PGS.TS Lê Thanh Bình cùng Đại tá Vũ Ngọc Diệu, Anh hùng lực lượng vũ trang giao lưu tại chương trình. (Ảnh: Thúy Hiền) |
Thầy trò Học viện ngoại giao đã dành trọn một chương trình để vinh danh người thầy giáo mà họ yêu thương, kính trọng. Người thầy đó chính là PGS.TS Lê Thanh Bình. Các ca sĩ, các bạn trẻ đã trình diễn những sáng tác của chính thầy Lê Thanh Bình (có 2 bài thầy viết lời, bạn phổ nhạc còn lại gần 10 bài đều do chính thầy viết lời và nhạc) suốt toàn bộ chương trình, xen kẽ các cuộc hội thoại của tác giả, diễn giả và người tham dự. Đêm giao lưu đã làm thăng hoa và lắng đọng cái đẹp trong tâm hồn mọi người, với biết bao nghĩ cảm, suy tư.
Hóa ra Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Bình không chỉ là giảng viên, nhà khoa học, nhà ngoại giao, nhà báo, nhà thơ viết hai thứ tiếng (Việt, Anh), anh còn là một người sáng tác ca khúc như nhạc sĩ thực thụ, dù viết bằng “văn hóa” nhiều hơn kỹ năng chuyên ngành nhạc, như nhận xét các bạn bè của anh trong ngành sáng tác. Một người đa tài!
Phần mở đầu của chương trình với tên gọi “Miền quê yêu dấu”. Qua những bài hát, Lê Thanh Bình đã dành tình cảm quý yêu trong sâu thẳm cho quê hương mình, cho quê hương bạn bè quốc tế nơi anh sống gắn bó nhiều năm tháng như nước Nga, Na Uy... Đặc biệt, người nghe thực sự xúc động về những ca khúc hát về Việt Nam, như “Quảng Trị quê tôi”, “Cha ơi”... Hình ảnh một vùng quê miền Trung - “đòn gánh hai đầu đất nước”, “người dân chân tình, hào hiệp” với những tên tuổi lẫy lừng khí phách, như: Đông Hà, Thạch Hãn, Khe Sanh, những chàng trai Triệu Phong, những cô gái Gio Linh... đã làm nên một “ quê tôi Quảng Trị anh hùng” với ca từ vút lên đầy tha thiết. Người cha của chính tác giả được diễn tả với những kỷ niệm rất riêng tư gắn với tuổi thơ của Lê Thanh Bình nhưng đã được ca từ, giai điệu đẹp, đầy tính biểu cảm, nâng lên thành biểu tượng của quê hương. Đó là những giá trị tình cảm của hôm qua, hôm nay và mai sau, mãi ru vỗ tâm hồn con người Việt Nam trong niềm tự hào về đất nước quê hương.
Phần hai chương trình là giao lưu, trò chuyện giữa PGS.TS Lê Thanh Bình cùng người đồng đội cũ là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Vũ Ngọc Diệu với diễn giả, khách mời. Cuộc hội thoại kể chuyện thực tế, hồi ức tình đồng đội ... tự nó đã nói lên nhiều bài học kinh nghiệm, rút ra được nhiều giá trị nhận thức cho sinh viên, cho đồng nghiệp. Đó là tình yêu thương đồng đội, sự vượt khó, là ý chí kiên cường, bản lĩnh và thái độ lựa chọn, hành động dấn thân cho nghề nghiệp, cho lí tưởng. Những câu chuyện cũ mà vô cùng thiết thực bổ ích cho sinh viên, cho tuổi trẻ hôm nay.
Phần cuối của chương trình là loạt ca khúc về tình yêu đôi lứa, tình yêu cuộc sống. Ở đây, người nghe bắt gặp tình cảm và tâm hồn tinh tế, rất đỗi đa tình của người nghệ sĩ Lê Thanh Bình khi diễn tả tình yêu trong cuộc chiến. Trong cái bất bình thường của chiến tranh, tình yêu được thử thách lại càng có cơ hội lan tỏa vẻ đẹp của mình. Vẻ đẹp của cảm thông, của nhớ thương, của lòng chung thủy. Những bài hát trào dâng cảm xúc với biết bao nhung nhớ, yêu thương, mộc mạc sâu lắng, chân thành khi nói về tình yêu đôi lứa trong thời chiến tranh của Lê Thanh Bình đã làm rung động và lay động tâm hồn của nhiều sinh viên, bè bạn, chắp cánh bay cao cho tình cảm nhân văn của tuổi trẻ.
“Bài ca cuộc đời” của Lê Thanh Bình là chất thơ được kết tinh từ nhiều nguồn sống, sinh ra từ sự trải nghiệm đời sống phong phú gắn với nhiều giai đoạn của cuộc đời, của lịch sử: từ tuổi thơ của anh, những năm tháng anh là chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, những năm anh là sinh viên báo chí truyền thông tại đại học Tổng hợp quốc gia mang tên Lomonosov, những năm tháng anh là nhà ngoại giao, là Trưởng khoa đầu tiên, mở ngành Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chia sẻ ngọt bùi với thầy trò Học Viện ngoại giao. Xin đề cập tới bài hát “Nước Nga, mùa xuân và cuộc đời” của anh thể hiện tấm lòng của anh và những lớp người từng học tập, làm việc ở xứ sở Bạch Dương với thầy cô, nhân dân Nga. Còn bài “Hai miền quê yếu dấu” là lời nhắn nhủ của tác giả tới các thế hệ kiều bào, nhất là người trẻ ở Na Uy luôn nhớ về quê hương…
“Bài ca cuộc đời” trong thơ và nhạc quyện hòa của Lê Thanh Bình là bài ca về cuộc đời người lính, cuộc đời nhà ngoại giao, nhà trí thức bình dị, thẳng ngay. Cuộc đời chan chứa tình thương yêu. Những tác phẩm nghệ thuật mà Lê Thanh Bình dâng hiến cho đời đã được hát vang và rất cần được tiếp tục “cùng hát vang” lên trong tâm hồn nhiều thế hệ. Đó là những giá trị văn hóa cần được trao truyền.
Bước vào tuổi bảy mươi, thầy giáo Lê Thanh Bình vẫn giữ nguyên vóc dáng trẻ trung, nụ cười tươi, đôn hậu. Thân kính chúc anh và gia đình vui, khoẻ, luôn mang nguồn năng lượng tích cực truyền đến mọi người giữa quê hương anh - một quê hương vẫn còn đó bao gian khó, thử thách nhưng ngày càng phát triển, hội nhập bền vững với thế giới. Xin được cùng Lê Thanh Bình, các cựu chiến binh, đông đảo người thân, bạn bè, sinh viên các thế hệ và những người yêu văn nghệ, hoạt động ngoại giao văn hóa “hát vang bài ca cuộc đời” nhân dịp kỷ niệm những ngày trọng đại của đất nước!
Dưới đây là một số hình ảnh nổi bật tại chương trình:
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung (ngoài cùng bên phải) tặng hoa chúc mừng Chương trình ca nhạc của PGS.TS Lê Thanh Bình. (Ảnh: Thuý Hiền) |
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Ngọc Diệu (thứ 2 từ phải sang) cùng PGS.TS Lê Thanh Bình (ngoài cùng bên phải) lắng nghe những bài hát do chính ông viết lời. (Ảnh: Thúy Hiền) |
Các sinh viên Học viện Ngoại giao trình diễn bài hát “Bài ca Ngoại giao Việt Nam” phổ nhạc bởi nhạc sĩ Doãn Tiến, viết lời bởi PGS.TS Lê Thanh Bình trong không khí vui tươi, hào hùng. (Ảnh: Thúy Hiền) |
Ban tổ chức tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu sau khi kết thúc chương trình. (Ảnh: Thúy Hiền) |