📞

Cuộc chiến giành vaccine Covid-19: EU tính chặn xuất khẩu vaccine trả đũa Anh?

Thế Việt 14:34 | 29/01/2021
TGVN. Ngày 28/1, truyền thông tiết lộ, Liên minh châu Âu (EU) có thể ngăn chặn việc xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer cho Anh để giữ lại những nguồn cung cho các nước thành viên trong khối.
EU có thể ngăn chặn việc xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer cho Anh để giữ lại những nguồn cung cho các nước thành viên trong khối. (Nguồn: Global News)

Hãng truyền thông Independent chiều 28/1 dẫn một bức thư bị rò rỉ của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, EU đang nghiên cứu một cơ hội phải viện đến "các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất vaccine và cung cấp cho người dân EU của chúng ta".

"Cuộc chiến vaccine" đã nổ ra do công ty dược phẩm AstraZeneca của Anh-Thụy Điển, nhằm đảm bảo những nguồn cung ứng cho Anh, đã trì hoãn việc chuyển vaccine cho EU với lý do gặp phải những vấn đề về sản xuất.

Tuy nhiên, mới đây, Giám đốc điều hành AstraZeneca Pascal Soriot tỏ ra dịu giọng hơn và bày tỏ mong muốn hợp tác với EU.

Tờ FAZ của Đức dẫn các nguồn thạo tin trong EU cho biết, trong cuộc thảo luận trực tuyến với đại diện các nước thành viên EU, ông Soriot nhất trí sẽ công bố hợp đồng chuyển giao vaccine của hai bên.

Hiện bộ phận pháp lý của AstraZeneca đang xây dựng dự thảo trong đó có thể bỏ đi những thông tin nhạy cảm trong hợp đồng để trình Ủy ban châu Âu và có thể công bố trong ngày 29/1.

Bên cạnh đó, ông Soriot cam kết công ty này sẽ cung ứng cho EU số lượng vaccine nhiều hơn trong tháng 2 so với thông báo trước đó là trên 31 triệu liều.

Ban đầu, EU thông báo kế hoạch nhập về trong quý I/2021 là 80 triệu liều vaccine của AstraZeneca, tuy nhiên, công ty AstraZeneca cuối tuần trước bất ngờ thông báo sẽ giảm khối lượng bàn giao xuống 31 triệu liều do gặp trục trặc ở dây chuyền cung ứng.

Ông Soriot nhấn mạnh AstraZeneca không thể giao ngay được 80 triệu liều như kế hoạch, song con số chắc chắn sẽ nhiều hơn 31 triệu liều.

Cũng liên quan tới vaccine phòng Covid-19, công ty BioNTech của Đức đã nhận được giấy phép sản xuất vaccine tại nhà máy mới ở thành phố Marburg thuộc bang Hessen.

Trong bối cảnh khan hiếm nguồn vaccine khi chiến dịch tiêm chủng đã được tiến hành một tháng trước, Chính phủ Đức lên kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về tiêm chủng vào đầu tuần tới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lên kế hoạch thảo luận với thủ hiến các bang và các nhà khoa học, sau đó sẽ tiến hành thảo luận riêng giữa chính quyền trung ương và các bang về những biện pháp phòng dịch khi biện pháp phong tỏa hiện nay hết hạn vào ngày 14/2 tới.

Ngoài ra, bà Merkel cũng kêu gọi một cuộc họp cấp cao với các hãng sản xuất vaccine phòng Covid-19 vào lúc 20h ngày 1/2 (giờ Hà Nội).

(theo Sputnik, Global News)