Mô hình trạm y tế “hai trong một”
Trong cuộc làm việc ngay tại trạm y tế theo mô hình xã hội hoá đầu tiên của cả nước, tại phường 11, quận 3, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo với Phó Thủ tướng đây là mô hình thí điểm hợp tác công tư tại một trạm y tế. Theo đó, bên cạnh chức năng chủ yếu thực hiện dự phòng, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia…, DN đã đầu tư phòng khám đa khoa đồng bộ, hiện đại, thu hút được bác sĩ giỏi chuyên môn.
Phó Thủ tướng phải làm thực sự quyết liệt, nghiêm túc, nhất định phải củng cố y tế cơ sở theo đúng nghĩa. |
Sự kết hợp “hai trong một” này nhằm thay đổi nhận thức, tạo được sự tin tưởng của người dân khi đến với trạm y tế đồng thời tận dụng được điều kiện về mặt bằng, cơ sở vật chất hiện có để không chỉ thực hiện công tác dự phòng mà còn góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Cùng với đó, Sở Y tế TPHCM cũng chuyển chức năng quản lý người bệnh mãn tính, khám sàng lọc một số bệnh về ngay tại trạm y tế để người bệnh không phải lên tuyến trên.
Chủ tịch UBND quận 3 Võ Khắc Thái đánh giá, một trong những kết quả tích cực từ mô hình hợp tác công tư trạm y tế cơ sở không chỉ giúp có thêm nguồn lực, kinh phí dành cho công tác dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân mà còn thu hút thêm bác sĩ giỏi về làm việc tại trạm. Dù còn không ít băn khoăn do đây là mô hình thí điểm, các quy định pháp lý chưa rõ ràng, nhưng đại diện nhà đầu tư cũng như lãnh đạo ngành y tế, UBND TPHCM đều bày tỏ mô hình kiểu mẫu đã đáp ứng được một phần nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ, thay đổi nhận thức của người dân về người dân về y tế cơ sở.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định phát triển y tế cơ sở là một ưu tiên hàng đầu của ngành y tế để người dân được tiếp cận nhanh nhất với những dịch vụ y tế chất lượng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn lực để nâng cấp, xây mới khoảng 10.000 trạm y tế cơ sở, cũng như đào tạo lại đội ngũ cán bộ y tế, thu hút bác sĩ giỏi về trạm y tế xã, phường.
Trong khi đó, các DN, nhà đầu tư thường chỉ muốn đầu tư vào bệnh viện do trạm y tế cơ sở chủ yếu thực hiện các chương trình y tế dự phòng miễn phí, không có nguồn thu lớn nên không hấp dẫn. Mô hình trạm y tế “hai trong một” của TPHCM được đánh giá là rất sáng tạo vừa phục vụ các chương trình dự phòng, quản lý bệnh mãn tính, kết hợp với khám đa khoa.
“Chủ trương của Bộ Y tế là hoàn toàn ủng hộ những mô hình nào bảo đảm chăm sóc tốt cho sức khoẻ người dân ”, ông Long cho biết.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá TPHCM có rất nhiều sáng kiến, mô hình chăm sóc sức khoẻ người dân từ cơ sở như huy động xã hội hoá, phát triển các phòng khám bác sĩ gia đình... Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý điểm mấu chốt trong mô hình hợp tác công tư tại y tế cơ sở là hoạt động vì lợi nhuận, hay phi lợi nhuận. Dẫn chứng lại hàng loạt bất cập từ việc huy động xã hội hoá tại nhiều bệnh viện dẫn đến tình trạng phân biệt giữa người bệnh khám bằng thẻ BHYT và khám dịch vụ, hay tình trạng lạm dụng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng... Phó Thủ tướng cho rằng, “nếu hợp tác công tư thì phải bảo đảm bảo lâu dài là không vì lợi nhuận. Khái niệm phi lợi nhuận không phải là đầu tư không tính lãi mà là phần lợi nhuận thu được không chia cổ tức cho các nhà đầu tư mà tiếp tục được sử dụng tái đầu tư. Đây là lúc cần đặt vấn đề này ra để nghiên cứu và có những bước đi rất bài bản”.
Khi đến thăm các trạm y tế ở một số địa phương trong cả nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhiều lần nhấn mạnh cần phải thay đổi mạnh mẽ về tư duy, đi trước một bước trong việc chăm sóc sức khỏe người dân tại trạm y tế. Đây không chỉ là nơi khám chữa bệnh ban đầu, thực hiện y tế dự phòng, tiêm chủng… mà tiến tới thực hiện quản lý, chăm sóc, tư vấn sức khỏe cho từng người dân trên địa bàn, kể cả những người mắc bệnh mãn tính, thay vì phải lên bệnh viện tuyến trên vừa tốn thời gian, chi phí vừa gây quá tải, bức xúc.
Bên cạnh đó, những trạm y tế được xây dựng tương đối khang trang, bác sĩ có trình độ chuyên môn tốt, hoàn toàn có thể mời đến bác sĩ giỏi ở bên ngoài, bác sĩ nghỉ hưu, thầy thuốc đông y tham gia làm việc, thậm chí có phòng khám riêng ở ngay tại trạm. “Càng nhiều bác sĩ giỏi về trạm y tế thì uy tín của trạm càng tốt và người dân càng tín nhiệm”.
Đánh giá cao việc trạm y tế theo mô hình xã hội hoá có nhiều thiết bị hiện đại nhưng Phó Thủ tướng lưu ý cần số hoá các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tránh tình trạng lạm dụng, gây tốn kém cho người dân. |
Sự sáng tạo, năng động của địa phương
Trao đổi thêm về việc củng cố hệ thống y tế cơ sở hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đây không còn là lúc bàn thảo nữa mà phải làm thực sự quyết liệt, nghiêm túc, nhất định phải củng cố y tế cơ sở theo đúng nghĩa.
Theo Phó Thủ tướng trước, quan điểm phát triển của ngành y tế coi “y tế cơ sở là gốc”, tuy nhiên trong thực tế hệ thống y tế cơ sở còn rất nhiều vấn đề. Nhiều nơi trạm y tế được xây dựng khang trang, có biên chế 5-7 cán bộ y tế nhưng người dân đến khám chữa bệnh ngày càng ít đi trong khi tuyến trên ngày càng quá tải. Cán bộ y tế cơ sở ít việc nên trình độ chuyên môn cũng đi xuống.
Phó Thủ tướng cho rằng đã đến lúc cần phải thay đổi thực tế này để trạm y tế thực hiện đúng chức năng vốn có là nơi triển khai các chương trình y tế dự phòng, đồng thời theo dõi, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho từng người dân trên địa bàn, cho cán bộ, người lao động trong cơ quan, như đã làm nhiều năm trước đây. Mục tiêu lớn nhất là người dân thực sự được chăm sóc sức khoẻ, khám thường xuyên, phát hiện bệnh sớm và tư vấn điều trị kịp thời
Trước đó, khi đến thăm trạm y tế phường 16, quận 4, Phó Thủ tướng nêu vấn đề: Chăm sóc sức khoẻ cho người dân là một dịch vụ công nhưng cung cấp dịch vụ công không nhất thiết phải là nhà nước.
Vấn đề đặt ra không chỉ đối với trạm y tế phường 16, là dù tính cả những phòng khám tư trên địa bàn phường, mới chỉ có khoảng 50% người dân có đến khám chữa bệnh nhưng trạm y tế chưa nắm được tình trạng sức khoẻ của từng người.
Từ thực tế trên, Phó Thủ tướng đề nghị trạm trưởng trạm y tế phường 16 đặt ra và phải đạt được mục tiêu để mỗi người dân đều biết được tình trạng sức khoẻ của mình và được tư vấn, điều trị kịp thời khi có bệnh trên cơ sở triển khai các hợp phần quản lý sức khỏe cá nhân kèm theo của hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
“Làm sao trạm y tế là nòng cốt, cùng với chính quyền, “đấu nối” tất cả bác sĩ, phòng khám trên địa bàn thành chung một hệ thống để chăm sóc sức khoẻ cho tất cả mọi người dân. Làm được điều này thì chúng ta sẽ tiến tới thực hiện đúng chức năng của trạm y tế cơ sở theo mô hình y học gia đình, tức là nơi quản lý sức khỏe cho tất cả mọi người dân trên địa bàn”, Phó Thủ tướng nói.
Đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn từ những kết quả đạt được trong thực tiễn. thành phố sẽ có các cách làm mới, mô hình hay để củng cố hiệu quả hệ thống y tế cơ sở, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Đồng thời bảo đảm thực hiện đúng các chức năng, nhiệm vụ cũng như đối tượng phục vụ của y tế cơ sở, bao gồm đối tượng khám bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, người nghèo… có như vậy mới đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc sức khoẻ và tạo sự an tâm cho người dân khi khám chữa bệnh tại trạm y tế. Từ đó cùng các địa phương khác chia sẻ, đúc rút các bài học kinh nghiệm quý, mô hình, cách làm sáng tạo để nhân rộng ra cả nước.