Nhỏ Bình thường Lớn

Cực quang: Vũ điệu ánh sáng tiềm ẩn rủi ro

Bên cạnh vẻ đẹp huyền ảo, những dải cực quang trên bầu trời Bắc Âu lại có những tác động không tốt tới môi trường và sức khỏe con người.
Phần Lan là một trong những quốc gia Bắc Âu có các điểm ngắm cực quang tuyệt đẹp. Ảnh minh họa. (Nguồn: eutrip)
Phần Lan là một trong những quốc gia Bắc Âu có các điểm ngắm cực quang tuyệt đẹp. Ảnh minh họa. (Nguồn: eutrip)

Từ khóa “cực quang” (Northern lights, aurora borealis) được nhiều người yêu thích du lịch khám phá tìm kiếm. Nếu may mắn một lần được nhìn thấy cực quang, bạn sẽ bị “hớp hồn” trước những dải ánh sáng lộng lẫy đủ sắc màu như xanh, tím, hồng… nhảy múa liên tục và xoắn vào nhau như những dải lụa mềm mại, uyển chuyển trên bầu trời. Sự pha trộn những màu sắc rực rỡ và ánh sáng lấp lánh trên bầu trời làm cho người ta có cảm giác như đang đi trong một thế giới kỳ diệu và huyền bí.

Cực quang hình thành do bức xạ từ. Về mặt khoa học, các dải sáng này được tạo thành do sự tương tác giữa các hạt mang điện tích từ gió Mặt trời và tầng khí quyển bên trên Trái đất. Cực quang ở Bắc bán cầu được gọi là Bắc cực quang, còn ở Nam bán cầu được gọi là Nam cực quang.

“Săn” cực quang là một trải nghiệm tuyệt vời cho những ai yêu thích sự kỳ thú và muốn khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên. Bắc Âu là một trong những nơi tốt nhất trên thế giới để thưởng ngoạn với địa điểm là các nước Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển. Ngoài ra, ở Iceland, Bắc Siberia, Alaska và Bắc Canada cũng có thể xuất hiện hiện tượng này.

Cuộc trình diễn ánh sáng

Tuy vậy, hành trình “săn” cực quang không hề đơn giản.

Theo trang Traveloka Goglobal, Trần Bích Hà là cô gái trẻ người Việt Nam yêu thích du lịch khám phá thế giới. Cô đã trải nghiệm một chuyến “săn” cực quang ở Bắc Âu. Hà tìm hiểu thông tin về thời điểm thích hợp để chiêm ngưỡng cực quang là từ cuối tháng Chín đến tháng Tư năm sau, trong đó, tháng 10, 11 và tháng Hai là cao điểm.

Hà cho biết, sau chuyến lang thang ở thành phố Kiruna, thuộc tỉnh Lapland (Thụy Điển), chịu đựng nhiều đêm khuya giá lạnh, chuyến “săn” cực quang không hề dễ dàng với một phụ nữ Việt Nam lần đầu đặt chân đến miền Bắc Âu lạnh lẽo. “Cực quang đối với tôi không chỉ đẹp mà còn rất nhiệm màu. Từ thuở bé, tôi đã ao ước được nhìn thấy và từng nghĩ sẽ chỉ thấy hiện tượng này trên tivi”, cô chia sẻ.

Thời điểm xảy ra hiện tượng cực quang phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trạng thái thời tiết, ánh sáng ở khu vực, độ sáng của Mặt trời và mức độ mây. Vì vậy, việc chọn đúng thời gian và địa điểm sẽ giúp tăng khả năng quan sát cực quang. Ánh sáng kỳ ảo này có thể xuất hiện trong những đêm trời quang, lạnh buốt. Để chụp được những bức ảnh lung linh, không ít người phải lặn lội tới những nơi xa xôi, ít bị ô nhiễm ánh sáng.

Các cực quang thường “trình diễn” trong vài giờ trước khi biến mất. Mỗi lần cực quang xuất hiện giống như một “chương trình nghệ thuật ánh sáng” do màu sắc, độ sáng, hình dạng các dải sáng chuyển động, thay đổi liên tục, khi nhẹ nhàng, khi lên cao trào.

Một số thành phố với khí hậu lạnh đặc trưng là nơi lý tưởng để ngắm Bắc cực quang. Đó là thành phố Abisko (Thụy Điển) với công viên quốc gia Abisko mang đến khung cảnh cực quang rực rỡ, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Trên bầu trời thị trấn Nellim, thành phố Aurora Chalet (Phần Lan) vào những đêm trời quang đãng không một gợn mây, những vũ điệu của ánh sáng được báo trước bởi một thiết bị phát ra tiếng bíp bíp ngay khi hiện tượng này xuất hiện.

Bên cạnh đó, thị trấn Tromso (Na Uy) với vị trí nằm trong vòng Bắc cực và trong vùng cực quang, nổi tiếng là một trong những địa điểm thú vị để ngắm những dải ánh sáng màu xanh lá lấp lánh. Ở thủ phủ Tórshavn trên quần đảo Faroe (Đan Mạch), người ta cũng có thể chiêm ngưỡng những vầng sáng lung linh, kỳ ảo này.

Những nguy hiểm tiềm tàng

Đã có nghiên cứu cho thấy, tuy cực quang tạo ra những màn trình diễn ánh sáng lộng lẫy trên bầu trời đêm, nhưng hiện tượng này lại có ảnh hưởng xấu tới khí quyển Trái đất, khiến tầng ozon bị ăn mòn.

Mặc dù con người là nguyên nhân gây ra phần lớn sự suy giảm của tầng ozon, song các nhà quan sát cho biết, có một loại cực quang được gọi là “cực quang proton cô lập” góp phần không nhỏ trong quá trình này.

Từ lâu, các nhà nghiên cứu quốc tế phát hiện rằng tác động của các cực quang proton cô lập tạo ra một lỗ hổng rộng gần 400km2 trên tầng ozon, khiến hầu hết ozon biến mất trong khoảng hai giờ đồng hồ.

Họ cho biết cực quang proton cô lập xuất hiện cùng với sự tấn công dữ dội của tia plasma do Mặt trời phóng ra, mang theo các ion điện từ có năng lượng cao, hướng về Trái đất. Một số hạt ion điện từ đến được Trái đất, gây xáo trộn cho bầu khí quyển của Trái đất.

Hệ quả của hoạt động này là các oxit nitơ và hydro được giải phóng do tương tác của các hạt với bầu khí quyển, gây suy giảm tầng ozon.

Theo cảnh báo của giới khoa học, khi cực quang xảy ra có thể gây trục trặc một số vệ tinh đang hoạt động và cơ sở hạ tầng điện dưới mặt đất. Các hạt mang tích điện cũng tạo ra mối nguy hiểm đối với các phi hành gia làm nhiệm vụ ngoài không gian.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cảnh báo việc đi ngắm Bắc cực quang tiềm ẩn không ít nguy cơ.

Ông Johannes Sigfusson, cảnh sát tại Akureyri, Iceland cho biết, do phải ra khỏi ánh đèn thành phố càng xa càng tốt, nhiều người chọn những con đường núi hiểm trở để “săn” Bắc cực quang. Trong khi điều kiện thời tiết và đường sá rất nguy hiểm, nhiều người dừng xe giữa đường để chụp ảnh mà không có cảnh báo cho những người đi đường khác. Rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra. Một nửa trong số những vụ chết vì tai nạn ở Iceland vào năm ngoái là do khách du lịch tự lái xe đi tham quan và ngắm Bắc cực quang, ông Sigfusson cho biết.

Bắc cực quang là “đặc sản” thiên nhiên của các nước Bắc Âu. Chỉ có ý thức tự bảo vệ an toàn cho bản thân, tuân thủ luật lệ của nước sở tại, những chuyến đi “săn” cực quang của du khách mới thật sự mang lại những kỷ niệm giá trị.

Để “săn” được cực quang:

- Nên sử dụng thông tin từ bản đồ về cực quang trên "Auroral Activity by Solar Rotation map" để lên kế hoạch cho chuyến đi.

- Tra cứu thông tin vào thời điểm sát ngày bạn tới để xem độ yếu, mạnh của cực quang.

- Tránh ngày rằm bởi trăng rất sáng, khiến việc quan sát và chụp cực quang khó khăn hơn.

'Vũ khí AI' - Uy lực khủng khiếp nhưng đầy rủi ro

'Vũ khí AI' - Uy lực khủng khiếp nhưng đầy rủi ro

Ứng dụng rộng rãi của AI trong quân sự là những bước tiến trong phát triển các hệ thống vũ khí tự hành. Điều này ...

Cơ hội chiêm ngưỡng cực quang rực rỡ trong tháng 6

Cơ hội chiêm ngưỡng cực quang rực rỡ trong tháng 6

Vết đen trên Mặt trời đã tạo ra cực quang rực rỡ vào tháng 5 sẽ sớm "quay mặt" về Trái đất một lần nữa. ...

Hưởng lợi từ AI nhưng các Big Tech đều lo sợ rủi ro

Hưởng lợi từ AI nhưng các Big Tech đều lo sợ rủi ro

Mặc dù hưởng lợi lớn từ AI, nhưng các Big Tech như Google, Meta đều thừa nhận rủi ro của công nghệ này đến hoạt ...

Iceland: Tắt đèn để chiêm ngưỡng Bắc cực quang

Iceland: Tắt đèn để chiêm ngưỡng Bắc cực quang

Đèn đường ở hầu khắp các khu vực tại thủ đô Reykjavik của Iceland đã được tắt vào 22h tối 29/9 để người dân có ...

Hình ảnh Bắc cực quang ảo diệu trên bầu trời Bắc bán cầu do bão Mặt trời

Hình ảnh Bắc cực quang ảo diệu trên bầu trời Bắc bán cầu do bão Mặt trời

Cơn bão Mặt trời mạnh bất thường đã tạo nên những màn trình diễn ánh sáng thiên thể ngoạn mục trên bầu trời Bắc bán ...

(tổng hợp)