Cả Facebook và Chính phủ Australia đều tuyên bố chiến thắng. (Nguồn: AFP) |
Tin tức của Australia sẽ quay trở lại nền tảng của gã khổng lồ truyền thông xã hội và chấp nhận một thỏa thuận trả tiền cho các tổ chức sản xuất tin tức. Mọi chuyện đã chính thức khép lại chưa? Ai thực tế đã chiến thắng trong “trận chiến” này và "tiếng vang" của nó sẽ xa đến đâu?
Ai chiến thắng?
Cựu CEO của facebook tại Australia, Stephen Scheeler nói rằng, ông không nghi ngờ về những phản ứng mạnh mẽ trên toàn cầu đối với mối quan hệ tương tự trong thời gian tới. “Tôi nghĩ, Facebook có lẽ đã quan sát thấy, các chính phủ trên khắp thế giới đều đang có chung quan điểm cứng rắn hơn những gì họ dự đoán."
Trên thực tế, Australia đã nhận được sự hỗ trợ không chỉ từ các chính phủ khác, vốn muốn thấy công ty của Mark Zuckerberg bị hạ bệ, mà thậm chí từ cả những công ty công nghệ khác mà trước đây đã lọt vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý.
Đầu tháng này, Microsoft đã công khai ủng hộ mạnh mẽ luật truyền thông mới, ủng hộ siết chặt quy định với các nền tảng trực tuyến. Microsoft thúc giục EU yêu cầu các nền tảng trực tuyến giải quyết các bất đồng về cách chia sẻ doanh thu với các hãng tin tức, điểm mấu chốt trong tranh cãi giữa Facebook và Australia.
Chủ tịch Microsoft Brad Smith còn đưa ra bình luận: "Luật sẽ điều chỉnh sự bất công về kinh tế giữa công nghệ và báo chí, bằng cách ủy thác các cuộc đàm phán giữa những người gác cổng công nghệ và các tổ chức tin tức độc lập."
Tất nhiên, những người hoài nghi có thể chỉ ra rằng, không có gì ngạc nhiên khi Microsoft ủng hộ một đạo luật được “đóng khung cụ thể” để làm khó hai đối thủ lớn nhất của họ. Bởi rốt cuộc, vào thời điểm mà Google đe dọa sẽ rời Australia, Microsoft đã “thì thầm” với Thủ tướng Australia rằng, công cụ tìm kiếm Bing của họ sẽ rất vui khi lấp đầy khoảng trống và đóng góp cho ngành công nghiệp tin tức ở nước này.
Phó Chủ tịch Microsoft Casper Klynge cũng công khai ủng hộ “một bước đi hợp lý” của Chính phủ Australia, nhưng đồng thời khoe thêm rằng, Tập đoàn công nghệ khổng lồ này đã chia sẻ doanh thu với các hãng tin tức thông qua sản phẩm Microsoft News.
Câu chuyện thật của Facebook ở Australia?
Sau khi giải quyết tranh chấp với Australia, Facebook cam kết đầu tư ít nhất 1 tỷ USD để hỗ trợ báo chí trong 3 năm tới. Đại diện Facebook về các vấn đề toàn cầu Nick Clegg dù cho biết, ông lớn công nghệ này sẵn sàng hỗ trợ các phương tiện truyền thông, hợp tác với các nhà xuất bản tin tức, nhưng vẫn nhắc lại mối quan ngại của họ về các khoản phí tin tức bắt buộc.
Cùng với việc khôi phục các liên kết tin tức như một phần của thỏa hiệp với các giới chức Australia, ông Nick Clegg vẫn lên tiếng bảo vệ gã khổng lồ truyền thông xã hội của Mỹ.
Với một blog có tiêu đề “Câu chuyện thực tế về những gì đã xảy ra với tin tức trên Facebook ở Australia”, ông Nick Clegg cho rằng, trung tâm của cuộc tranh cãi là sự hiểu lầm về mối quan hệ giữa Facebook và các nhà xuất bản tin tức Australia.
Bởi Clegg cho rằng, Facebook đã thúc đẩy khoảng 5,1 lượt quảng bá miễn phí cho các nhà xuất bản tin tức ở Australia vào năm ngoái, trị giá ước tính lên đến 407 triệu đô la Australia.
Theo đó, người của Facebook khẳng định, việc chỉ trích Facebook ăn cắp hoặc sử dụng báo chí gốc vì lợi ích của riêng mình luôn là sai lầm. “Chúng tôi không lấy, cũng không yêu cầu về những nội dung mà chúng tôi được yêu cầu phải trả một cái giá có thể cắt cổ”.
Đại diện Facebook về các vấn đề toàn cầu Nick Clegg cho biết, để tuân thủ dự luật ban đầu của Australia thì gã khổng lồ truyền thông xã hội sẽ bị buộc phải trả số tiền “có khả năng” không giới hạn cho các tập đoàn truyền thông đa quốc gia theo một hệ thống trọng tài cố tình mô tả sai mối quan hệ giữa các nhà xuất bản và Facebook.
Ông Clegg chỉ thừa nhận, việc chặn toàn bộ các tin tức ở Australia, là Facebook đã sai lầm về mặt thực thi quá mức.
Trước đó, nhằm phản ứng với dự luật của Australia yêu cầu Facebook và Google trả tiền cho các nhà xuất bản và cơ quan báo chí, Facebook đã xóa bỏ các trang tin tức của các cơ quan báo chí, truyền thông Australia, chặn người dùng chia sẻ tin tức của truyền thông Australia trên trang cá nhân, thông qua nền tảng truyền thông xã hội Facebook.
Facebook cho biết, họ rất vui với những sửa đổi của luật và tin rằng, họ sẽ chấm dứt ý tưởng rằng, Chính phủ nên đặt ra các điều khoản của một thỏa thuận giữa các công ty tư nhân.
Câu chuyện chia sẻ lợi ích này có vẻ khó có thể dừng ở đây. Nhiều vấn đề vẫn được đặt ra, rằng có nên đưa thỏa thuận này thành luật, hay nên chỉ dừng lại ở các bản hợp đồng thương mại dựa trên các điều khoản, gọi là thuế hay trợ cấp…
Và các chính phủ khác trên toàn cầu hiện đang nghĩ gì? có nên lấy cảm hứng từ những gì có vẻ là một cách tiếp cận thành công để buộc các gã khổng lồ công nghệ tài trợ cho các nhà xuất bản tin tức?....
Ngoài ra, trong một tuyên bố, các tổ chức và các hãng tin tức nói rằng, họ có quyền đòi các quyền lợi như vậy, nhưng họ có thể không có đủ sức mạnh kinh tế để đàm phán các thỏa thuận cân bằng và công bằng với các công ty công nghệ nắm trong tay quyền kiểm duyệt và có thể đe dọa từ bỏ đàm phán hoặc rút hoàn toàn khỏi thị trường.