn bảo vệ đề tài khoa học về đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trước Hội đồng nghiệm thu cơ sở. (Ảnh: Anh Sơn)

Đề tài chủ yếu do nhóm cán bộ quản lý trong Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn chủ trì kết hợp với các thành viên đến từ Học viện Ngoại giao và Cục Quản trị Tài vụ, Bộ Ngoại giao. Đây cũng là đề tài khoa học cấp Bộ đầu tiên do Cục Phục vụ ngoại giao đoàn chủ trì thực hiện trong lịch sử 60 năm từ ngày thành lập đơn vị (10/6/1964-10/6/2024).

Hội đồng nghiệm thu cơ sở đề tài do PGS.TS Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm Chủ tịch Hội đồng; các thành viên Hội đồng gồm: TS. Chu Đình Động, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; TS. Vũ Hải Nam, Vụ trưởng, Vụ Tổ chức Biên chế, Bộ Nội vụ; Ths. Vũ Thị Hải Yến, Phó Vụ trưởng, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính; Ths. Toán Thị Ngoan, Phó Cục trưởng Cục Quản trị Tài vụ, Bộ Ngoại giao và đại diện Phòng Quản lý Khoa học, Học viện Ngoại giao.

Tại buổi bảo vệ, sau khi lắng nghe đội ngũ thực hiện đề tài trình bày tóm tắt các kết quả nghiên cứu trong đó có nội dung bài báo khoa học của đề tài đã được công bố trên Tạp chí Quản lý Nhà nước, PGS.TS Đặng Đình Quý và thành viên Hội đồng nghiệm thu cơ sở đề tài đều đánh giá cao tính nghiêm túc, bài bản, phương pháp tiếp cận phù hợp với thực tế, nguồn dữ liệu có tính đồng bộ, đầy đủ và độ tin cậy cao… của đề tài.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu cơ sở đề tài ghi nhận những khó khăn trong quá trình thực hiện mà nhóm nghiên cứu đã vượt qua và hội đồng đã dành nhiều thời gian cho việc đóng góp các ý kiến về cơ sở lý luận và thực tiễn của quá trình đổi mới cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập; về khung pháp lý; về thực tiễn việc tổ chức, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập của một số nước trên thế giới; về thực trạng đổi mới cơ chế tự chủ hiện nay trên cả nước; bên cạnh việc tổ chức lại các đơn vị này…

PGS.TS Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội đồng phát biểu. (Ảnh: Anh Sơn)

Các thành viên Hội đồng cũng phân tích và đối chiếu các dữ liệu, đưa ra khuyến nghị cụ thể đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Ngoại giao như: Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn, Học viện Ngoại giao, Báo Thế giới và Việt Nam, Trung tâm Hướng dẫn Báo chí nước ngoài (trực thuộc Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn), Trung tâm vận tải đối ngoại V75…

Phát biểu kết luận, PGS.TS Đặng Đình Quý, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh việc nhóm nghiên cứu cần tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ và giải pháp đề xuất của đề tài tới ba cấp độ của cơ quan quản lý; nhấn mạnh vào những kinh nghiệm quý báu của quốc tế để làm căn cứ kiến nghị trực tiếp cho các đơn vị mang tính tương đồng; và nhấn mạnh vào đối tượng nghiên cứu là cơ chế tự chủ và tự chủ tài chính.

Thạc sĩ Ngô Phương Nghị, Quyền Cục trưởng Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn thay mặt Nhóm tác giả trình bày. (Ảnh: Anh Sơn)

Cuối cùng, Chủ tịch Hội đồng và các thành viên hội đồng nghiệm thu thống nhất ý kiến thông qua việc bảo vệ đề tài ở cấp cơ sở và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện đề tài thông qua các kiến nghị về cơ chế tự chủ tài chính, trong đó xác định rõ những phần kiến nghị Bộ Ngoại giao có thể quyết định được, phần kiến nghị dành cho các bộ, ngành, địa phương có liên quan và phần kiến nghị chính sách dành cho các cơ quan quản lý nhà nước cấp trên như Chính phủ, hoặc cấp cao hơn như Quốc hội, Đảng và Nhà nước.