📞

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

16:51 | 11/01/2016
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi các nền tảng của xã hội chúng ta”.
Ông Klaus Schwab, người sáng lập WEF. Nguồn: Huffington Post

Đó là nhận xét của ông Klaus Schwab, người sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Le Temps (Thụy Sỹ) ngày 9/1. Dưới đây là tóm lược một số nội dung chính của cuộc phỏng vấn diễn ra trước phiên khai mạc WEF lần thứ 46 về chủ đề Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra tại Davos vào ngày 20/1 tới.

Về kịch bản kinh tế cho năm 2016: Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ rất khiêm tốn. Các dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đều thống nhất là vào khoảng 3% so với 5% trước cuộc khủng hoảng 2008. Sự chênh lệch này là khá lớn. Nếu sự chênh lệch này còn kéo dài, GDP của thế giới chỉ có thể tăng gấp đôi sau 24 năm so với khoảng cách là 14 hoặc 15 năm trước đây. Điều đó sẽ có tác động to lớn đến việc tạo công ăn việc làm.

Lý giải của ông về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cần cảnh tỉnh nhân loại về những thay đổi vô cùng to lớn mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Thời gian vừa qua, tôi dành nhiều thời gian để viết một cuốn sách về chủ đề này với sự giúp đỡ của các cộng sự. Cuộc cách mạng công nghiệp mới này sẽ có những tác động to lớn đến thị trường lao động. Cuộc cách mạng này không “giết chết” mọi việc làm nhưng sẽ loại bỏ một số nghề, đặc biệt là những nghề trung gian. Ví dụ, rất nhiều công việc trong khu vực hành chính, nhân viên văn phòng khu vực ngân hàng bị triệt tiêu… Công việc tri thức nhưng lặp lại nhiều lần có thể bị thay thế với việc robot hóa các quá trình làm việc.  

Điều đó cũng thể hiện những nguyên lý của Schumpeter. Trong ba cuộc cách mạng công nghiệp trước kia cũng vậy, phần lớn những công việc bị xóa bỏ được thay thế bằng các công việc mới. Ví dụ, sửa chữa robot, điều khiển máy bay không người lái có thể là những công việc của tương lai. Nhưng đó là xu hướng chung. Trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước, nhân công chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và từ công nghiệp sang dịch vụ. Sắp tới, đó là việc tập trung nhân lực trong lĩnh vực y tế, giáo dục và xã hội. Trong lĩnh vực văn hóa, nhiều cơ hội sáng tạo, phát kiến mới hình thành.

Có cần xem lại vai trò của Nhà nước trong cuộc cách mạng công nghiệp: Có, vì trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này cần có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa Nhà nước, người đặt ra các quy định và nền công nghiệp, động cơ của sự tiến bộ. Hiện chúng ta đang ở trong hoàn cảnh mà sự tiến bộ vượt qua khả năng tạo ra những quy định cần thiết của Nhà nước: ví dụ như taxi Uber, thuê nhà qua Airbnb. Hay một ví dụ khác là xe hơi tự hành đã có thể triển khai về mặt kỹ thuật nhưng các nhà chức trách vẫn đang từ chối cấp phép lưu hành.     

Nguy cơ chiến tranh toàn cầu: Tôi không nghĩ sẽ có chiến tranh thế giới nhưng chúng ta sẽ chứng kiến nhiều cuộc xung đột khu vực hơn, làm tăng tình trạng mất an ninh chung của toàn thế giới. Điều đó tạo ra các luồng người di cư. Các cuộc chiến sẽ không chỉ ở một khu vực nào quá lâu. Cần phải thấy rằng những điều chúng ta đã chứng kiến ở Paris không phải là một sự kiện đơn lẻ. Thế giới đã trở nên dễ tổn thương hơn. Khác với trước kia, phải có những đạo quân lớn để gây ra những tổn thất. Hiện chỉ cần một cá nhân cũng có thể tạo ra những thiệt hại nặng nề mà nhiều khi vẫn ẩn danh. Trường hợp các cuộc tấn công mạng có thể làm tê liệt toàn bộ hạ tầng của một quốc gia chẳng hạn. Nguy cơ khủng bố này tác động lớn đến nền kinh tế. Cái giá để đảm bảo an ninh sẽ tăng lên và thể hiện trong giá thành chung.

Những nguy cơ chính đối với kinh tế thế giới: Ba nguy cơ chính đó là: Các cuộc xung đột khu vực, các cuộc tấn công mạng quy mô lớn và các cú sốc trong hệ thống tiền tệ và tài chính vì thế giới có số nợ khổng lồ. Tổng số nợ của thế giới là 200 nghìn tỷ USD. Con số này quá lớn và cần tìm ra một giải pháp.

Trung Quốc liệu có sắp sụp đổ: Không, về dài hạn sẽ là một cường quốc. Nếu tính trên sức mua, GDP của Trung Quốc gần tương đương với Mỹ. Trung Quốc có tới hàng trăm triệu người chưa đạt một mức sống nhất định. Họ còn khả năng phát triển. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm. Trung Quốc có GDP là 10 nghìn tỷ USD. Để có được tốc độ tăng 7%, điều đó tương ứng độ lớn của nền kinh tế Thụy Sỹ, nền kinh tế lớn thứ hai mươi thế giới.