📞

Cùng “thắp sáng” một tương lai cho ASEAN

16:58 | 08/10/2018
Nhu cầu điện trong khu vực ASEAN dự kiến ​​sẽ tăng 250% vào năm 2040, ASEAN cần phải đẩy mạnh hợp tác để “thắp sáng” tương lai cho chính mình.

Những thách thức lớn

ASEAN đang trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế bền vững bất chấp cuộc chiến tranh thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như những biến động về tiền tệ. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hoá sẽ dẫn đến tiêu thụ nguyên liệu theo đầu người cao hơn, trong đó có tiêu thụ năng lượng.

Việc xây dựng một hệ thống lưới điện xuyên quốc gia và vô cùng cần thiết. (Nguồn: Brink Asia)

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, nhu cầu năng lượng căn bản trong khu vực ASEAN sẽ tăng hơn 2/3 vào năm 2040. Đi cùng với đó, ASEAN sẽ phải đối mặt với một số thách thức liên quan đến an ninh năng lượng, tiếp cận năng lượng, đầu tư và môi trường. Những thách thức này sẽ dễ dàng giải quyết nếu các quốc gia thành viên gắn kết với một tầm nhìn chung và một lộ trình dài hạn.

Thách thức đầu tiên liên quan tới an ninh năng lượng. Theo dự báo, khu vực dự kiến ​​sẽ tiêu thụ nhiều dầu và khí tự nhiên hơn để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch làm tăng mối lo ngại về an ninh năng lượng cho khu vực. Sau nhiều năm là khu vực xuất khẩu ròng, ASEAN đã dần trở thành khu vực nhập khẩu ròng nhiên liệu hóa thạch. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu này sẽ đặt gánh nặng tài chính lên các quốc gia thành viên.

Thách thức thứ hai liên quan tới đầu tư. Nhu cầu điện trong khu vực ASEAN dự kiến ​​sẽ tăng 250% vào năm 2040, nhanh hơn nhiều so với nhu cầu năng lượng sơ cấp. Thực tế này đòi hỏi khu vực phải phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp. Để có một hạ tầng hiện đại, đủ để cung ứng năng lượng điện cho khu vực trong tương lai, vấn đề đầu tư đóng một vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay lượng vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực năng lượng trong ASEAN đang có dấu hiệu giảm do lĩnh vực đầu tư ngày càng kém sức hấp dẫn, cũng như một số rào cản đối với nhà đầu tư liên quan tới các quy trình pháp lý.

Thách thức thứ ba là vấn đề môi trường, ASEAN cần phải tìm mọi cách để cung cấp nguồn năng lượng bền vững, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với nhiều vấn đề như ô nhiễm không khí, nguồn nước… do việc xử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch gây ra.

Chia sẻ tầm nhìn chung

Để giải quyết những thách thức nêu trên cũng như để có được một mô hình chuyển đổi năng lượng hiệu quả trong ASEAN đòi hỏi sự đồng thuận cao trong các giới và có một kế hoạch, tầm nhìn dài hạn, cũng như một lộ trình kèm theo.

Theo nghiên cứu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong tương quan so sánh với các nền kinh tế lớn, ASEAN hoàn toàn có cơ hội cải thiện an ninh năng lượng và môi trường bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình chuyển đổi năng lượng hiệu quả thông qua cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường sáng tạo và tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống năng lượng mới.

Trong tương quan so sánh với các nền kinh tế lớn, ASEAN hoàn toàn có cơ hội cải thiện an ninh năng lượng và môi trường bền vững. (Nguồn: Brink Asia)

Với ASEAN, một tầm nhìn chung cho chiến lược phát triển đóng vai trò quan trọng. Bởi lẽ, là một khu vực mà sự đa dạng là đặc trưng rõ nét, đa dạng về vị trí địa lý, quy mô dân số, GDP đầu người, hệ thống chính trị…, ASEAN rất khó đạt được sự tăng trưởng đồng đều nếu không hợp tác dựa trên một tầm nhìn chung. Về năng lượng, hợp tác để có lưới điện, ống dẫn khí đốt xuyên biên giới là việc cần phải đẩy mạnh.

Trong lĩnh vực năng lượng, các quốc gia ASEAN có các nguồn năng lượng sơ cấp rất phong phú và đa dạng: các nước Lào, Myanmar, Campuchia và Việt Nam sở hữu tiềm năng thủy điện rất lớn, trong khi các nước Indonesia, Malaysia và Brunei lại rất giàu nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, việc tận dụng các nguồn này có thể là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức, bởi vì chúng không ở gần các trung tâm tiêu thụ, hoặc không dễ khai thác.

Hơn nữa, mỗi nước cũng muốn có một chương trình đầu tư nguồn nhiên liệu đa dạng để đảm bảo an ninh năng lượng. Tất cả các yếu này là nguyên nhân hết sức thuyết phục để ASEAN điều phối việc sử dụng các nguồn lực sẵn có và liên kết các hệ thống năng lượng giữa các nước thành viên.

Hiện nay, hợp tác năng lượng trong ASEAN diễn ra trên cơ sở Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC). Đây là khuôn khổ chung cho các sáng kiến củng cố an ninh năng lượng, tăng cường tiếp cận và đảm bảo sự bền vững của các nguồn năng lượng trong khu vực. ASEAN đã phối hợp thành công trong việc thực hiện các dự án nổi bật là Mạng lưới điện ASEAN và Hệ thống kết nối đường ống khí đốt. Dù gặp nhiều thách thức về phạm vi và mức độ phức tạp của các dự án này, tới nay ASEAN đã triển khai được 6 trong tổng cộng 16 dự án kết nối điện và 12 đường ống dẫn khí đốt song phương kéo dài 3.377km. ASEAN cũng đã phối hợp triển khai các sáng kiến về nâng cao hiệu quả năng lượng (EE), năng lượng tái tạo (RE) và nhiệt điện sạch.
(theo Brink Asia)