TIN LIÊN QUAN | |
Huawei bị Chủ tịch EC 'nghi ngờ' khi phát triển mạng 5G cho châu Âu | |
Phải chăng nước Mỹ đang tụt hậu trong 'cuộc chiến 5G'? |
Huawei bên cạnh tiềm lực mạnh còn được sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc và “khả năng nghiên cứu, phát triển cũng rất mạnh”. (Nguồn: Deccan Herald) |
Huawei - Tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc đồng thời là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, vừa chịu một cú sốc khi nước Anh quyết định loại họ khỏi mạng viễn thông 5G của Anh dù trước đó London cho phép họ tham gia đến 35% thị phần.
Trước đó, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Washington đã đưa Huawei vào danh sách đen - hạn chế mua bán các thiết bị điện tử với các công ty Mỹ. Tập đoàn này cũng không được sử dụng hệ điều hành Android của Google cho các mẫu điện thoại thông minh của họ.
Huawei vẫn rất "khỏe mạnh"
GS TS Khương Hữu Lộc, giảng viên chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Keller Graduate School of Management (Mỹ), người theo dõi chặt chẽ tình hình kinh doanh của Huawei trong nhiều tháng qua, nhận định hiện giờ Huawei “vẫn rất khỏe mạnh”.
Theo giải thích của ông, Huawei là một tập đoàn khổng lồ với 180.000 nhân viên, lợi tức một năm vào khoảng 125 tỷ USD, trong đó lợi nhuận khoảng 10 tỷ USD. Tiềm lực họ mạnh như vậy nên không dễ dàng suy sụp.
Ông Khương Hữu Lộc cho biết, trong nửa đầu năm 2020, mặc dù bị Mỹ cấm vận cộng với sự hoành hành của dịch bệnh Covid-19 nhưng lợi tức của Huawei vẫn tăng 13% và lợi nhuận tăng 9%. Ông bình luận: “Thành ra bị cấm vận hay không thì tương lai hay sự khánh tận của Huawei không phải là vấn đề, mà vấn đề là tham vọng bành trướng của họ có thực hiện được hay không”.
Theo vị giáo sư này, trong bối cảnh kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng lợi tức của Huawei có thể đến từ việc hãng này đã “lắp đặt và thiết kế 500 trạm phát sóng 5G cho nhiều quốc gia khác nhau” trong suốt nửa đầu năm nay.
Tin liên quan |
Quan hệ Anh-Trung Quốc sắp đối mặt với ‘cơn giông bão lớn’? |
Chính phủ Trung Quốc cũng tăng mua thiết bị của Huawei rất nhiều và người dân nước này – vốn đa số sử dụng điện thoại trong nước, cũng là một thị trường lớn tiêu thụ điện thoại thông minh của Huawei.
Bên cạnh đó, do điện thoại thông minh của Huawei rẻ hơn iPhone của Apple nên “người dân các nước vẫn mua nhiều”. Việc Anh “đá” Huawei ra khỏi thị trường viễn thông 5G “đã ảnh hưởng rất nhiều đến tham vọng bành trướng của Huawei”. Thay vào đó, hãng viễn thông này sẽ tiếp tục “chiêu dụ các nước thế giới thứ ba sử dụng thiết bị 5G của họ”.
Ngoài Anh, mới đây Pháp mặc dù trấn an Trung Quốc rằng không cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G ở Pháp, song Paris cũng bắt đầu giảm dần việc cho phép các hãng viễn thông Pháp sử dụng thiết bị của Huawei. Còn Đức vẫn đang cân nhắc cho Huawei tham gia đến đâu vào mạng 5G của họ.
Trung Quốc đang đi trước thế giới
Khi được hỏi tại sao các nước phương Tây lại lệ thuộc vào công nghệ 5G của Huawei, Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc cho rằng trong lĩnh vực này, hãng công nghệ Trung Quốc đã “đi trước thế giới khoảng 2, 3 năm”.
Ông nói: “Họ đã bành trướng khắp thế giới từ cả chục năm nay với các mạng 3G, 4G. Giờ chuyển qua 5G chỉ cần 2 năm thôi. Họ đã có sẵn hệ thống máy móc, giờ nâng cấp lên rất dễ vì không cần thay đổi hoàn toàn”.
Ông cho biết trên lĩnh vực này, Mỹ đi sau vì không có chiến lược quốc gia để phát triển mạng 5G như Trung Quốc mà giao hoàn toàn cho các hãng tư nhân. Trong khi các hãng tư nhân cảm thấy quá tốn kém và mất nhiều thời gian “nên bỏ dở giữa chừng”.
Ông giải thích: “Ví dụ muốn phát triển vaccine phòng Covid-19, Chính phủ Mỹ bỏ ra 2 tỷ USD tài trợ thì các hãng dược tư nhân sẽ thực hiện rất nhanh. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ không đặt trọng tâm vào mạng 5G, thì các công ty tư nhân họ không bỏ cả tỷ USD để phát triển một dự án mà trong 5 năm chưa chắc thành công”.
Trong khi đó, Huawei bên cạnh tiềm lực mạnh còn được sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc và “khả năng nghiên cứu, phát triển cũng rất mạnh”.
Giáo sư Khương Hữu Lộc cho biết, “không thể coi thường công ty vĩ đại Huawei bởi khả năng nghiên cứu của họ. Tiềm lực kinh tế của họ rất mạnh với bản cân đối kế toán rất vững chắc”. Đồng thời, ông lưu ý rằng Huawei lớn mạnh được như vậy cũng dựa vào sự cung cấp và học hỏi các công nghệ của phương Tây.
Việc Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen chỉ gây khó khăn cho họ lúc đầu vì giờ đây các hãng sản xuất chip của Mỹ đã lách được lệnh cấm để tiếp tục cung cấp cho Huawei nếu những mặt hàng có nhiều hơn 2/3 thành phần được sản xuất bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ.
Theo ông, việc Mỹ “cấm cửa” Huawei cũng đem lại thiệt hại cho các hãng sản xuất chip của Mỹ vì doanh số hàng năm họ bán cho Huawei lên đến 11 tỷ USD. Không những thế, với việc không sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G thì Mỹ phải có cách tài trợ cho các công ty viễn thông Mỹ chuyển sang sử dụng các nhà cung cấp khác vốn đắt đỏ hơn rất nhiều.
Thế giới đang cân nhắc việc lựa chọn Trung Quốc hoặc Mỹ trong việc triển khai công nghệ 5G. (Nguồn: Reuters) |
Chọn Trung Quốc hay Mỹ?
Trong bối cảnh đang bị Mỹ và phương Tây tẩy chay, Huawei vẫn có thể tiếp tục phát triển mạng 5G cho các nước thế giới thứ ba bất chấp áp lực của Mỹ. Giáo sư Khương Hữu Lộc phân tích: “Các nước này không có đủ chi phí để lắp đặt thiết bị của những quốc gia tân tiến như Nhật hay châu Âu nên đã chọn Huawei. Trên thực tế, họ đã dùng mạng 3G, 4G của Huawei lâu rồi, giờ đổi lại mạng rất tốn kém”.
Trong tương lai, phần lớn nền kinh tế thế giới, trong đó có hệ thống giao thông vận chuyển hàng hoá, sẽ được kết nối với mạng 5G, nên các nước đang phát triển “đang cảm thấy áp lực phải sớm đi vào mạng 5G để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nếu không sẽ bị loại ra ngoài”.
Tiến sĩ Khương Hữu Lộc cho biết, với những nước đang gặp khó khăn vì kinh tế do dịch bệnh, Bắc Kinh “sẵn sàng cho vay không lấy lãi, thậm chí không hoàn lại, để đầu tư phát triển mạng 5G. Những nước này sẽ tiếp tục sử dụng mạng 5G của Trung Quốc và Mỹ không thể ngăn chặn được họ”. Lấy ví dụ, trường hợp của Campuchia đã sử dụng thiết bị 5G của Trung Quốc với giá “rẻ hơn khoảng 40%” so với thiết bị của Nokia của Thụy Điển".
Theo ông Khương Hữu Lộc, rủi ro lớn nhất mà các nước gặp phải khi sử dụng thiết bị của Huawei là không được làm ăn, ký hợp đồng hay hoà vào hệ thống thiết bị của các công ty Mỹ. “Việc chọn Huawei giống như việc chơi với Mỹ và chơi với Trung Quốc, anh phải chọn lấy một vậy”, ông ví.
Giáo sư Khương Hữu Lộc bình luận: “Covid-19 làm cho thế giới ngưng lại nên sự bành trướng của Huawei, việc Huawei chiêu dụ các nước đi vào hệ thống của mình sẽ bị chậm lại trong cả năm 2020”. Trong bối cảnh Mỹ và phương Tây bị Huawei bỏ lại phía sau, thời gian Huawei bị chậm lại “rất quý giá” để họ có thể đuổi kịp Huawei về công nghệ và giá thành.
“Hai năm bị chậm lại là thời gian hoãn binh để cho các nước phát triển 5G. Trong khoảng thời gian ngưng trệ đó, các nước chuẩn bị dùng thiết bị của Huawei 'có thể cân nhắc lại' việc lựa chọn giữa Mỹ hay Trung Quốc", ông nói.
| Anh-Trung Quốc: Bão lớn sắp nổi? TGVN. Quan hệ Anh-Trung Quốc đang xấu đi. Trong thời điểm vô cùng nhạy cảm này, việc kết thúc mối quan hệ kéo dài hai thập ... |
| Anh và tập đoàn Huawei: Đắt xắt ra miếng TGVN. Anh quyết định tẩy chay các sản phẩm Huawei của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến cho quan hệ hai nước xấu đi. Cái ... |
| Cuộc đua công nghệ: Mạng di động 5G chưa tới, 6G đã rục rịch TGVN. Các quốc gia có thế mạnh về công nghệ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đang cạnh tranh vị trí dẫn đầu trong ... |